Lạm dụng tình dục và góc tối ở hậu trường thời trang

Vẻ hào nhoáng của thời trang không thể che đậy sự thật về nạn buôn người, bóc lột sức lao động và quấy rối tình dục.

Esmeralda Seay-Reynolds tròn 15 tuổi khi được Click Model Management ở New York (Mỹ) chiêu mộ. Tuy nhiên, với chiều cao 1,8 m và cân nặng 58 kg, cô bị chê quá béo. Vì vậy, Seay-Reynolds phải tức tốc giảm 9 kg và được ký hợp đồng với NEXT, một công ty còn nổi tiếng hơn.

Sự thăng tiến của Seay-Reynolds diễn ra nhanh chóng khi liên tục càn quét loạt ấn phẩm của Vogue, đóng quảng cáo cho thương hiệu hàng đầu, điển hình là Chanel.

Thế nhưng, Seay-Reynolds tâm sự với Variety rằng con đường cô đi không trải đầy hoa hồng. Năm 16 tuổi, người mẫu Mỹ được khuyên nuốt bông gòn để chặn cơn đói và giữ dáng. Cách giảm cân cực đoan này khiến nhiều cô gái size 0 nôn thốc nôn tháo ở hậu trường - cảnh tượng Seay-Reynolds đã chứng kiến.

Song, điều khiến Seay-Reynolds sốc nhất là cát-xê vỏn vẹn 130 USD cho 6 tuần làm việc mệt mỏi tại các tuần lễ thời trang. Cô bức xúc nói: "Tôi không biết liệu đó có phải chính xác số tiền mình kiếm được hay không, hay là số tiền còn lại sau khi công ty ăn bớt. Họ đâu đưa tôi biên lai".

Esmeralda Seay-Reynolds có những trải nghiệm tồi tệ khi làm người mẫu. Ảnh: Pinterest.

Esmeralda Seay-Reynolds có những trải nghiệm tồi tệ khi làm người mẫu. Ảnh: Pinterest.

Khỏa thân giữa dòng sông băng, nhảy qua khe băng nứt và lao xuống ít nhất 6 m, bị liệt vào danh sách đen nếu lên tiếng phản kháng... là trải nghiệm kinh hoàng của Seay-Reynolds (27 tuổi) thời còn làm mẫu.

Bóc lột tài chính và quấy rối tình dục

Câu chuyện giống Esmeralda Seay-Reynolds không hiếm. Mới đây, Variety thực hiện cuộc phỏng vấn hàng chục người mẫu để hiểu sâu góc khuất bên trong ngành công nghiệp trị giá 2,5 tỷ USD. Các người mẫu tiết lộ bị bóc lột về tài chính và cả tình dục khi làm việc.

Người mẫu nam Kenny Sale kể vào năm 2015, anh bị nhiếp ảnh gia Mario Testino tấn công tình dục. Điều gây phẫn nộ là Testino vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật dù bị ít nhất 18 người cáo buộc hành vi quấy rối.

Kể chuyện này với quản lý của Click Model Management, Sale bị người này cười nhạo và khinh bỉ. "Anh ta bảo tôi nên chiều chuộng nhiếp ảnh gia để có ảnh đẹp hơn trong hồ sơ người mẫu". Luật sư của Click cũng từ chối yêu cầu bồi thường của Sale.

Mặc dù Hollywood nỗ lực ngăn chặn vấn nạn tấn công tình dục sau sự bùng nổ của #MeToo năm 2017, giới thời trang vẫn chậm thay đổi so với ngành phim. Vì thực ra, lĩnh vực phim ảnh vẫn có sự chống lưng của Hiệp hội Diễn viên Mỹ (SAG-AFTRA) và đề cao danh sách các quy định, giao thức an toàn trên phim trường.

Trớ trêu thay, tình trạng người mẫu lấn sân sang diễn xuất lại vô tình tạo cơ hội cho môi trường lạm dụng. Hàng loạt ông lớn như Harvey Weinstein, Bill Cosby và Brett Ratner khiến báo giới tốn biết bao giấy mực khi bị khui bê bối đổi tình lấy vai diễn.

 Harvey Weinstein ngồi tù vì cưỡng hiếp nhiều người mẫu. Ảnh: CNN.

Harvey Weinstein ngồi tù vì cưỡng hiếp nhiều người mẫu. Ảnh: CNN.

Hồi năm 2015, Ambra Gutierrez - một người mẫu Italy không biết nói tiếng Anh - vì muốn trở thành diễn viên nên can đảm đến Weinstein Co. tìm cơ hội. Rất nhanh sau đó, các bài viết có tiêu đề "Người mẫu Ambra Gutierrez vạch trần tội ác tình dục của Weinstein" tràn ngập khắp mặt báo.

Trong cuộc phỏng vấn với Variety, Gutierrez cho biết cô tin mình bị Victoria's Secret đưa vào danh sách đen khi dám lên tiếng chống lại Weinstein. Tương tự, nam người mẫu Kenny Sale cũng bị Click Model Management bỏ rơi vì công khai chuyện bị quấy rối trên tờ New York Times.

Người mẫu bị coi là "món hàng"

Ngoài người mẫu, bài điều tra của Variety ghi nhận chia sẻ của các nhân vật làm thời trang lâu năm. Chris Brenner - cựu quản lý của minh tinh Milla Jovovich thời cô còn đi diễn catwalk - đã chứng kiến vô số câu chuyện đáng lo ngại khi làm việc cho NEXT từ năm 1993 đến 1999.

"Tôi không thích cách công ty tự động gia hạn hợp đồng với người mẫu. Rất nhiều bạn trẻ 18, 19 tuổi ký hợp đồng khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ, vì họ nghĩ mình đang làm đúng. Có vẻ như các công ty muốn kiểm soát người mẫu mãi mãi. Từ điển của tôi không có từ 'vĩnh viễn' cho đến khi đầu quân cho NEXT", Brenner kể.

Anh cũng rất lo lắng về việc những người đàn ông trưởng thành cứ lảng vảng trong cánh gà show thời trang. Hồi tưởng một show cách đây nhiều năm, Brenner nói: "Harvey là người như vậy, cả Donald Trump nữa. Tôi từng gặp Trump trong hậu trường ở Bryant Park và chợt nghĩ: 'Quái lạ, cớ sao ông ấy lại đứng đó khi có một cô bé 13 tuổi đang thay đồ?".

NEXT và nhiều công ty quản lý khác yêu cầu các người mẫu nổi bật dự tiệc đêm với mong muốn "gà cưng" lọt vào mắt xanh của khách hàng tiềm năng. Có như vậy, những khách hàng này mới tìm đến công ty vào hôm sau. Brenner nói, từ trước đến nay, ngành thời trang vẫn hoạt động theo cách đó.

Sara Ziff - Giám đốc điều hành Model Alliance, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì quyền của người mẫu có trụ sở ở thành phố New York - khẳng định bóc lột tài chính dẫn đến bóc lột tình dục, và khi còn làm người mẫu, cô cũng là nạn nhân.

"Chúng tôi chưa bao giờ được đối xử như những người làm thời trang chuyên nghiệp. Môi trường này dễ bị lạm dụng, nó đã mục nát rồi. Thế nên chẳng ngạc nhiên khi các cô gái tuổi teen đang vất vả trả nợ cho công ty quản lý chấp nhận đến gặp các doanh nhân hòng có được 'cơ hội nghề nghiệp'. Sự lạm dụng mà tôi và đồng nghiệp đã trải qua là do các công ty quản lý", Ziff trải lòng.

 Sara Ziff không ngừng đấu tranh để bảo vệ sự an toàn của giới người mẫu. Ảnh: The Times.

Sara Ziff không ngừng đấu tranh để bảo vệ sự an toàn của giới người mẫu. Ảnh: The Times.

Hồi tháng 5, Ziff và nhóm người mẫu tổ chức họp báo ở Albany, New York. Họ mang theo những tấm biển ghi "Jean-Luc Brunel là nhà đầu tư vào NEXT Models" và "Tuần lễ thời trang New York tạo ra thu nhập 600 triệu USD/năm nhưng chúng tôi được trả tiền bằng quần áo".

Với Ziff, vẻ hào nhoáng của thời trang không thể che đậy sự thật về nạn buôn người, bóc lột sức lao động và quấy rối tình dục. Sự thiếu minh bạch, mất cân bằng quyền lực ảnh hưởng đến những người mẫu. "Tôi từng hạn chế dùng từ 'buôn bán', nhưng bây giờ chẳng có từ ngữ nào đúng hơn để diễn tả ngành này", cô nhấn mạnh.

Người mẫu từng được xem là "chiếc móc áo di động" có hồn và biết diễn xuất. Nhưng đối với các nhân vật có tiền và quyền ở Hollywood, họ chỉ coi người mẫu là "món hàng".

Ziff có thể rất bức xúc và dễ dàng chia sẻ một cách rành mạch góc khuất đen tối của ngành thời trang, song cựu người mẫu vẫn cảm thấy lạc quan về tương lai sau nhiều chiến thắng trước đó. (đạo luật Người mẫu trẻ em được thông qua năm 2013 đã cung cấp một số biện pháp bảo vệ người mẫu chưa đủ tuổi vị thành niên). Nhưng có lẽ, thách thức lớn nhất chính là góc nhìn chưa thay đổi của công chúng về người mẫu - những người vẫn bị định kiến "chân dài não ngắn".

Về điều này, người mẫu Seay-Reynolds tâm sự: "Không ai quan tâm đến vấn đề của người mẫu vì chúng nghe giống chuyện cỏn con của những cô gái đẹp. Họ nghĩ Kendall Jenner kiếm 10 triệu USD dễ dàng cho một bức ảnh selfie trên Instagram. Đúng vậy đấy, nhưng chẳng phải ai cũng là Kendall. Phần còn lại của giới người mẫu đang sống trong cuộc chiến sinh tồn giống hệt bộ phim The Hunger Games theo đúng nghĩa đen".

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/lam-dung-tinh-duc-va-goc-toi-o-hau-truong-thoi-trang-post1442270.html