Lãi suất cho vay: các ngân hàng “nhìn nhau” hạ

- Gần 1 tuần sau khi Thông tư 12/2010/TT-NHNN về lãi suất thỏa thuận có hiệu lực thi hành (từ 14/4/2010), nhiều ngân hàng đã công bố biểu lãi suất cho vay mới, được điều chỉnh thấp hơn so với trước đó. Tuy nhiên, động thái hạ lãi suất vẫn khá cầm chừng, các ngân hàng (NH) vẫn “nhìn nhau” để đưa ra mức lãi suất mới.

Lãi suất cho vay: hạ cầm chừng Hiện tại, lãi suất cho vay tại một số NH đã được điều chỉnh giảm đáng kể như: Vietcombank ở khoảng 14 -14,5%; Eximbank cho vay ngắn hạn từ 13,8%-16%/năm, trung và dài hạn 16%/năm; DongAbank cho vay ngắn hạn cao nhất là 15%/năm, trung, dài hạn là 15,6%/năm; BIDV cho vay ngắn hạn với lãi suất từ 14%/năm trở xuống, cho vay đối với nông dân là 13%/năm, đối với xuất khẩu là 12%/năm, cho vay trung, dài hạn là 14,5%/năm; Sacombank hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 15%, trung và dài hạn 16,8%/năm, Techcombank cũng dao động từ 16,8-17%/năm… Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc HDbank cho biết, việc hạ lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, còn các yếu tố như tăng trưởng, chỉ tiêu lạm phát, cán cân thanh toán, cân đối giữa kì vọng tăng trưởng và kiềm chế lạm phát… Mới đây, tại Hội thảo “Tiếp cận nguồn vốn - dịch vụ ngân hàng một cách hiệu quả” (ngày 14/4), ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng GĐ ACB đưa ra dự đoán về mặt bằng lãi suất cá nhân trong thời gian tới có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do, tốc độ tăng trưởng của NH trong quý I (năm 2010) không cao, vì vậy NH phải giảm lãi suất để nâng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, áp lực tăng tín dụng của các NH rất lớn nên buộc NH phải giảm lãi suất. Theo ông Toàn, mặt bằng lãi suất trong quý I sẽ nằm ở mức 13-14% thay vì 16-17% như trước đây. Mức lãi suất này có thể ổn định trong quý II và quý III năm 2010. Đây là mức lãi suất thấp để DN có thể tiếp cận với nguồn vốn của NH một cách hiệu quả hơn. Doanh nghiệp vẫn "mơ vốn" Lãi suất cho vay đã giảm đáng kể nhưng “đây vẫn là mức lãi suất đầy thử thách đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và làm hàng xuất khẩu” – Thạc sĩ Từ Minh Thiện, GĐ Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho hay. Anh Nguyễn Minh Khánh, Chủ nhiệm HTX sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (Củ Chi) hiện đang cần vay vốn NH để mua một xe vận chuyển sữa. Anh Khánh cho biết, anh cần vay số tiền 600 triệu đồng trong thời gian 4 năm. Theo anh Khánh, mức lãi suất 1,4%/ tháng (tức 16,8%/năm) mà Sacombank đưa ra anh thấy là quá cao. “Nhưng chúng tôi đang quá cần nguồn vốn này nên vẫn phải vay”. Anh Lê Hồng T. (Bình Thạnh) đang muốn vay vốn để mở công ty kinh doanh vật liệu xây dựng. Nghe tin các NH đồng loạt hạ lãi suất cho vay, anh T. rất mừng vì hi vọng sẽ vay được nguồn vốn với lãi suất thấp hơn. Thế nhưng, sau khi đi khảo sát mức lãi suất ở một số NH, anh thất vọng vì mức hạ lãi suất hầu như không đáng kể. “Mức lãi suất của các NH hạ không đáng kể và chênh lệch nhau không nhiều. Rất khó để tìm ra NH có mức lãi suất hấp dẫn để mình lựa chọn vay vốn” – anh T. thất vọng. Bà Phương Thảo cũng thừa nhận, với mức lãi suất hiện tại thì DN chưa “mặn mà” lắm. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không phải do lãi suất cao hay thấp, mà bản thân DN cũng đang trong giai đoạn lựa chọn một số chiến lược, sách lược để phát triển nên DN chưa thực sự mạnh dạn vay vốn – bà Phương Thảo nhận định. Chính điều này cũng gây khó khăn cho NH trong việc xác định các thông tin về DN để có những căn cứ chính xác quyết định cho vay như thế nào là phù hợp. Cũng theo bà Phương Thảo, đối với những khách hàng (DN) thân thiết của NH, với những dự án hiệu quả, dự án thuộc diện ưu đãi thì NH sẽ xem xét hạ mức lãi suất cho vay. Lê Dung

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/2043/201004/Lai-suat-cho-vay-cac-ngan-hang-nhin-nhau-ha-1750726/