Làm gì khi da bị khô, ngứa, nứt nẻ?

Những người da bị khô, nứt nẻ là do khả năng tự tiết ra những chất hữu cơ tự nhiên cùng mồ hôi giúp da nhờn, đàn hồi và chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn của làn da bị giảm. Điều này càng tăng hơn khi thời tiết hanh khô.

Cấu tạo của da

Cấu tạo của da có 3 lớp, theo thứ tự từ ngoài vào trong đó là biểu bì, trung bì, hạ bì.

- Lớp biểu bì là lớp ngoài cùng của da. Lớp biểu bì trên mỗi vị trí và từng bộ phận khác nhau thì sẽ có độ dày khác nhau, nhưng đều nằm trong khoảng 0,5 – 1 mm. Keratinocytes là tế bào chủ yếu trong lớp biểu bì, tế bào này được bắt nguồn từ tế bào ở lớp đáy. Trong quá trình sừng hóa trên da, khi các tế bào sừng ở trên bề mặt lớp biểu bì bị sừng hóa và bong tróc sẽ bị một lớp tế bào sừng mới thay thế.

Ngoài ra, lớp biểu bì này còn bảo vệ nội tạng, mạch máu, dây thần kinh tránh khỏi những chấn thương. Thông qua lớp biểu bì, chúng ta có thể biết được tình hình của da như khả năng chống nắng, độ ẩm…

- Lớp trung bì là lớp dày nhất trong 3 lớp và cũng là nơi tập trung nhiều collagen và elastin. Trong đó, collagen có nhiệm vụ hỗ trợ cấu trúc da, elastin có vai trò quan trọng trong việc phục hồi da. Các nang lông, mạch máu hay các tuyến mồ hôi, dây thần kinh, tuyến bã nhờn đều nằm ở lớp này.

- Lớp hạ bì là lớp dưới cùng của da. Lớp này có chứa các mô liên kết và phân tử chất béo, giúp cách nhiệt cũng như bảo vệ các mô bên dưới khỏi các chấn thương.

Những người da bị khô, nứt nẻ thường là khả năng tự tiết ra những chất hữu cơ tự nhiên cùng mồ hôi giúp da nhờn, đàn hồi và chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn của làn da bị giảm. Điều này càng tăng hơn khi thời tiết hanh khô.

Nguyên nhân khiến da khô, nứt nẻ gây ngứa

Bình thường, da chúng ta có một lớp màng bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị bốc hơi và bảo vệ da khỏi các tác động xấu từ ngoài môi trường. Tuy nhiên ở những người bị viêm da cơ địa hay có làn da nhạy cảm thì lớp màng bảo vệ này dễ bị tổn thương khiến da bị mất nước, dẫn đến khô da, các vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây tổn thương, xuất hiện mẩn đỏ, mụn nước, ngứa ngáy, khó chịu,...

Bên cạnh đó, vào mùa khô hanh, da không có đủ thời gian để kịp thích nghi khiến da nhanh chóng bị mất nước. Đặc biệt, điều này hay xảy ra ở những người có làn da khô và nhạy cảm hoặc quy trình dưỡng ẩm da không hiệu quả.

Biện pháp tối ưu cho làn da khô, nứt nẻ

Để khắc phục các hiện tượng trên cần chú ý thực hiện như sau:

- Bảo vệ và che chắn cho da cẩn thận khi đi ra ngoài để hạn chế tối đa những tác động xấu từ khói bụi, vi khuẩn ngoài môi trường.

- Bôi kem chống nắng đều đặn, bởi dù ánh nắng mặt trời trong mùa đông không gay gắt như mùa hè nhưng những tác hại của nó vẫn còn nguyên, làm cho da bạn thêm tồi tệ.

- Thường xuyên dùng kem dưỡng ẩm cho da, đảm bảo cho da luôn mềm mại. Hãy bôi kem dưỡng ẩm ngay khi bạn cảm thấy khô da, ngứa ngáy, da bong tróc. Nên sử dụng các loại kem có chứa ceramide, hyaluronic acid, glycerin ngay lúc da còn ẩm.

Ceramide là thành phần tự nhiên trong lớp sừng, lớp ngoài cùng của da, đóng vai trò chính trong việc duy trì làn da khỏe và bảo vệ làn da chống lão hóa, bảo vệ các thành phần dưới da.

Một số kem dưỡng có chứa thành phần lipid tương tự với cấu trúc lipid trên da, có tác dụng tăng cường liên kết giữa các tế bào biểu bì, chống khô da... Bảo vệ các vị trí da dễ bị khô ngứa như bàn tay, cánh tay, cổ...

Hãy bôi kem dưỡng ẩm ngay khi bạn cảm thấy khô da, ngứa ngáy, da bong tróc.

- Không tắm, rửa mặt bằng nước quá nóng. Bởi nhiệt độ cao của nước sẽ làm phá hỏng kết cấu của da, từ đó làm da nhanh khô và có thể nổi mẩn ngứa, ửng đỏ, khiến da bạn khô hơn.

- Cần mặc quần áo ấm, có chất vải mềm mại, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, tránh chà xát, kỳ gãi mạnh vào da,...

Nếu những phương pháp trên không mang lại hiệu quả giảm tình trạng khô da của bạn, hãy đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị sớm.

BS. Vũ Khanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-gi-khi-da-bi-kho-ngua-nut-ne-169240313194813727.htm