Làm đường giao thông nông thôn: Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

Trong quý I/2023, việc triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn tới kết quả làm đường GTNT rất thấp. Chính vì vậy để đảm bảo tiến độ, từ đầu quý II/2023 đến nay, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục khó khăn.

Thực hiện cứng hóa đường giao thông nông thôn trục xã tại xã Hoa Thám huyện Bình Gia

Thực hiện cứng hóa đường giao thông nông thôn trục xã tại xã Hoa Thám huyện Bình Gia

Nếu như mọi năm, những tháng đầu năm luôn là thời điểm sôi động làm đường GTNT thì quý I/2023, việc triển khai làm đường lại gặp khó khăn lớn đó là các đơn vị không đấu thầu được xi măng, từ đó dẫn tới không có nguồn xi măng hỗ trợ cho các xã làm đường. Kết quả quý I/2023, trên địa bàn tỉnh mới bê tông hóa được 48,7 km đường GTNT, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2022. Trước khó khăn đó, bước sang quý II/2023, bên cạnh khắc phục tình trạng thiếu xi măng, các cấp, ngành liên quan khẩn trương bắt tay vào triển khai các biện pháp để khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ làm đường. Huyện Văn Quan là một ví dụ.

Theo số liệu thống kê, quý I/2023, toàn huyện Văn Quan mới cứng hóa được 3,38 km đường GTNT, một kết quả rất thấp so với mọi năm. Ông Trần Thế Tỉnh, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cho biết: Kết quả làm đường GTNT những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện đạt thấp là do thiếu nguồn xi măng phân bổ cho các xã. Để khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ làm đường, trong thời gian chờ xi măng phân bổ của Nhà nước, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng, vật liệu đối ứng, phương án thi công cụ thể (theo đó, người dân đóng góp 55,9 nghìn công lao động, 3.478 m2 đất để làm đường). Từ đó khi bước sang quý II/2023, khi có nguồn xi măng phân bổ, các xã nhanh chóng bắt tay vào việc làm đường. Cụ thể, quý II/2023, trên địa bàn huyện đã thực hiện được 71,3 km đường GTNT, tăng 48 km so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó đường trục thôn, ngõ xóm được cứng hóa là 20,1 km, còn lại là đường nội đồng.

Tương tự như tại Văn Quan, bước sang quý II/2023, huyện Bình Gia cũng nhanh chóng bắt tay vào khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ làm đường GTNT. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ làm đường GTNT, bên cạnh chủ động cung ứng xi măng, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động trong công tác chuẩn bị mặt bằng và các điều kiện cần thiết khác để khi có nguồn xi măng sẽ khẩn trương bắt tay vào thực hiện. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, cũng như đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đường giao thông, đặc biệt tại xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2023, 2024. Từ đó góp phần việc đẩy nhanh tiến độ các công trình GTNT trên địa bàn huyện. Kết quả quý II/2023, toàn huyện đã cứng hóa được 24,9 km đường GTNT các loại, tăng 17 km so với cùng kỳ năm 2022, tăng 23,4 km so với quý I/2023. Trong đó bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, người dân trên địa bàn đã đóng góp 29.000 ngày công lao động, tổ chức khai thác được 2.400 m3 cát, sỏi và đóng góp 1 tỷ đồng để chung sức làm đường.

Cùng với 2 huyện kể trên, một số huyện khác đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự chung sức của người dân để làm đường; tăng cường đôn đốc, triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án làm đường GTNT; tranh thủ thời tiết thuận lợi ra quân làm đường giao thông; đẩy mạnh phong trào cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang ngày thứ 7, chủ nhật xuống cơ sở hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc chung sức làm đường GTNT…

Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải, tính đến ngày 15/7/2023, toàn tỉnh đã cứng hóa được 211 km đường GTNT tăng 48 km so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 60,2% kế hoạch năm 2023. Trong số 11 huyện, thành phố, ngoài huyện Văn Quan, Bình Gia đã nêu ở trên còn các huyện Tràng Định, Hữu Lũng, Đình Lập, Lộc Bình, Chi Lăng và Bắc Sơn đều có kết quả cứng hóa đường GTNT đạt cao so với cùng kỳ 2022.

Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Nhằm tiếp tục thúc đẩy việc cứng hóa các tuyến đường GTNT theo kế hoạch năm 2023, đến đầu tháng 8/2023, sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra các huyện đối với 3 nội dung: việc sử dụng xi măng để triển khai công tác cứng hóa các tuyến đường GTNT năm 2023; tiến độ thực hiện 33 công trình đề án đường trục xã với chiều dài 53,8 km thuộc kế hoạch năm 2023; tình hình thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn và kế hoạch triển khai các công trình đề án năm 2024. Mục tiêu là tiếp tục đôn đốc các huyện khẩn trương triển khai việc cứng hóa các tuyến đường giao thông hoàn thành đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Mặt khác, sở cũng tranh thủ nắm bắt nhu cầu cứng hóa các tuyến đường trục xã năm 2024 của các huyện để thống nhất danh mục thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch triển khai đạt hiệu quả cao nhất.

Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn hoàn chỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới tại khu vực nông thôn là chủ trương lớn của tỉnh nhằm tạo sự gắn kết liên hoàn thông suốt với mạng lưới giao thông quốc gia. Từ đó, tăng liên kết giữa các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

Huy động thêm nguồn lực thực hiện

Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp huy động thêm các nguồn lực để chung sức làm đường giao thông nông thôn (GTNT).

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng:“Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động huy động sức dân xây dựng đường giao thông”

Để huy động được sự chung tay, góp sức của người dân trong việc làm đường GTNT, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn huyện đã tuyên truyền lồng ghép thông qua hội họp, sinh hoạt được 483 cuộc với trên 24.000 lượt người tham gia, trong đó có nội dung tuyên truyền về chung sức làm đường GTNT; tuyên truyền trên 500 tin, bài trên các phương tiện thông tin, đại chúng… Thông qua tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn huyện tích cực chung sức làm đường. Qua 6 tháng đầu năm, người dân trên địa bàn huyện đã hiến gần 9.000 m2 đất, đóng góp 12.650 công lao động, trên 3,2 tỷ đồng để chung sức làm đường GTNT.

Bà Hoàng Thị Hảo, thôn Rạ Lá, xã Long Đống (huyện Bắc Sơn):“Sẵn sàng hiến đất để làm đường GTNT”

Năm 2023, khi Nhà nước có chủ trương mở rộng đường trục xã (trong đó có đoạn qua phần đất của gia đình). Sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình tôi hiểu mục đích, ý nghĩa của việc làm đường nên tự nguyện hiến 1.700 m2 đất. Từ diện tích đất hiến của gia đình cùng nhiều hộ dân khác trong thôn, con đường nhanh chóng được triển khai thi công, đến nay đã đến công đoạn làm nền. Con đường hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, đi lại của người dân, đồng thời trực tiếp góp phần vào việc hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và kinh doanh tổng hợp-VVMI, huyện Văn Lãng: “Tích cực hỗ trợ vật liệu cùng chung sức làm đường GTNT”

Trong những năm qua, bên cạnh nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công việc, thu nhập cho người lao động trên địa bàn, công ty còn thường xuyên chung tay, góp sức hỗ trợ các xã trên địa bàn huyện Văn Lãng làm đường GTNT cũng như nhiều công trình công cộng khác. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, công ty đã hỗ trợ các xã 160 m3 đá để làm đường. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục cân đối nguồn lực, rà soát nhu cầu thực tế ở các xã để có hỗ trợ vật liệu để làm đường GTNT.

TRANG NINH - TÂN AN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/599511-lam-duong-giao-thong-nong-thon-khac-phuc-kho-khan-day-nhanh-tien-do.html