Lại đề xuất 1.000 tỷ mua thiết bị đuổi chim

Cục Hàng không VN đề xuất đầu tư dự án phát hiện vật thể lạ: chim, ốc vít... trên đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trong văn bản đề xuất Bộ GTVT mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, Cục đề xuất 3 phương án đầu tư: Phương án 1 do nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Phương án 2 do người khai thác cảng là Tổng công ty Cảng Hàng không VN (ACV) làm chủ đầu tư và phương án 3 là thực hiện xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư.

Tổng mức đầu tư hệ thống dự kiến tại Nội Bài là hơn 486 tỉ đồng và Tân Sơn Nhất gần 510 tỉ đồng.

Máy bay Vietjet Air bị lõm sâu phần mũi do bị chim va vào năm 2015.

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho hay, khi tàu bay cất, hạ cánh phải chuyển động với vận tốc cao, lực ma sát lớn.

Quá trình này, tàu bay va vào các vật thể lạ dù rất nhỏ như: Ốc vít, thanh sắt, mảnh vỡ, chim trời… (gọi chung là FOD - Foreign Object Debris) đều rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn thảm khốc.

Thực tế, lịch sử ngành Hàng không đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn thảm khốc do tàu bay cất, hạ cánh gặp phải vật cản như chim hoặc các mảnh vỡ rơi vãi trên đường hạ, cất cánh.

Tuy nhiên, hiện nay, tại các CHK của Việt Nam, việc giám sát, kiểm tra hệ thống đường băng lại được thực hiện thủ công, chủ yếu bằng mắt thường, mất nhiều thời gian, không thể kiểm tra liên tục. Mỗi lần kiểm tra đều phải dừng hoạt động bay.

Điều này gây khó khăn, gián đoạn hoạt động bay ở các sân bay có tần suất hoạt động cao như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

“Hệ thống cũng giúp hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập”, ông Thanh nói.

Theo vị Cục trưởng, yêu cầu về kỹ thuật của hệ thống là đáp ứng tiêu chuẩn thiết bị phát hiện vật ngoại lai tại sân bay do Cục Hàng không Liên bang Mỹ ban hành.

Được biết, trong báo cáo gửi Bộ GTVT lần này, Cục Hàng không VN cũng đề xuất 3 phương án đầu tư. Theo đó, phương án 1, sẽ do Nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Phương án 2, do người khai thác cảng (ACV) làm chủ đầu tư và phương án 3 là thực hiện xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Cục Hàng không VN đã kiến nghị ưu tiên phương án 2, nếu không được thì thực hiện phương án 3.

Liên quan đến vốn đầu tư, theo ông Thanh, đề xuất của Cục là con số khái toán dựa trên tham khảo giá một số nhà sản xuất, cung cấp thiết bị lớn trên thế giới. Khi được thông qua chủ trương đầu tư mới xác định chính xác tổng mức đầu tư.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, phía Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nếu được Bộ GTVT chấp thuận, dự kiến từ tháng 11/2016 - 6/2017 sẽ thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công công trình. Từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2017 sẽ triển khai thi công, hoàn thành đầu tư công trình. Còn từ năm 2018 sẽ quản lý, khai thác, bảo trì công trình.

Hệ thống FODetect giúp phát hiện vật thể lạ. Ảnh minh họa: BizJournal.

Trước đó, tháng 7/2016, ACV cũng đã thay mặt một nhà đầu tư tư nhân đề xuất lên Cục Hàng không xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án lắp đặt các hệ thống FODetect giám sát đường hạ cất cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất trị giá 1.162 tỉ đồng. Để hoàn vốn dự án, ACV cho biết sẽ thu phí 35 USD với các chuyến bay quốc tế và 17 USD với các chuyến bay nội địa trên toàn bộ cảng hàng không mà ACV đang khai thác.

Trước đề nghị của ACV, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp thì việc xã hội hóa Dự án FODtect là cần thiết.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đề xuất của ACV khá sơ sài và còn thiếu một loạt nội dung quan trọng như loại hợp đồng dự án, phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác và nhất là hiệu quả kinh tế xã hội của dự án...

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lai-de-xuat-1000-ty-mua-thiet-bi-duoi-chim-3323217/