Làm gì để doanh nghiệp Việt tạo được chuỗi cung ứng vừa có giá thành cạnh tranh và vừa xanh?

Xu hướng của các nhà bán lẻ, nhà thu mua quốc tế khi tìm đến Việt Nam trong năm 2024 này là tìm tới những chuỗi cung ứng vừa có giá thành cạnh tranh và vừa thân thiện với môi trường, đạt chuẩn xanh. Điều này đang tiếp tục đòi hỏi các doanh nghiệp Việt và những nhà hoạch định chính sách cần tạo thêm động lực thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới.

Bàn về việc đón đơn hàng trở lại trong năm nay, ông Đặng Vũ Hùng, thành viên HĐQT của một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành dệt may, cho rằng thị trường đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thực hiện hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada, Australia, EU…đã tìm đến Việt Nam. Họ tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh ở thị trường FTA Việt Nam - EU (EVFTA), thị trường Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

“Bắt nhịp” theo n thu mua quốc tế

Theo ông Hùng, với 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn. Khi các hiệp định vào cuộc thì vai trò chuỗi cung ứng rất quan trọng. Khách hàng sẽ tìm tới những nhà cung ứng khả năng cung cấp trọn gói sản phẩm dệt may và có mức giá phù hợp.

Nhà thu mua quốc tế đang cần DN Việt cung cấp sản phẩm cho họ với giá thành cạnh tranh.

“Cho nên, điều quan trọng là DN cần có tầm nhìn dài hạn để đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng với giá thành cạnh tranh, xây dựng giải pháp phát triển chuỗi một cách phù hợp”, ông Hùng chia sẻ.

Cần nhắc thêm, trong các cuộc tiếp xúc gần đây với các DN sản xuất của Việt Nam thì nhiều nhà bán lẻ, nhà thu mua quốc tế cũng nhấn mạnh đến một trong những yếu tố để họ đặt đơn hàng là giá cả phải phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Để “bắt nhịp” với nhà thu mua quốc tế đối với vấn đề về giá thành cạnh tranh, bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt (VIETS.Co), đã từng chia sẻ với VnBusiness rằng, công ty đã phải có những hỗ trợ dành cho nhà mua hàng về mặt giá cả để họ điều chỉnh giá bán cuối cùng tại thị trường.

Và để làm được điều đó mà không gây bất lợi về mặt lợi nhuận, theo bà Quang, công ty đã tìm mọi cách điều tiết giá thành sản xuất một cách tốt nhất để có thể giữ được giá tốt nhất cho nhà mua hàng, có những đề xuất mang tính hiệu quả dành nhà mua hàng trong những thời giá cước vận chuyển tăng, tự chủ được 100% nguồn nguyên liệu từ trong nước để khi có tình hình biến động trên thế giới vẫn không ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sản xuất.

Thực tế cho thấy để có được chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà thu mua quốc tế không phải là điều dễ dàng với các DN Việt. Như trong năm 2024 này với nhiều biến động đã và đang diễn ra, những dự báo cho thấy chuỗi cung ứng của các DN sẽ còn gặp nhiều thách thức về mặt chi phí như tăng các loại giá cước vận chuyển, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công…

Ngoài yêu cầu về chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh như kể trên, cần nhắc thêm đến khuyến nghị mới đây trong Sách Trắng 2024 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đó là khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu, các công ty của Việt Nam cũng nên ưu tiên dịch vụ hậu cần xanh một cách chuyên nghiệp.

Động lực để thay đổi

Tuy nhiên, như băn khoăn của EuroCham, Việt Nam phải đối mặt với những rào cản để phù hợp với trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của EU, bao gồm việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Ngoài ra, áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi việc đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp trong nước cũng có thể là một thách thức.

Chính vì vậy, phía EuroCham nhấn mạnh “cải thiện hậu cần, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, cộng với việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững, đặt ra những trở ngại đáng kể mà nếu vượt qua được, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong phát triển chuỗi cung ứng xanh của châu Âu”.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Phan Minh Hòa (Đại học RMIT) các DN xuất khẩu (XK) cần nâng cao nhận thức về những yêu cầu và tác động của cơ chế đánh thuế carbon đối với lĩnh vực hoạt động của mình, đồng thời cân nhắc những chi phí để tuân thủ.

Bà Hòa cho rằng với Việt Nam, tác động trước mắt sẽ là đối với những mặt hàng XK sang EU. Hiện tại, đối tượng điều chỉnh ban đầu của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở EU là sáu mặt hàng gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, trong đó bốn mặt hàng đầu Việt Nam có khả năng XK. Những DN chưa thuộc diện điều chỉnh của CBAM nhưng có nguy cơ cao vẫn cần theo dõi cập nhật chính sách này của EU cũng như của các quốc gia khác.

Do đó, vị chuyên gia này khuyến nghị các DN Việt cần lên kế hoạch ứng phó sớm, rà soát chuỗi cung ứng sản phẩm, chuyển đổi sản xuất xanh (như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió mà Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng). DN cũng cần kiểm soát chặt chẽ và xây dựng báo cáo phát thải, chuẩn bị đầy đủ dữ liệu, chia sẻ thông tin với Chính phủ để phát triển hệ thống dữ liệu phát thải quốc gia của Việt Nam, sẵn sàng cho các yêu cầu về báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

“Các DN của Việt Nam cũng nên hợp tác với các nhà nhập khẩu, nhà cung ứng và Chính phủ. Việc chuyển đổi sản xuất không phải là câu chuyện của từng DN riêng lẻ. Khi có mạng lưới DN cùng nỗ lực gắn kết với nhau thì sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh và cơ hội mới”, bà Hòa nói.

Nói chung, trước yêu cầu mới về chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh và đạt chuẩn xanh đang đòi hỏi các DN Việt và các nhà hoạch định chính sách cần tạo thêm động lực đổi mới. Đặc biệt là Chính phủ cần có ưu đãi cho đầu tư mới của DN vào việc phát triển chuỗi cung ứng vừa tiết giảm được chi phí và vừa có các công nghệ mới thân thiện, tiết kiệm nhiên liệu. Có như vậy thì việc tìm đến Việt Nam của các nhà thu mua quốc tế sẽ là lẽ đương nhiên.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-doanh-nghiep-viet-tao-duoc-chuoi-cung-ung-vua-co-gia-thanh-canh-tranh-va-vua-xanh-1098183.html