Lâm Đồng phát huy giá trị hệ sinh thái nông nghiệp

Lâm Ðồng được đánh giá là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về điều kiện sinh thái, phù hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp. Xác định rõ lợi thế, thời gian qua, địa phương đã định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại và trở thành tỉnh tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiến hành đồng bộ nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, tạo đột phá trong sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Lâm Ðồng có sự khác biệt rất lớn hệ sinh thái nông nghiệp so với nhiều địa phương trong nước. Tỉnh đã có nhiều chính sách để làm phong phú các thuộc tính của hệ sinh thái nông nghiệp; tiếp tục đầu tư, nghiên cứu đổi mới sáng tạo nhằm phát huy giá trị hệ sinh thái quan trọng này.

Hệ sinh thái nông nghiệp Lâm Đồng

Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Ðồng, hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm bốn thuộc tính chính, gồm sức sản xuất, tính ổn định, tính bền vững và sự công bằng. Trong đó, sức sản xuất là lượng sinh khối tạo ra, giá trị doanh thu trên đơn vị diện tích với thời gian; tính ổn định là mức độ thích ứng mà ở đó, sức sản xuất được duy trì trong điều kiện những tác động do các yếu tố môi trường gây nên; tính bền vững là thuộc tính chi phối đến sức sản xuất của hệ thống trong điều kiện những rối loạn lớn hơn và sự công bằng là sự phân chia thành phẩm cho các cá nhân trong hệ thống.

Phân tích trên cho thấy các thuộc tính của hệ sinh thái nông nghiệp Lâm Ðồng có sự khác biệt so với nhiều địa phương khác. Ðầu tiên, Lâm Ðồng là một trong những địa phương có nhiều tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, không gian trong một tỉnh, nhưng chia thành bốn tiểu vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau. Ðịa hình các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp biến động rất lớn, từ 200m đến 1.600m so với mặt biển. Lâm Ðồng có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhất cả nước, với 12 nông sản; là địa phương tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hơn 20 năm qua, làm cơ sở phát triển nhanh nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; địa phương có nhiều cơ sở nghiên cứu và nhân giống invitro cao nhất cả nước, với khoảng 60 cơ sở, sản lượng gần 75 triệu cây giống, trong đó xuất khẩu gần 50%.

Tiến sĩ Phạm S thông tin, hệ sinh thái nông nghiệp Lâm Ðồng còn có sự khác biệt so với nhiều tỉnh, thành phố trong nước ở các đặc điểm, như đây là địa phương được công nhận doanh nghiệp và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhiều nhất cả nước; địa phương có nhiều nguồn gien dược liệu quý hiếm, có giá trị phòng, chữa bệnh cao, phù hợp xu thế thời đại của người dân toàn cầu; tận dụng tiềm năng đất đai rất cao và hầu như không có đất bỏ hoang tại Lâm Ðồng... “Yếu tố khác biệt rất lớn về sức sản xuất, lượng sinh khối tạo ra, giá trị doanh thu trên đơn vị diện tích với thời gian cao nhất cả nước. Vì vậy, giá đất nông nghiệp trung bình ở Lâm Ðồng cao nhất cả nước và giá đất nông nghiệp trung bình ở Ðà Lạt cao hàng đầu thế giới”, Tiến sĩ Phạm S cho biết.

Thời gian qua, Lâm Ðồng đã có nhiều chính sách để làm phong phú các thuộc tính của hệ sinh thái nông nghiệp, nhất là sức sản xuất. Ðồng thời, tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ, nghiên cứu đổi mới sáng tạo nhằm phát huy đồng bộ các thuộc tính của hệ sinh thái nông nghiệp, thực hiện các giải pháp đột phá để ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Phát triển nông nghiệp hiện đại

Với phương châm “doanh nghiệp làm nòng cốt, ứng dụng khoa học-công nghệ là điều kiện tiên quyết để phát triển; xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu nông sản; nông dân đóng vai trò chủ thể và là nhân tố quyết định”, đã khích lệ và tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp Lâm Ðồng ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển nông nghiệp và đã hình thành nên lớp “nông dân thế hệ mới” năng động, sáng tạo, làm giàu từ nông nghiệp.

Tại Lâm Ðồng, Công ty TNHH Trang trại Langbiang (Langbiang Farm) được xem là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số. Hiện công ty có gần 30 ha sản xuất rau, hoa. Giám đốc Langbiang Farm Nguyễn Quang Khánh khẳng định: “Số hóa hệ thống quản trị toàn diện là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm. Hệ thống tự động hóa chúng tôi đã triển khai lâu rồi, giờ số hóa là xu thế”. Theo ông Khánh, tự động hóa là cơ khí, còn số hóa thì về quản lý, quản trị và khả năng kiểm soát hệ thống cơ khí cũng như hệ thống vận hành. Hiện Langbiang Farm đã hình thành hệ sinh thái số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, qua đó nâng cao các yếu tố hệ sinh thái nông nghiệp.

Thành lập năm 2017, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Ðà Lạt (Sunfood Dalat CO.OP) là đơn vị tốp đầu tại Lâm Ðồng triển khai hiệu quả chuỗi liên kết trong nông nghiệp, với 120 thành viên hợp tác sản xuất trên diện tích 70 ha. HTX cung cấp cây giống, phân bón, quy trình sản xuất công nghệ cao khép kín cho các thành viên và các hộ nông dân liên kết trên địa bàn. Hiện HTX cung ứng thị trường hơn 120 sản phẩm gồm rau đạt chuẩn VietGAP, hàng đặc sản, trái cây và hoa Ðà Lạt tại hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước.“Kết quả sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã khẳng định hướng đi phù hợp, kịp thời của nền nông nghiệp Lâm Ðồng. Doanh nghiệp, HTX và nhà nông có thể làm giàu từ nông nghiệp”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sunfood Dalat CO.OP Phạm Ngọc Thạch cho biết.

Những năm qua, tỉnh Lâm Ðồng luôn có những chính sách để ngành nông nghiệp phát triển toàn diện. Ðến hết năm 2023, toàn tỉnh có 234 chuỗi liên kết, thu hút hơn 31 nghìn hộ nông dân; 135 dự án/kế hoạch hỗ trợ chuỗi liên kết, dự án; giá trị sản xuất thông qua chuỗi đạt hơn 30,8 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 35,4% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh; toàn tỉnh có 239 sản phẩm OCOP, gồm 10 sản phẩm 5 sao, 78 sản phẩm 4 sao, 151 sản phẩm 3 sao. Hiện, diện tích nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh đạt hơn 66,8 nghìn ha, chiếm 20,4% tổng diện tích đất canh tác; hơn 630 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số; 1.579 ha nông nghiệp hữu cơ.

Lâm Ðồng có chín vùng nông nghiệp công nghệ cao và 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận; 36 điểm du lịch canh nông, trong đó có bốn điểm đạt tiêu chí quốc tế. Giá trị sản xuất trồng trọt bình quân đạt 245 triệu đồng/ha/năm, riêng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân hơn 495 triệu đồng/ha (rau đạt hơn 2 tỷ đồng, hoa đạt từ 3 đến 5 tỷ đồng/ha). Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Tỉnh đã thu hút 80 doanh nghiệp FDI và 1.550 doanh nghiệp trong nước đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. “Thành công lớn là các doanh nghiệp, HTX và nông dân Lâm Ðồng đã đầu tư, lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp; xây dựng các quy trình canh tác, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tưới nhỏ giọt, công nghệ sau thu hoạch, thủy canh, khí canh, giải pháp IoT... Kết quả thời gian qua là nền tảng thúc đẩy hệ sinh thái nông nghiệp Lâm Ðồng”, Tiến sĩ Phạm S cho biết.

Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh về hệ sinh thái nông nghiệp, thời gian tới, Lâm Ðồng tiếp tục đầu tư nông nghiệp toàn diện, hiện đại, đa chức năng, đa giá trị trên cơ sở nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; đầu tư nguồn nhân lực và khoa học-công nghệ, nghiên cứu đổi mới sáng tạo nhằm phát huy đồng bộ các thuộc tính của hệ sinh thái nông nghiệp; phát huy các chính sách hỗ trợ về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên kết sản xuất, sở hữu trí tuệ...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Ðồng Phạm S cho rằng, địa phương cần tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư một số lĩnh vực trong nông nghiệp mà tỉnh kêu gọi đầu tư. Ðồng thời, đẩy mạnh hợp tác chiến lược kết nối tiêu thụ nông sản Lâm Ðồng tại thị trường quốc tế; hình thành chuỗi giá trị nông sản toàn cầu quy mô lớn, chất lượng cao và an toàn thực phẩm.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/lam-dong-phat-huy-gia-tri-he-sinh-thai-nong-nghiep-211164.html