Làm gì khi trẻ là nạn nhân của các vụ buôn bán người?

Với các nạn nhân gặp phải các sang chấn tâm lý do phải chịu đựng những tra tấn tinh thần và thân thể trong suốt thời gian lưu lạc, TS tâm lý Vũ Thu Hương khẳng định nhất thiết cần có việc trị liệu tập trung theo phác đồ điều trị.

TS tâm lý Vũ Thu Hương

Sang chấn tâm lý nặng nề

TS Vũ Thu Hương cho biết, trên đất nước ta mỗi năm có tới hàng trăm em nhỏ bị bắt cóc. Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2009, có hơn 600 trẻ em Việt Nam bị buôn bán và bắt cóc. Tình trạng này có xu hướng giảm khi năm 2014, chỉ còn 100 trẻ Việt Nam bị mất tích vì bị mua bán bắt cóc và bị bán ra nước ngoài.

“Mặc dù theo số liệu thống kê chính thức cho thấy số vụ bắt cóc và mua bán trẻ em có xu hướng giảm. Tuy nhiên những vụ việc được cơ quan hữu quan phát hiện được cho thấy số phận của các em nhỏ rất bi thảm. Có em bị bán vào làm dâu cho các gia đình nông thôn nghèo ở các vùng sâu vùng xa của Trung Quốc, có em bị bán vào các động chứa mại dâm. Có em sau một thời gian lưu lạc bên đó, may mắn đã được giải cứu và trở về nhưng cũng có nhiều em nhỏ vĩnh viễn không trở về”, TS Vũ Thu Hương nêu.

Là người từng tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh yếu thế, gặp sang chấn tâm lý nhiều năm TS Vũ Thu Hương cho biết, các em gặp không ít khó khăn khi tái hòa nhập với cộng đồng sau khi được giải cứu trở về quê hương.

Trong số những trẻ bị bán làm những ngành nghề khác nhau thì những em nhỏ chỉ bị ép buộc phải làm các công việc nặng nhọc trong thời gian lưu lạc, việc hòa nhập không quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu các em nhỏ đó bị bán vào các động chứa mại dâm thì mọi chuyện lại không đơn giản. Với suy nghĩ còn nặng nề về chữ trinh tiết, đôi khi, các ánh mắt ác cảm lại dồn về phía những nạn nhân mới trở về và làm cuộc sống của các em trở nên ngột ngạt. Đã có nhiều em phải bỏ quê đi nơi khác kiếm ăn với mặc cảm rất đáng thương.

Cũng có em mang vết thương lòng mãi cho đến về sau và việc này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các em sau khi trở về. Cũng có em nhỏ bị dân làng kì thị đã mắc chứng trầm cảm và cuộc sống vô cùng khổ sở. Đó là chưa kể các em còn bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng vì cuộc sống kinh hoàng trong thời gian lưu lạc nơi xứ người với cuộc sống của gái bán hoa trong động chứa. Nhiều em vì ngại ngùng thái độ kì thị của người dân địa phương, đã từ chối trở về quê hương bản quán, chấp nhận cuộc sống vất vả đau thương nơi đất khách quê người.

“Cô bé ấy 13 tuổi. Tôi gặp khi được giải cứu trở về sau khi bị bán qua biên giới phía Bắc làm gái mại dâm. Cơ thể em non nớt, mắt em lúc nào cũng hốt hoảng, thậm chí sợ ánh sáng, tôi đưa tay muốn an ủi thì ngay lập tức cô bé co rúm người, lùi sâu vào góc phòng. Phải mất hơn một tuần tôi mới có thể hỏi được chuyện với em, nhưng cũng chỉ năm câu nhát gừng”, TS Vũ Thu Hương kể lại.

Cần sự chung tay của cộng đồng

TS Hương cho rằng, với những nạn nhân này, nhất thiết cần có một liệu trình điều trị tâm lý và hướng dẫn tái hòa nhập cộng đồng. Các em cần được trị liệu với các bác sĩ tâm lý và được chia sẻ với các em trong một thời gian dài để giúp các em định hướng lại cuộc sống, xóa bỏ những ám ảnh với những gì các em đã trải qua, giảm bớt các mặc cảm mà các em mang trong lòng. Bên cạnh đó, các em cũng cần được hướng dẫn tái hòa nhập cộng đồng để xây dựng cuộc sống ổn định lâu dài.

“Về phía những người dân địa phương, các cấp chính quyền cần có hướng dẫn cụ thể để họ có cách cư xử phù hợp với trẻ, không có những hành động ác cảm, gây ức chế với những nạn nhân đáng thương. Trong những trường hợp cần thiết, khi người dân địa phương không hợp tác hoặc có thái độ kì thị rõ ràng với nạn nhân, đưa các nạn nhân đến một địa phương khác sinh sống là việc cần làm”, TS Hương nhấn mạnh.

Với các nạn nhân gặp phải các sang chấn tâm lý do phải chịu đựng những tra tấn tinh thần và thân thể trong suốt thời gian lưu lạc, TS Hương khẳng định nhất thiết cần có việc trị liệu tập trung theo phác đồ điều trị để các em có thể dần dần xóa bỏ những ám ảnh kinh hoàng mà các em phải chịu đựng. Sau đó, các em rất cần có người hướng dẫn để hòa nhập cộng đồng và chia sẻ giúp các em giảm bớt mặc cảm.Việc này đòi hỏi thời gian và công sức của người trợ giúp. Vì thế, theo tôi, nhà nước cần có một chính sách hỗ trợ cụ thể cho các em trong những trường hợp này.

“Những nạn nhân của các vụ bắt cóc buôn người rất đáng thương khi đã phải trải qua những tháng năm kinh hoàng. Việc trợ giúp và hướng dẫn hòa nhập cộng đồng là việc chính quyền địa phương nhất thiết phải quan tâm và tiến hành bài bản, nghiêm túc”- TS Hương một lần nữa lưu ý.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/lam-gi-khi-tre-la-nan-nhan-cua-cac-vu-buon-ban-nguoi-post217019.info