Làm gì khi đầu tư nhiều vẫn tụt hậu?

Không thể phủ nhận vai trò, chức năng của Chính phủ thời gian qua đã đưa ra nhiều chính sách để giúp duy trì nền kinh tế - xã hội phát triển đúng hướng, nhưng để có một nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định, rất cần phải thay đổi nhiều vấn đề còn tồn tại trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo về Vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hôm qua (17 -1).

Nông nghiệp - nông thôn cần được đầu tư nhiều hơn

Ảnh: Hoàng Long

Theo nhận định tổng quát của giới chuyên gia, nếu nhìn vào 3 kỳ kế hoạch 5 năm (1996-2000; 2001-2005; và 2006-2010) có thể thấy kinh tế trong nước có xu hướng ngày càng kém hiệu quả, thể hiện ở chỗ đầu tư liên tục tăng trong khi tốc độ tăng GDP hầu như không thay đổi, lạm phát lại tăng.

Số liệu về tốc độ tăng trưởng và vốn đầu tư toàn xã hội cho thấy một nghịch lý: tỷ lệ đầu tư tăng trong khi tốc độ tăng trưởng giảm. Giai đoạn 1991-1995 tỷ lệ đầu tư toàn xã hội so với GDP (giá hiện hành) là 28,2 và GDP đạt mức tăng trưởng bình quân 8,21%/năm; giai đoạn 1996-2000 các mức tương ứng lần lượt là 33,3 và 7%; giai đoạn 2001-2005 là 39,1 và 7,49%; đến giai đoạn 2006-2010 là 42,7 và 6,9%. Điều này, bắt nguồn từ chính những yếu kém, tồn tại trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Theo ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có 4 điểm gây tắc nghẽn trong các chính sách điều hành nền kinh tế nước ta cần phải khắc phục. Thứ nhất, việc xác định chức năng, nhiệm vụ kinh tế của Nhà nước chưa được chuẩn xác, chưa rõ ràng. Dẫn đến thực trạng, có những lĩnh vực Nhà nước can thiệp quá sâu, có vấn đề lại quá bỏ ngỏ… Đó là lý do khiến một số lĩnh vực hiện nay như xăng dầu, điện vẫn chưa thoát khỏi tình trạng độc quyền, chưa thể đi theo cơ chế thị trường. Còn vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm động đến bất cứ thực phẩm gì cũng thấy không an toàn, nhiễm bẩn… mới bắt đầu vào cuộc là quá muộn.

Thứ hai, sự phân công phân cấp quản lý giữa các bộ, ngành còn chồng chéo, dẫn đến tình trạng hai, ba bộ cùng quản lý một vấn đề, đôi khi gây ra nghịch lý. Hẳn dư luận chưa thể quên một "sự vụ” liên quan đến công cuộc phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam. Mục tiêu của Chính phủ là sẽ hướng ngành công nghiệp này trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn nhưng đã xảy ra tình trạng: Trong khi Bộ Công thương ra sức xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, với mục đích phát triển sản lượng xe, thì ngược lại, Bộ Giao thông vận tải lại tiến hành xây dựng một chiến lược để hạn chế lượng xe lưu thông. Điều này rõ ràng gây nên tình trạng chính sách "đá” nhau. Và theo TS Lê Xuân Bá, đây cũng là yếu tố dẫn đến điểm nghẽn thứ 3, đó là trong việc phân cấp, các bộ ngành thiếu sự liên kết phối hợp chặt chẽ. "Tôi nhớ, một Bộ trưởng đã từng thừa nhận, 63 tỉnh thành là 63 nền kinh tế, mỗi tỉnh, thành phố mạnh ai nấy làm, không có sự phối hợp” – ông Bá nói, chính đặc điểm này khiến nền kinh tế phát triển thiếu đồng bộ, thiếu bền vững.

Một yếu tố nữa, cũng là yếu tố mấu chốt khiến nền kinh tế khó phát triển mạnh mẽ, đó là sự thiếu minh bạch. Từ trên, chính sách không minh bạch khiến dưới không biết đường nào mà lần, nó đang trở thành lực cản gây nhiều khó khăn cho sự hoạt động của doanh nghiệp.

TS. Grayson Clarke, chuyên gia tư vấn quốc tế thì cho rằng, việc công khai minh bạch thông tin là rất quan trọng đối với mọi lĩnh vực kinh tế. Vị chuyên gia này thừa nhận, ở Việt Nam vấn đề công khai minh bạch thông tin còn rất yếu - là lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Đặc biệt, TS Grayson Clarke nhấn mạnh vào lĩnh vực đầu tư công. Ông cho rằng, đầu tư công của Việt Nam hiện nay không bền vững do những lỗ hổng tài chính quá lớn, cơ sở hạ tầng thì bất hợp lý cả về quy mô và vị trí. Bởi vậy, lời khuyên của vị chuyên gia này là, thời gian tới, cần tăng cường năng lực nâng cao chất lượng đầu tư công. Trong kế hoạch 5 năm, Chính phủ Việt Nam cần phải cải thiện để cân đối nguồn lực, những gì không tạo ra giá trị nguồn lực cho nền kinh tế cần phải loại bỏ ngay lập tức để tránh lãng phí. Và TS Grayson Clarke cũng nhấn mạnh vào việc rất cần phải sớm ban hành Luật Đầu tư công, đây sẽ là công cụ giúp Chính phủ kiểm soát đầu tư công một cách chặt chẽ.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60253&menu=1366&style=1