Lãi ròng cao nhất lịch sử 46 năm, Nhựa Bình Minh (BMP) có thể đã đạt 'đỉnh' lợi nhuận

Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP) vừa cho biết bất chấp doanh thu giảm hơn 11%, lãi ròng năm 2023 đã tăng 50%, đạt mức cao nhất lịch sử 46 năm hoạt động.

Lãi ròng năm 2023 của Nhựa Bình Minh lên cao nhất lịch sử

Lãi ròng năm 2023 của Nhựa Bình Minh đã đạt mức cao nhất lịch sử 46 năm hoạt động.

Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP - sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt đạt 1.454 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Nhựa Bình Minh ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 257 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp nhựa này ghi nhận tổng doanh thu thuần 5.157 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 50%, đạt 1.041 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử 46 năm hoạt động của Nhựa Bình Minh.

So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Nhựa Bình Minh chỉ hoàn thành 81% mục tiêu doanh thu, nhưng đạt 160% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 hồi tháng 4/2023, dựa trên diễn biến thị trường xây dựng và giá nhựa PVC đầu vào, ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó Chủ tịch HĐQT Nhựa Bình Minh đã nhận định, mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có thể gặp khó do hoạt động xây dựng còn ảm đạm nhưng lợi nhuận công ty có thể đạt được tăng trưởng dương.

Trước đó, một số tổ chức tài chính đã dự báo lãi ròng năm 2023 của Nhựa Bình Minh có thể đạt mức cao nhất lịch sử nhờ giá nhựa PVC đầu vào giảm, giúp biên lợi nhuận gộp neo cao.

Liệu Nhựa Bình Minh đã đạt "đỉnh" lợi nhuận?

Hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS) cho biết, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng trong năm 2023 đạt mức cao kỷ lục là do giá bán sản phẩm đầu ra tiếp tục duy trì mức cao kể từ sau giai đoạn liên tục tăng mạnh vào năm 2021 bất chấp nhu cầu tiêu thụ ảm đạm; trong khi đó, giá hạt nhựa đầu vào lại sụt giảm mạnh.

Mặc dù quý 4/2023 là mùa cao điểm xây dựng nhưng doanh thu của ngành nhựa xây dựng giảm chủ yếu do các doanh nghiệp đã áp dụng một số chương trình khuyến mãi trong thời gian ngắn để kích cầu khiến giá bán trung bình giảm nhẹ.

Trong đó, Nhựa Bình Minh đã thực hiện chương trình khuyến mại vào nửa cuối quý 4/2023 với việc giảm giá bán khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022 nhằm khuyến khích các đại lý phân phối tích lũy thêm sản phẩm.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong năm 2024, FPTS nhận định biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhựa xây dựng như Nhựa Bình Minh sẽ giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục của năm 2023, nhưng vẫn đạt mức cao so với các giai đoạn trước.

Biên lợi nhuận gộp chịu áp lực giảm chủ yếu do giá hạt nhựa vốn đang ở mức rất thấp, được kỳ vọng sẽ phục hồi dần khi nhu cầu trên toàn cầu được cải thiện. Giá hạt nhựa PVC nhiều khả năng đã chạm đáy trong quý 3 - quý 4/2023 khi duy trì quanh mức 800 USD/tấn và dự báo sẽ hồi phục về mức trung bình 900 USD/tấn trong năm 2024, tăng 6,2% so với năm 2023, tương ứng ở vùng giá trung bình giai đoạn 2018-2020. Nhưng mức giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2021-2022.

Đáng chú ý, theo đánh giá mới đây của SSI Research, tăng trưởng doanh thu của Nhựa Bình Minh đang có phần yếu hơn đối thủ cạnh tranh là Nhựa Tiền Phong (mã cổ phiếu NTP); trong đó, Nhựa Tiền Phong đang chiếm thị phần cao hơn về mặt sản lượng.

Theo nhận định của SSI Research, Nhựa Bình Minh đang ưu tiên lợi nhuận hơn thị phần trong hiện tại nhằm dành nguồn lực sẵn sàng “bung ra” khi thị trường phục hồi trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 26/01, cổ phiếu BMP có giá tham chiếu tại mức 104.400 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/lai-rong-cao-nhat-lich-su-46-nam-nhua-binh-minh-bmp-co-the-da-dat-dinh-loi-nhuan-116451.htm