Làm gì để phòng bệnh nấm phổi?

Nấm phổi được coi là sát thủ thầm lặng. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 50-70%, bệnh khó phát hiện đối với cả người bệnh và nhân viên y tế. Đặc biệt nguy hiểm có tới 90% người mắc nấm phổi chưa được phát hiện.

Tại Hội thảo khoa học "Những thách thức trong chẩn đoán và điều trị nấm phổi" do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức vừa qua nhiều kiến thức về chẩn đoán và điều trị nấm phổi đã được tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước.

Nấm phổi được coi là "kẻ giết người giấu mặt".

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu người tử vong do các bệnh nấm và gây ra bệnh lâu dài cho hàng trăm triệu người. Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh nấm mạn tính đứng thứ 5 trên thế giới với khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn mỗi năm, nấm phổi mãn tính do Aspergillus có khoảng 55.000 trường hợp.

Tỷ lệ tử vong do mắc nấm phổi xâm lấn rất cao dao động 30-80%, đặc biệt nếu không được điều trị 100% bệnh nhân sẽ tử vong. Nấm phổi mạn tính do Aspergillus nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sau 5 năm tỷ lệ tử vong xấp xỉ 50%.

Khoảng 50% người đã từng mắc bệnh lao đến khám lại tại các cơ sở chuyên khoa hô hấp đều mắc nấm phổi do Aspergillus. Đáng báo động hơn, 90% người nhiễm nấm phổi còn sót ngoài cộng đồng, nếu không được tầm soát và phát hiện sớm để điều trị kịp thời, nguy cơ bệnh nặng và tử vong rất cao.

Các bệnh do nấm là một mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, tuy nhiên hiện nay căn bệnh này chưa có sự quan tâm đúng mức trong việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị. Người mắc bệnh nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, mỗi năm sẽ có khả năng ngăn ngừa 1,3 triệu ca tử vong do các bệnh về nhiễm nấm, đặc biệt là nấm phổi.

TS.Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, nấm mốc tồn tại phổ biến ở ngoài môi trường, nhưng thường gây bệnh ở người có hệ miễn dịch suy giảm, hoặc có bệnh lý nền là bệnh phổi.

Bệnh nấm phổi hay gặp nhất là do nấm Aspergillus. Đây là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi một loại nấm mốc rất phổ biến và có mặt ở trong nhà và ngoài môi trường.

Mặc dù mọi người thường hít phải loại nấm này từ không khí, nhưng loại nấm này chỉ ảnh hưởng đến những người người có hệ miễn dịch suy giảm nặng như bệnh nhân ung thư máu, ung thư các cơ quan khác, sau cấy ghép tạng hoặc điều trị các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày.

Loại nấm này có thể gây bệnh ở những người đã/đang có bệnh tại phổi, chẳng hạn như những bệnh nhân đã từng mắc lao phổi, hen suyễn hay xơ nang phổi.

Theo TS.BS Đinh Văn Lượng, nấm phổi là căn bệnh khó phát hiện ngay cả với nhân viên y tế. Trên thế giới, tử vong liên quan đến các bệnh về nấm khoảng 3,8 triệu người mỗi năm, cao hơn tử vong do lao (1,3 triệu ca), gấp 5 lần tử vong do sốt rét. Riêng tại Việt Nam, nấm Aspergillus xâm lấn là 23.470 ca, nấm Aspergillus mãn tính 115.000 ca.

Nhiễm nấm Aspergillus có tỷ lệ tử vong cao và là thách thức đối với nhiều y bác sĩ trong việc chẩn đoán đúng và phát hiện sớm, nhưng TS.BS Đinh Văn Lượng cho rằng, một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc nấm Aspergillus mà nhân viên y tế có thể nghĩ tới là người bệnh COPD nhập viện nhưng không đáp ứng với điều trị kháng sinh, bệnh nhân có chẩn đoán lao phổi có hang, hay đã điều trị nhiễm khuẩn phổi tái đi tái lại, hay người mắc hen….

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện chi phí điều trị một ca nấm phổi rất lớn, có ca nặng phải gánh chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Vì thế, bảo hiểm y tế đóng vai trò quan trọng để người bệnh nấm phổi được điều trị, tránh bỏ sót ngoài cộng đồng.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương đã trình Bộ Y tế hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm Aspergillus mãn tính. Nếu được phê duyệt, sẽ giúp cho các bác sĩ trong lĩnh vực truyền nhiễm và bệnh hô hấp trong việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh khó phát hiện này.

TS.Nguyễn Bích Ngọc cũng cảnh báo, với những bệnh nhân COPD, bệnh nhân nằm hồi sức tích cực điều trị lâu ngày mà không có chuyển biến, người bệnh ung thư đang truyền hóa chất, hoặc đã từng mắc lao, từng phẫu thuật phổi... mà bị ho ra máu nhưng không có vi khuẩn lao trong đờm, nhân viên y tế cần nghĩ đến khả năng bệnh nhân có thể nhiễm nấm Aspergillus. "Thuốc điều trị nấm rất đắt. Bệnh nhân phải điều trị dài ngày nên chi phí rất cao", TS.Nguyễn Bích Ngọc cho hay.

Để bảo vệ sức khỏe của những người có hệ miễn dịch suy giảm, người có nguy cơ cao nhiễm nấm Aspergillus như nói ở trên, TS.Nguyễn Bích Ngọc khuyên, người bệnh không nên đến những nơi tập trung đông người, nếu bắt buộc phải đi tới những địa điểm có nguy cơ với sức khỏe, người bệnh cần đeo khẩu trang để phòng nhiễm nấm Aspergillus.

Hiện nay, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia đang triển khai xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị nấm Aspergillus phổi mạn tính nhằm áp dụng tối ưu các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, hỗ trợ công tác chẩn đoán và điều trị bằng một mạng lưới chuyên khoa từ trung ương đến tuyến cơ sở để phát hiện sớm và chăm sóc hiệu quả lâu dài cho người dân.

Để phòng bệnh nấm phổi, người dân cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn nhiều hoa quả tươi, nâng cao sức đề kháng. Tránh để nấm mốc trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, đủ ánh nắng, thông gió tránh ẩm ướt. Khi vệ sinh nhà cửa cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lam-gi-de-phong-benh-nam-phoi-d208468.html