Lại lo thiếu nguyên liệu vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Việc Trung Quốc thực hiện chính sách 'zero COVID' không chỉ ảnh hưởng tới chiều xuất khẩu của Việt Nam, mà chiều nhập khẩu cũng chịu tác động tiêu cực. Nhiều loại nguyên liệu khan hiếm, giá cả bị đẩy lên cao.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" lo thiếu nguyên liệu, đội chi phí sản xuất. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, trung bình mỗi tuần doanh nghiệp nhập 3 container nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, khoảng 10 ngày trở lại đây, hàng nguyên liệu không nhập được về do tắc nghẽn tại một số cảng ở quốc gia này.

Khan hàng, giá cả "leo thang"

Ông Việt cho hay nếu tình trạng này kéo dài thêm 10 ngày nữa thì không riêng VitaJean, mà cả ngành dệt may cũng chịu tác động.

Trung Quốc thực hiện chính sách 'zero COVID-19' khiến nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Trung Quốc thực hiện chính sách 'zero COVID-19' khiến nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), cho hay nguồn cung nguyên liệu thì chưa khan hiếm đến mức không có hàng, song giá so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng từ 40-150%. Hiện nay, ngành cơ khí chủ yếu mua nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc.

"Doanh nghiệp đang phải mua tới 90% nguyên liệu từ sắt thép, phụ gia, hóa chất... từ thị trường Trung Quốc. Giá tăng cao, chúng tôi cũng phải chấp nhận, chia sẻ một phần với khách hàng thay vì đưa toàn bộ chi phí này vào giá bán", ông Tứ nói.

Trước câu hỏi giá cả đang có xu hướng tăng, doanh nghiệp có tính đến việc dự trữ nguyên liệu? Ông Tứ cho biết, nếu muốn dự trữ thì doanh nghiệp phải có kho, còn phải đi thuê kho thì chi phí cũng không rẻ hơn. Do vậy, doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động cầm chừng, tính toán nhu cầu của khách hàng để cân nhắc nhập nguyên liệu.

Không chỉ cơ khí, dệt may mà các ngành như da giày, điện tử, ô tô... cũng đang phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc. Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu tăng là do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất và do giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao.

Nếu muốn thoát khỏi tình trạng "thị trường Trung Quốc hắt hơi, doanh nghiệp bị sổ mũi", các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng, phát triển nguồn nguyên liệu cho mình, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công thông tin, mấy năm gần đây, để giảm dần phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, Công ty đã đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi khép kín, sản xuất từ sợi cho đến sản phẩm cuối cùng xuất đi. Vì vậy, việc Trung Quốc đóng cửa không ảnh hưởng nhiều đến Dệt may Thành Công, vì Công ty sản xuất nguyên liệu của mình là chính, lượng nhập từ Trung Quốc rất ít, không đáng kể trong lượng sản xuất.

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà đầu tư?

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chuẩn bị trước, cũng như chủ động sản xuất được nguồn nguyên liệu, đặc biệt với những ngành yêu cầu trình độ công nghệ cao như ô tô, điện tử.

Bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đánh giá 10 năm trở lại đây, công nghiệp điện tử phát triển mạnh, nhưng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước ít, chủ yếu nhập khẩu 90%; công nghiệp ô tô nhập khẩu 70%.

Trước nhu cầu lớn này, nhiều năm nay cũng có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp thép trong nước có thể nghiên cứu sản xuất thân vỏ ô tô. Song đến nay, dường như vấn đề này vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

Ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Thép Nam Kim, cho hay để làm thép phục vụ cho sản xuất xe ô tô, thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện như có lợi thế về công nghệ, nguyên liệu thượng nguồn để tham gia lĩnh vực sản xuất thân vỏ ô tô hay không? Doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để đầu tư hay không? Và đầu ra sản phẩm sẽ bán cho ai? Tất cả những câu hỏi đó, Thép Nam Kim vẫn chưa có đáp án thỏa đáng, do vậy không thể phát triển lĩnh vực này.

Tương tự, dù được đánh giá là "ông lớn" của ngành thép, song Hòa Phát cũng không chọn con đường trên. Cách đây 2 năm, khi nhận được câu hỏi của cổ đông: Liệu Hòa Phát có tham gia làm thép cho ngành ô tô trong nước hay không? Trong phần trả lời, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh rằng: "Hòa Phát phải làm cái gì nhiều, số lượng lớn, thô nên trong ngắn hạn không nghĩ đến làm thép cho ô tô. Bao giờ sản lượng trong nước phải bằng Thái Lan thì Hòa Phát mới nghĩ đến".

Việc không phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ dẫn tới tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô rất thấp. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kinh doanh và Đối ngoại, Công ty Toyota Việt Nam, cho biết dù Toyota nỗ lực đẩy mạnh nội địa hóa qua từng năm, song tính đến hết năm 2020, doanh nghiệp có tổng cộng 46 nhà cung cấp, trong đó chỉ có 6 nhà cung cấp thuần Việt.

"Nguyên nhân một phần là do ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đi sau các nước trong khu vực, dung lượng thị trường nhỏ hơn nên các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không mặn mà đầu tư. Chưa kể, công nghiệp hỗ trợ Việt khó phát triển vì phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bị thiệt thòi hơn các doanh nghiệp nước ngoài", ông Hiếu phân trần,

Có thể thấy, bài toán phát triển nguyên phụ liệu trong nước, giảm dần nhập khẩu không hề mới nhưng không dễ để tìm được lời giải rốt ráo. Bà Trương Chí Bình cho rằng muốn giải được bài toán khó này thì trước hết cần có cơ chế về tiếp cận vốn vay ưu đãi, mặt bằng sản xuất... để tạo động lực cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực này, thay vì chỉ những người thật sự quá đam mê mới dám dấn thân đầu tư vào.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lai-lo-thieu-nguyen-lieu-vi-phu-thuoc-thi-truong-trung-quoc-1085107.html