Làm gì để kích thích dòng tiền “thôi ngủ yên”?

Những cơn mưa nặng hạt tới tấp cuối tháng 10 đã chính thức khép lại một mùa mưa biến động vốn để lộ ra hàng loạt vấn đề đau đầu của đô thị gồm hệ thống thoát nước quá tải, hạ tầng giao thông xuống cấp không phanh....

Nhưng mùa mưa ngọt ngào cũng chứng kiến một giai đoạn êm đềm của nền kinh tế trong nước khi không xảy ra bất kỳ biến động lớn bất lợi nào, trừ giá vàng chao đảo và tỷ giá ngoại tệ thay đổi theo nhiều biên độ. Khi đang dứt mùa mưa, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính đã tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước và có thể đạt đến con số mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự báo là 6,3-6,5% vào cuối năm, hơi thấp hơn so với mức 6,7% mà nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua vào đúng thời điểm này năm trước. Tuy nhiên, điều đáng mừng là CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng chậm, và chừng mực, nên khả năng lạm phát sẽ được kiểm soát dưới 5% khiến người dân có nhiều cơ sở lạc quan hơn về những điều tốt đẹp bên cạnh những thành quả mà họ xứng đáng được thụ hưởng.

Nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh của vấn đề vì trên thực tế, người mua hàng còn phải đối diện với các sự kiện định kỳ trọng đại sắp tới, vốn có thể tác động đến hầu bao có vẻ chưa được căng phồng lắm của mình. Đó là Lễ Giáng sinh kèm năm mới dương lịch và chỉ đúng 1 tháng sau là 10 ngày vật vã cho Tết Nguyên đán “sắm nhiều chỉ để ngắm”. Lúc này, rất nhiều doanh nghiệp cũng cần bung một lượng lớn tiền mặt vào sản xuất và kinh doanh để đáp ứng nhu cầu đột biến tăng của toàn thể xã hội dưới đa dạng hàng vạn nhu cầu. Như trong một bài viết gần đây trên Báo Người Tiêu Dùng, tác giả đã đề cập đến nền kinh tế tiêu dùng mà chúng ta được hiểu đơn giản là kích thích mua sắm cũng là cách thức hữu hiệu tạo ra tăng trưởng GDP; và về ảnh hưởng xã hội, mua sắm nhiều cũng đương nhiên dẫn đến hai hệ quả tốt đẹp là giúp gia tăng năng suất lao động, qua đó gia tăng giá trị thặng dư; và là cách thức khéo léo nhất để người dân bớt “để dành” (tiền mặt, ngoại tệ, vàng vật chất..) mà đem chúng vào lưu thông, tạo ra thêm của cải và cả việc làm. Vậy một lượng tiền mặt to lớn đang ở đâu mà không chịu xuất đầu lộ diện, tham gia vào việc đổi thay diện mạo của bức tranh kinh tế đang không mấy sáng sủa bây giờ?

Theo nhiều nguồn thông tin, hiện nay tỷ lệ găm giữ ngoại tệ trong dân chúng, chủ yếu là USD, là vào khoảng 20-24 tỷ USD, còn lượng đồng bản tệ thì không thể thống kê chính xác và tất nhiên là với con số cực lớn. Nếu căn cứ theo cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thì thực trạng này sẽ đưa chúng ta đến chỗ nguy ngập để thấy rằng thúc đẩy tiêu dùng nên được chọn lựa như một giải pháp cấp bách trước mắt: “Thời gian gần đây, qua đấu tranh chống diễn biến tội phạm liên quan đến kinh tế - xã hội, cơ quan công an nhận thấy tình trạng tiền mặt tồn đọng trong dân rất lớn. Chỉ tính riêng đợt Euro 2016 đang diễn ra, lực lượng công an đã liên tiếp phát hiện và triệt phá nhiều đường dây cá độ bóng đá “khủng” tại một số tỉnh phía Bắc với quy mô lên tới hàng ngàn tỷ đồng”; “Một công ty đa cấp với lời chào lãi suất lớn một tí đã huy động được rất nhiều người dân tham gia. Người nghèo, người vùng sâu vùng xa cũng tham gia. Tây Nguyên vừa qua cũng có tình trạng đó rồi”. Chúng ta đã chứng kiến hàng loạt công ty đa cấp vừa qua bị phanh phui đã từng dễ dàng quơ được vài ngàn tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Về góc độ an ninh kinh tế thì tình trạng dư thừa tiền mặt quá nhiều sẽ dẫn đến việc nó mau chóng rơi vào tay các băng nhóm, tổ chức tội phạm thông qua các đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá và lừa đảo, làm xuất hiện nhiều loại hình tội phạm kinh tế mới tinh vi và nguy hiểm. Tình trạng này cũng rất có thể dẫn đến “bong bóng” tài sản và lạm phát, khiến nền kinh tế có nguy cơ lâm vào cuộc đại khủng hoảng mới. Tiền nhàn rỗi không đưa vào sản xuất kinh doanh sẽ dung dưỡng cho nền kinh tế ngầm, buôn gian bán lận, trốn thuế, tín dụng đen, khiến tham nhũng và tiêu cực phát sinh khó kiểm soát.

Vào mỗi lúc thay mùa, trạng thái tâm lý con người cũng ít nhiều có thay đổi, dẫn đến việc người ta ra các quyết định khác với ý chí vào khoảng thời gian trước đó. Sao chúng ta không tận dụng cơ hội này để hô hào một trào lưu dịch chuyển đồng tiền quý giá của mình vào các hoạt động mua sắm thương mại sôi nổi hay các hoạt động đầu tư nhỏ hứa hẹn sinh sôi lợi nhuận?

Bệ phóng quan trọng của GDP

Trong 30 năm đổi mới gặt hái được vô số các kỳ tích, Việt Nam đã phát triển kinh tế dựa trên ba nền tảng then chốt: Đầu tư cơ sở hạ tầng, xuất nhập khẩu và tiêu dùng. Tiêu dùng từng giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng kinh tế, đã chiếm đến 84,3% GDP năm 1990 và đạt 65,1% GDP năm 2015 (Số liệu Ngân hàng Thế giới cung cấp). Đây là con số vượt xa Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và chỉ thua Mỹ. Gần đây, khi tăng trưởng ở khu vực tiêu dùng 9 tháng đầu năm sụt giảm (4,9% so với mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm ngoái), đà tăng GDP của Việt Nam cũng giảm theo (tăng 5,9% so với 6,5%). Như thế, mặc dù vai trò của tiêu dùng dần dần bớt ảnh hưởng theo thời gian do tác động của sự gia tăng đầu tư và xuất nhập khẩu nhưng trên tổng thể, tỷ trọng của tiêu dùng hộ gia đình Việt Nam đóng góp vào GDP luôn cao hoặc rất cao.

Trong bối cảnh đời sống xã hội có nhiều cải thiện ấn tượng và sản sinh ra ngày càng nhiều người ở vào tầng lớp trung lưu, giàu có (có thể đạt tới 33 triệu người vào năm 2020, hứa hẹn kích thích tiêu dùng bùng nổ) mà các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng đây chính là nền tảng để phát triển kinh tế tiêu dùng và qua đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Trên thực tế, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu, nhưng về lâu dài vẫn chưa thể phát huy hết nội lực trong khi chúng ta vẫn chưa có nguồn vốn lớn và kỹ năng tốt để đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng cơ sở và công nghiệp quy mô lớn. Vì vậy, để thay đổi diện mạo hơn nữa, Việt Nam cần lựa chọn kinh tế tiêu dùng như một bàn đạp cho sự tăng trưởng GDP. Bởi với mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt khoảng 6%, thì có đến gần 5% trong đó được đóng góp từ kinh tế tiêu dùng. Khả năng GDP năm nay chỉ có thể đạt 5,9% (mục tiêu kỳ vọng là 6,7%) có một phần lớn bắt nguồn từ sự sụt giảm của kinh tế tiêu dùng, cho dù kinh tế đầu tư không hề giảm. Chúng ta lưu ý rằng tiêu dùng của Việt Nam không chỉ đến từ sản xuất trong nước, mà còn đến từ đầu tư tiêu dùng của nước ngoài.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng trong ngắn hạn là giá cả hàng hóa giảm và động lực dài hạn chính là xu hướng tiêu dùng và nhu cầu tín dụng tiêu dùng trong nước gia tăng. Tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng rất hứa hẹn do chúng ta có quy mô dân số lớn, độ tuổi lao động cao và thu nhập của người dân đang tăng trưởng nhanh. Rõ ràng, ngân hàng bán lẻ cũng như ngành tài chính tiêu dùng đều là những phân khúc hoạt động rất hiệu quả khi kinh tế tiêu dùng tăng trưởng theo thời gian. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Chính sách công (Đại học Fulbright Việt Nam), thì tăng trưởng tiêu dùng chỉ bền vững khi được hỗ trợ bằng năng suất lao động, chất lượng thể chế, quản trị nhà nước và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì thế, chất lượng của hàng hóa tiêu dùng, cũng như chất lượng của môi trường sống... là những yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế tiêu dùng.

Theo nhiều chuyên gia, dù là một quốc gia nông nghiệp có nông sản xuất khẩu ra khắp thế giới nhưng có điều tréo ngoe là ngoài máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, Việt Nam lại đang nhập khẩu nhiệt tình những thứ “nhà làm tốt” như gạo, thịt, cá, rau trái... từ Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc và Thái Lan. Điều này cho thấy thực trạng hàng hóa Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và sản phẩm “Made in Vietnam” vẫn yếu sức cạnh tranh trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Vấn đề có tính căn cơ là để tăng trưởng tiêu dùng bền vững thì chỉ còn cách duy nhất là phải gia tăng năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng thể chế và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, nhìn vào một số bảng xếp hạng, năng suất lao động Việt Nam thuộc hàng kém nhất thế giới vốn trực tiếp làm chậm lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế qua tiêu dùng. Cái khó là muốn cải thiện năng suất trì trệ đó, đòi hỏi rất nhiều thời gian và đồng bộ hóa nhiều chiến lược phát triển.

Dù quan trọng đến vậy nhưng nền kinh tế tiêu dùng không chỉ trông đợi vào năng suất lao động tốt bởi vì yếu tố đặc biệt quan trọng hơn lại là khả năng nắm bắt những chuyển biến tâm lý tiêu dùng mới và khả năng kích thích người tiêu dùng cuối cùng, biến người tiêu dùng thành trung tâm. Đặc thù của ngành hàng tiêu dùng là số lượng nhãn hàng tham gia thị trường ngày càng đông đảo khiến cạnh tranh càng trở nên khốc liệt hơn, do đó trong kinh tế tiêu dùng, mọi việc không chỉ đơn giản là bán một sản phẩm mà còn là một quy trình khoa học từ khi phát hiện nhu cầu, cải tiến sản phẩm, dịch vụ, thỏa mãn mong ước thầm kín sâu xa của khách hàng thì doanh nghiệp may ra mới có thể tiếp cận thành công khách hàng, trước khi nghĩ đến các hoạt động khác như truyền thông và phân phối.

Rõ ràng, để thực sự đặt được kinh tế tiêu dùng vào bệ phóng hàng đầu cho GDP thì chúng ta vẫn còn biết bao việc phải làm. Mừng là những việc này không quá khó. Chỉ là chúng ta có quyết liệt hay không mà thôi.

Bích Phượng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/lam-gi-de-kich-thich-dong-tien-thoi-ngu-yen-d49241.html