Làm gì để triệt xóa nạn khai thác hải sản kiểu 'tận diệt'?

Mặc dù Nhà nước đã ra nhiều văn bản quy phạm pháp luật nghiêm cấm sử dụng các phương tiện đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, nhưng việc sử dụng các công cụ này tại nhiều địa phương vẫn trong tình trạng báo động khiến cho nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển, sông hồ bị phá hoại nặng nề. Làm gì để ngăn chặn vấn nạn này vẫn là 'câu hỏi khó' đối với ngành chức năng.

Lưới lồng mắt dày có thể tận diệt cả các loại thủy sản còn non. Ảnh: Phan Mạnh

Trăm kiểu vi phạm

Theo báo cáo của ngành Thủy sản, nghề lưới giã cào công suất lớn - hình thức đánh bắt hải sản bằng cách giăng lưới mành có lỗ rất nhỏ dàn hàng ngang, gom tất cả các loài thủy hải sản, cho đến nay đã có mặt hầu hết ở các tỉnh ven biển miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế là thời gian chuyến biển ngắn hơn, tàu di chuyển gần nên tiêu hao nhiên liệu ít, chi phí đánh bắt thấp, trong khi sản lượng luôn đạt cao hơn các hình thức khai thác khác, thời gian qua, ngư dân các tỉnh miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã phát triển hàng nghìn phương tiện chuyên làm nghề này, nhiều nhất là ở Kiên Giang, Cà Mau, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa…

Trao đổi với báo chí về thực trạng, hệ lụy của nghề lưới giã cào công suất lớn tại vùng biển địa phương, một lãnh đạo của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, tính từ tháng 3-2017 trở lại đây, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra, xử lý hơn 100 tàu giã cào các loại vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đánh bắt hải sản. Thực tế cho thấy, hậu quả nhãn tiền do các tàu giã cào gây ra trước hết là sự hủy diệt sinh vật dưới biển. Với cách đánh bắt này, cá, tôm còn non cũng không thoát được, các rạn san hô ngầm bị tàn phá. Đó là chưa kể đến những hệ lụy về mặt an ninh trật tự trên biển, bởi tính chất đặc thù của nghề giã cào là phương tiện đánh bắt di chuyển với tốc độ rất lớn nên thường đâm va hay “quét” phải các loại ngư lưới cụ của các tàu thuyền khác đang hoạt động trên cùng ngư trường.

Phức tạp không kém vùng biển Khánh Hòa, tại các ngư trường thuộc tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là tại ngư trường thuộc huyện Bình Sơn cũng rất “nóng” về tình trạng khai thác hải sản bằng giã cào. Sự hoành hành của các tàu giã cào công suất lớn làm cho đời sống ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ ở địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì môi trường biển bị hủy diệt.

“Những kẻ đánh bắt bằng giã cào thường ngụy trang bằng nhiều hình thức như xóa số đăng ký của tàu thuyền, trang bị trên thuyền những phương tiện đánh bắt khác để che mắt lực lượng kiểm tra. Ngư dân chúng tôi thường gọi các tàu giã cào là “hung thần trên biển”, bởi họ không chỉ quét sạch nguồn lợi thủy sản mà quét luôn cả lưới của các phương tiện cùng hành nghề trên ngư trường…” - Anh Phạm Văn Thắng, một ngư dân ở xã biển Bình Châu cho hay.

Không chỉ có tình trạng tàu giã cào đánh bắt tràn lan, gây ra hệ lụy xấu về môi trường, môi sinh, việc đánh bắt bằng các hình thức mang tính hủy diệt cao như xung điện, lồng bát quái, lưới lồng mắt dày, cào sắt, te xiệp, vó, chụp kết hợp với ánh sáng, thậm chí sử dụng cả hóa chất hay công cụ kích điện có xuất xứ từ Trung Quốc (có thể phóng ra luồng điện cao áp lên tới 1.500 đến 2.000V, khiến không còn loài sinh vật nào sống sót) cũng lan tràn ở nhiều địa phương ven biển. Đây là những phương thức đánh bắt hết sức nguy hại, có sức tàn phá nguồn lợi không thua kém gì sử dụng thuốc nổ.

Đơn cử, tại Bình Định, báo cáo của cơ quan chức năng địa phương cho biết, tại các xã ven biển của tỉnh hiện có hơn 1.200 hộ gia đình ngư dân đang sử dụng trên 85 nghìn chiếc lưới lồng mắt dày để khai thác thủ sản khiến trên 40% lượng thủy sản còn non bị đánh bắt theo kiểu hủy diệt. Tại Quảng Ninh, trong thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 526 vụ khai thác thủy sản trái quy định, gây tác động xấu đến hệ sinh thái và môi trường thực vật thủy sinh, phạt hành chính hơn 1,3 tỷ đồng...

Cần tăng chế tài xử phạt

Theo các nhà Hải dương học, việc đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt là “hung thủ” chính trực tiếp hủy diệt tài nguyên sinh thái biển, ngay cả các vi sinh đang sinh sản cũng rất khó tồn tại. Đó là chưa kể nhiều khi chính những người sử dụng chất nổ, xung điện đã trở thành nạn nhân trực tiếp của những việc khai thác trái phép. Trên thực tế, ở các địa phương ven biển nước ta đã có hàng trăm người chết và bị thương do sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản.

Rõ ràng, việc tận diệt nguồn lợi thủy sản bằng các phương tiện “sát thủ biển” đang là nguy cơ “nóng” trên khắp các vùng biển của cả nước, thế nhưng, việc ngăn chặn các hoạt động này đang gặp không ít trở ngại. Đơn cử, đối với hình thức đánh bắt hải sản bằng kích điện - thủ phạm tàn phá môi trường sinh thái biển và hủy diệt vô số nguồn lợi thủy sản, việc ngăn chặn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, các đối tượng lập tức vứt dụng cụ kích điện xuống biển để phi tang. Đó là chưa kể có những trường hợp, khi lực lượng đến kiểm tra nhưng chủ phương tiện không chấp hành xử phạt mà cố tình chống đối.

Điển hình là vụ việc xảy ra vào thời gian cuối tháng 5-2017, trong lúc lực lượng chức năng địa phương tiến hành xử lý một chiếc ghe đang sử dụng phương tiện xung điện để đánh bắt cá trên đầm Trà Ổ (thuộc huyện Phù Mỹ) thì bị một nhóm gồm 14 đối tượng đến bao vây, tấn công làm 2 cán bộ bị thương…

Tang vật là công cụ kích điện có xuất xứ từ Trung Quốc do lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ. Ảnh: Phan Mạnh

Đứng trước sự lộng hành của các đối tượng có hành vi tận diệt nguồn lợi thủy sản, vừa qua, nhiều địa phương đã “mạnh tay” trong việc xử lý, chẳng hạn, như tỉnh Quảng Ninh khẳng định sẽ kiên quyết xử lý tình trạng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan Công an sẽ vào cuộc một cách rốt ráo. Trên thực tế, động thái này đã được đại đa số ngư dân đồng tình, ủng hộ, nhưng để có giải pháp ngăn chặn triệt để nghề khai thác hải sản bằng các hình thức tận diệt là rất khó khăn, vì đa số những người hành nghề đều thuộc diện nghèo.

Ngoài ra, không kể những trường hợp đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, phải bị xử lý hình sự, nhưng vụ việc còn lại, bắt phạt hay tịch thu ngư cụ thì dễ nếu phát hiện được, nhưng rồi cuộc sống của người vi phạm sẽ ra sao? Ngay cả trường hợp kiên quyết bắt, xử phạt cũng chẳng “ăn thua” vì với mức xử phạt còn thấp như hiện nay, người dân sẵn sàng nộp phạt rồi tiếp tục đánh bắt.

Trước tình hình phức tạp nêu trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ ngư dân nghèo vốn liếng, tạo công ăn việc làm để giúp họ từ bỏ những phương tiện đánh bắt trái phép, việc quản lý chặt chẽ các nguồn cung cấp thuốc nổ, phương tiện xung điện, giã cào cùng các phương tiện đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt khác và xử lý nghiêm minh những kẻ buôn bán trái phép phải được xem là biện pháp quyết định để chấm dứt việc đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt. Ngoài ra, tăng mức xử phạt cũng là điều đáng quan tâm, vì theo những người làm công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mức quy định xử phạt hiện nay là quá nhẹ, không đủ để răn đe những kẻ vi phạm.

Phan Mạnh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lam-gi-de-triet-xoa-nan-khai-thac-hai-san-kieu-tan-diet/