Làm gì với trụ sở bỏ hoang?

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau sáp nhập huyện, xã, gần 1.000 trụ sở chưa được xử lý, trong đó khoảng một nửa bỏ hoang, gây lãng phí. Ví dụ, đầu năm 2020, các xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Từ đó, trụ sở hành chính, trạm xá của xã Thạch Lâm, Thạch Hương trước đây bị bỏ hoang, trên tường còn treo cả bằng khen, giấy khen, trong tủ vẫn còn tài liệu vương vãi; rác thải khắp nơi, cỏ dại mọc đầy...

Giai đoạn 2019-2021, cả nước đã giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã, qua đó giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, giảm chi ngân sách nhà nước 2.000 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2023-2025, có 33 đơn vị cấp huyện và 1.327 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Theo đó, dĩ nhiên số trụ sở bỏ hoang sẽ càng ngày tăng thêm... Nếu không có biện pháp xử lý vấn đề này, số tiền tiết kiệm ngân sách nhờ sáp nhập xã, huyện không chắc nhiều hơn số tiền lãng phí do bỏ hoang công sở!

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng bỏ hoang này, trong đó có việc khó tìm cơ quan định giá tài sản công. Ngoài ra, muốn chuyển mục đích sử dụng tài sản công thì phải phê duyệt lại mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và hàng loạt thủ tục hành chính khác.

Một trụ sở xã bị bỏ hoang, xuống cấp, hư hỏng theo thời gian. Ảnh minh họa: Báo Tin tức

Để giải quyết vấn đề các trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã, cần có một kế hoạch tổng thể và chi tiết từ chính quyền các cấp. Có lẽ trước hết chính quyền địa phương nên thành lập một ban đặc trách để xác định tình trạng hiện tại của các trụ sở, đánh giá giá trị tài sản và đề xuất các phương án tái sử dụng hoặc chuyển nhượng. Các trụ sở có thể được chuyển đổi thành nhà văn hóa, trung tâm giáo dục, phòng khám y tế hoặc trung tâm khởi nghiệp để hỗ trợ cộng đồng và thúc đẩy kinh tế địa phương. Cũng có thể tổ chức các cuộc đấu giá công khai để thu hút nhà đầu tư có khả năng và ý định sử dụng hiệu quả các cơ sở này. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, thuế và thủ tục hành chính để khuyến khích đầu tư vào các dự án tái sử dụng tài sản công. Cần tăng cường công tác giám sát và quản lý tài sản công để tránh lãng phí và thất thoát trong quá trình chuyển đổi và sử dụng; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên ngành, từ quy hoạch, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế, đến các tổ chức xã hội để bảo đảm việc tái sử dụng tài sản công mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng.

Giải quyết được vấn đề trụ sở bỏ hoang không chỉ góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mà còn tiết kiệm ngân sách nhà nước và tối ưu hóa việc sử dụng tài sản công.

TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lam-gi-voi-tru-so-bo-hoang-767994