Làm ăn lớn cần diện tích lớn

Câu chuyện người nông dân làm ăn lớn cần có diện tích canh tác lớn không mới, nhưng một lần nữa cho thấy muốn có thu nhập cao, được vinh danh cần phải... vượt rào tích tụ ruộng đất.

Lợi đủ đường

Chương trình “Tự hào nông dân Việt” vừa tôn vinh những nông dân xuất sắc. Nông dân Việt Nam xuất sắc lớn tuổi nhất: Ông Phù Văn Khên (SN 1942) đến từ tỉnh Kiên Giang. Nông dân Việt Nam xuất sắc ít tuổi nhất: Anh Trương Văn Phúc (SN 1984) đến từ Tiền Giang. Nông dân Việt Nam xuất sắc nhân ái nhất: Anh Đặng Quang Hữu đến từ Quảng Trị (anh Hữu cho khoảng 600 hộ dân nghèo mượn với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng để trồng rừng). Nông dân Việt Nam xuất sắc có doanh thu “khủng” nhất: Chị Lê Thị Thà đến từ Quảng Ninh (với mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn, thức ăn, giống vật nuôi, cây trồng, thủy sản mỗi năm chị Thà có thu nhập 35 tỷ đồng). Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 có tỷ suất lợi nhuận cao nhất: Anh Phan Văn Chung đến từ Vĩnh Long (với 14 ha trồng cam sành, mỗi năm anh Chung có doanh thu 20 tỷ đồng, lợi nhuận 6,5 tỷ đồng). Nông dân Việt Nam xuất sắc tích tụ ruộng đất nhiều nhất: Anh Huỳnh Khắc Vũ đến từ Phú Yên với 104 ha trồng mía, sắn. Anh Huỳnh Khắc Vũ cũng là người sử dụng lao động nhiều nhất, với 120 lao động.

Cánh đồng mẫu lớn vào mùa gặt. Ảnh: Hoàng Huy

Hóa ra những nông dân có nhiều đất đều giàu, có công giải quyết lao động nhiều ở nông thôn và được vinh danh. Đó là một thực tế đã và đang diễn ra tại nhiều nơi, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dĩ nhiên, do rào cản về nhiều phía, họ không đứng tên mình dù đất của họ. Ông Kim Thái Thông, ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, trực canh đến 450 công ruộng (tương đương 50 ha), thuê 20 lao động. Thu nhập bình quân năm của ông gần 2 tỷ đồng. Dù vậy, những khoảng ruộng do ông đứng tên không nhiều, phần lớn nhờ người khác đứng tên.

Tại Long An và đồng bằng sông Cửu Long ai cũng biết ông Út Huy (Võ Quan Huy) có đến 580 ha đất. Và được xem là nông dân nhiều đất nhất cả nước. Dù vậy ông cũng lắm phen lận đận vì những tiếng dèm pha “địa chủ mới”. Bực mình ông đăng ký làm doanh nghiệp luôn khỏi ai nói. Thậm chí đăng ký thương hiệu độc quyền Huys Bò, Huys chuối, Huys ớt... Theo ông, nếu không có nhiều đất, người trồng, nuôi cây gì cũng khó.

Đổi mới từ Đồng Tháp

Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp của Đồng Tháp: 85% hộ sử dụng từ 0,2-1,5 ha, chỉ có khoảng 10% nông dân có diện tích đất nông nghiệp trên 2-10 ha, khoảng 5% nông dân có diện tích đất từ 10 ha trở lên. Do diện tích manh mún nên sản xuất hàng hóa quy mô lớn rất khó.

Hiện tại, nông dân Đồng Tháp đã thể hiện rõ hai khuynh hướng. Đa số nông dân ít ruộng đất đều muốn quay lưng lại với đồng ruộng, cho thuê đất, sang nhượng, chuyển nghề khác, số nông dân trẻ thì tập trung về các khu công nghiệp của tỉnh, TP.HCM, Long An, Bình Dương...

Anh Nguyễn Văn Khanh, một ông chủ lớn ở xã Phú Cường, Tam Nông, Đồng Tháp có trong tay 120 ha đất bằng nhiều nguồn tích tụ khác nhau. Có nhiều đất, anh mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc như máy cày, xới, gặt đập liên hợp, máy bơm. Đồng thời anh còn có kế hoạch đầu tư thêm lò sấy lúa, xây dựng kho chứa để nâng cao chất lượng lúa gạo, lợi nhuận hàng năm gia đình anh Khanh thu hơn 2,3 tỷ đồng.

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai mô hình thuê trọn gói đất ruộng của nông dân, mỗi năm 3 vụ 21 tấn lúa, chi phí đầu tư nông dân hoàn lại cho HTX 66 triệu đồng/năm.

HTX gom những thửa ruộng nhỏ thành cánh đồng lớn chia thành nhiều ô mỗi ô từ 5-10 ha. Từ đó, việc áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng được thuận tiện, giống lúa HTX được quyền tự chọn lựa cho phù hợp với thị trường được các doanh nghiệp bao tiêu đặt hàng. Ngoài ra, nhờ canh tác theo cánh đồng lớn nên HTX đã giảm được các loại chi phí: Làm cỏ, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật...

HTX Đức Huệ đã ký hợp đồng bao tiêu với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh các loại giống lúa được thị trường trong ngoài nước chấp nhận như: OM5451, OM6976, OM4900, OM576, Jasmine85, Nàng hoa 9, Nếp IR4625...

Các HTX trong tỉnh Đồng Tháp như: Tân Cường, Tiến Cường, Phú Bình, Tân Tiến... huyện Tam Nông; HTX Phát Đạt, Tân Bình... huyện Thanh Bình, đã xây dựng mô hình cánh đồng liên kết từ 300-500 ha. Quy mô sản xuất hàng hóa lớn đang ngày càng phát triển ở Đồng Tháp.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thấp là đất đai quá manh mún. Đất manh mún mà lại trồng lúa thì càng không hiệu quả.

Hoàng Huy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/lam-an-lon-can-dien-tich-lon-d48519.html