Lai Châu tập trung phát triển ngành công nghiệp thế mạnh

Thủy điện, chế biến nông lâm sản là thế mạnh của Lai Châu, địa phương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp này.

2 tháng đầu năm 2024 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Lai Châu tăng 14,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu với mức tăng 101,92% so với cùng kỳ năm. Lý giải về mức tăng này, theo Cục Thống kê Lai Châu, là do năm nay có một số vùng nguyện liệu chè cho thu hoạch muộn hơn đã làm sản lượng chè (trà) nguyên chất tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, ngành khai khoáng tăng 17,64% so với cùng kỳ năm trước nguyên nhân chính là sản lượng đá xây dựng của hoạt động xây dựng tăng cao so với cùng kỳ phục vụ cho nhu cầu xây dựng công trình thủy điện và các công trình giao thông, thủy lợi.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,04% so với cùng kỳ năm trước nguyên do 2 tháng đầu năm 2024 có mưa sớm hơn năm trước đã tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện tăng sản lượng điện sản xuất.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường chế biến chè ô long. Ảnh: Nguyễn Oanh

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,57% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu sử dụng tăng.

Cũng theo thống kê, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 2/2024, tăng 0,42% so với tháng trước; tăng 1,62% so với cùng kỳ năm trước. Điều này một lần nữa khẳng định tình hình sản xuất công nghiệp của địa phương 2 tháng đầu năm khởi sắc đáng kể.

Thủy điện, khai thác khoáng sản và chế biến nông lâm sản là những ngành công nghiệp thế mạnh của Lai Châu. Hiện địa phương có 160 dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất 4.271,35MW, điện lượng trung bình năm đạt 15.549 triệu kWh; 122 dự án được cấp chủ trương đầu tư với quy mô tổng công suất 3.866,15MW, điện lượng trung bình năm 14.144 triệu kWh, trong đó có 46 dự án hoàn thành phát điện thương mại với tổng công suất lắp máy 2.836,85MW, điện lượng trung bình năm 10.668 triệu kWh. Các dự án thủy điện đã hoàn thành đang phát điện thường xuyên, an toàn, ổn định, đóng góp trên 60% cho nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Sản lượng chè khô chế biến đạt 10.700 tấn/năm, xuất khẩu trên 3.600 tấn/năm một số dự án mới và sắp hoàn thành như: Nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, 2 nhà máy chế biến mắc ca với công suất thiết kế 6.000 tấn quả tươi/nhà máy/năm, 78 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ với quy mô nhỏ… Những dự án này hoàn thành kỳ vọng góp sức đáng kể tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.

Lai Châu xác định thủy điện, chế biến nông lâm sản tiếp tục là thế mạnh và động lực cho phát triển công nghiệp của địa phương. Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương cũng định hướng chú trọng phát triển những công nghiệp này.

Trong ngắn hạn năm 2024, Lai Châu đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 25,6%. Để đạt mục tiêu này, đồng thời tạo nền tảng cho công nghiệp Lai Châu phát triển bền vững, địa phương xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp về vai trò của phát triển công nghiệp đối với kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp trong từng giai đoạn phù hợp với điều kiện phát triển trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực; đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn.

Rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Riêng Sở Công Thương tập trung phối hợp với chủ đầu tư các dự án xây dựng đường dây và trạm biến áp để cấp điện cho các thôn bản chưa có điện, đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng. Tăng cường kiểm tra công tác triển khai đầu tư các dự án thủy điện; công tác thực hiện quy định về an toàn đập, hồ chứa của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực dự án tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Chủ động nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ngành kịp thời để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lai-chau-tap-trung-phat-trien-nganh-cong-nghiep-the-manh-307991.html