Làm giá và những chiêu thức kinh điển

Những chiêu thức làm giá luôn xuất hiện trên các thị trường chứng khoán (TTCK). Ngay cả các trung tâm tài chính lớn trên thế giới cũng không tránh khỏi hoạt động này. Những hành vi thao túng đã và đang là sự thách thức cho tính minh bạch tại TTCK...

Năm 2006, khi TTCK Việt Nam tăng trưởng nóng, hàng loạt các đợt IPO (đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng) diễn ra nhưng lượng cung chỉ là muối bỏ biển so với sức cầu. Không khí sôi lên sùng sục khi không ít nhà đầu tư (NĐT) mặc dù mới chỉ đọc sơ qua bản cáo bạch hay thậm chí không đọc cũng sẵn sàng chọn giá cao ngất để mua bằng được cổ phiếu. Cũng như những buổi đấu giá nhà đất, các tay đầu cơ là thành phần không thể thiếu trong những buổi đấu giá cổ phiếu. Chiêu thức làm giá quen thuộc chính là việc đặt mua cổ phiếu với những mức giá cao đến phi lý nhằm nâng mức giá trúng thầu bình quân. Và NĐT vào thời điểm đó cũng không lấy gì làm lạ nếu sau mỗi buổi đấu giá có ai đó đặt mua với mức giá cao hơn giá khởi điểm... vài nghìn lần. Và khi được hỏi vì sao doanh nghiệp này so với các đối thủ cùng ngành trên sàn kém hơn hẳn nhưng giá đấu bình quân lại cao hơn rất nhiều, các NĐT dày dạn kinh nghiệm vào thời điểm đó đều trả lời ngắn gọn: “Đấu giá là vậy (!?)”. Khi thị trường niêm yết lên điểm, cổ phiếu OTC cũng sẽ được giao dịch mạnh hơn và NĐT cũng sẽ dễ bị nói thách khi có sự thỏa thuận giữa các tay cò và những người sở hữu khối lượng lớn. Các tay cò sẽ tạo ra nhiều tài khoản, sau đó rao theo kiểu “mua nghiêm túc”, “mua ngay” với giá cao ngất để khiến NĐT bị ngợp. Nhưng ai tinh ý sẽ nhận ra những tài khoản này thường trùng số điện thoại hoặc nếu hai số điện thoại khác nhau thì khi gọi lại cũng chỉ một giọng nói. Năm 2007, VN Index sau khi lên đỉnh với 1.170 điểm vào ngày 12 - 3, đã bắt đầu xuất hiện những giai đoạn điều chỉnh, nhưng BMC (Khoáng sản Bình Định) vẫn tăng trần đều đặn. Một số NĐT sau khi tỏ ra bất ngờ cũng đã nhảy vào “săn lùng” cổ phiếu này một cách ráo riết. Sự tăng giá bất thường của BMC đã khiến không ít chuyên gia phải lên tiếng và các cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc. Nhưng cho đến bây giờ, câu hỏi về việc BMC có bị thao túng giá hay không vẫn chưa có câu trả lời. Lý giải hợp lý nhất cho hiện tượng này vào lúc đó chỉ có thể là do sức cầu của thị trường dành cho cổ phiếu này quá lớn. Sau BMC, thị trường lại chứng kiến thêm hiện tượng TCT (Cáp treo Núi Bà Tây Ninh) cũng có những phiên tăng giá liên tục. TCT cũng đã được tiến hành xem xét nhưng không đủ bằng chứng cho thấy có hiện tượng làm giá. Cũng cần phải lưu ý rằng, việc tìm ra các hiện tượng thao túng giá cổ phiếu là không hề đơn giản, kể cả trên các TTCK lớn, và thời gian có khi kéo dài 2-3 năm. Để có thể thực hiện được những chiêu thức làm giá cũng cần phải bổ sung thêm một số “gia vị”, nhất là khi nhìn nhận của NĐT đã được nâng tầm lên rất nhiều. Theo ý kiến của một số NĐT, hiện nay với việc hàng hóa niêm yết đa dạng hơn, nếu doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp thì cũng phải có tình hình kinh doanh “tàm tạm” hoặc có tỷ lệ tăng trưởng ổn định mới được chọn để... làm giá. Việc chọn một số mã có tiềm năng cũng nhằm để tránh đòn “hồi mã thương” từ một số cổ đông lớn khác. Và lý do cuối cùng là nếu “đại sự” không thành thì các đại gia cũng có thể chuyên sang đầu tư lâu dài, do doanh nghiệp vẫn còn tiềm năng. Hiện tượng này cho thấy, sau rất nhiều “cơn sóng” của thị trường thì ngay cả những tay đầu cơ cũng đã cẩn trọng hơn rất nhiều.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.vn/channelid/830/tin-tuc/167533-lam-gia-va-nhung-chieu-thuc-kinh-dien.aspx