Lai Châu: Đằng sau việc rút giấy phép đầu tư 11 thủy điện

Năm 2015 tỉnh Lai Châu rút giấy phép đầu tư của 11 dự án thủy điện, nhưng xung quanh vấn đề này có nhiều uẩn khúc cần làm sáng tỏ.

Có thủy điện nhưng...đường bán điện chưa xong

Trong bối cảnh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Lai Châu xếp thứ 61 trong tổng số 63 tỉnh, thành trên cả nước, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cuối tháng 3/2016. Từ những con số này, có thể thấy môi trường đầu tư của tỉnh Lai Châu chưa thật sự rộng mở đối với các doanh nghiệp.

Quyết định cứng rắn thu hồi 11 dự án thủy điện chậm tiến độ của UBND tỉnh Lai Châu.

Nhìn một cách thẳng thắn, Lai Châu không phải là tỉnh phát triển mà là một tỉnh nghèo, thể hiện ở con số - toàn tỉnh có 6/8 huyện, thành phố nằm trong những huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và có 75 xã đặc biệt khó khăn, 617 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người từ 8,2 triệu đồng (đầu năm 2010) lên 18,2 triệu đồng (năm 2015).

Phối cảnh dự án thủy điện Thiên Nam 1. Ảnh internet

Chính vì vậy, phát triển thủy điện là hướng đi mũi nhọn cho tỉnh nghèo này. Lai Châu là vùng trọng điểm của các dự án thủy điện nhằm bảo đảm nhu cầu điện năng của đất nước và thủy điện là mũi nhọn quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này chưa được mở rộng một cách bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, ngày 25/9/2015, UBND tỉnh Lai Châu đã quyết liệt chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư 11 dự án thủy điện vì chậm tiến độ. Đây được coi là một trong những hành động mạnh tay của tỉnh Lai Châu xung quanh việc thu hồi các dự án thủy điện chậm tiến độ.

Sau nhiều ngày tìm hiểu và thu thập dữ liệu, Phapluatplus.vn nhận thấy lý do thu hồi 11 dự án thủy điện của tỉnh Lai Châu là đúng. Nhưng điều khiến dư luận, cũng như các doanh nghiệp “chưa phục” ở chỗ, lý do thu hồi các thủy điện chưa thật khách quan, thấu đáo.

Tỉnh Lai Châu có quy hoạch phát triển điện lực, xây dựng các thủy điện, có quy hoạch đường gom điện (bán điện) nhưng trên thực tế lại xây dựng nơi có... nơi không, nơi đủ, nơi thiếu.

Có thể hiểu nôm na là, doanh nghiệp vào xây dựng thủy điện nhưng lại không có đường dây để bán điện, hoặc đường dây bán điện chưa vào tận nơi. Khiến doanh nghiệp lúng túng, chưa dám đầu tư mạnh mẽ.

Không chỉ vậy, trong tất cả 11 dự án thủy điện, nhiều chủ đầu tư đã đổ rất nhiều tiền vào khảo sát, thăm dò để cấp Giấy chứng nhận đầu tư, sau đó lập dự án. Thậm chí có những dự án chủ đầu tư đã bỏ rất nhiều tiền vào đầu tư hệ thống đường giao thông, hệ thống dẫn dòng xây dựng thủy điện, như dự án thủy điện Mường Kim 2, thủy điện Nậm Mở...

Ông Nguyễn Khắc Chử - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lai Châu. Ảnh Báo Tài nguyên môi trường.

Bàn luận về vấn đề vì một số dự án thủy điện chưa xây dựng đường gom điện đến tận thủy điện, nên dự án chậm tiến độ đầu tư, trao đổi với PV Phapluatplus.vn sáng 20/10, ông Nguyễn Khắc Chử Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: “Cái đấy là đúng rồi. Nó có mấy nguyên nhân, nhưng sau khi có thu hồi thì tôi thấy có những phản hồi của anh em trao đổi là nó không thấu đáo chứ còn nguyên tắc họ (UBND tỉnh) thu là đúng”.

“Đây là do phương pháp làm thôi chứ còn về lý thì nó vẫn đúng. Ví dụ, tôi chỉ biết là tôi cấp cho anh giới hạn đến ngày ấy anh không làm thì tôi thu, chứ còn cái thủ tục gom điện kia thì lại là của doanh nghiệp và anh phải trình bày với các cơ quan chuyên môn của tỉnh để cùng phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực chứ không thể kéo hai cái này với nhau được”, Bí thư tỉnh Lai Châu cho biết thêm.

Một số thủy điện bị thu hồi nhưng chưa thanh lý!

Theo quy định tại Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; điều 41, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 11/12/2015 có nội dung, sau khi thu hồi các dự án phải thực hiện thanh lý dự án đầu tư sau đó mới cấp lại dự án cho các đơn vị khác thực hiện.

Điều cần đặt lên bàn cân là tỉnh Lai Châu sau khi thu hồi một số dự án thủy điện lại giao cho doanh nghiệp khác hoặc để doanh nghiệp tự thỏa thuận, trong khi chưa thực hiện thanh lý dự án. Cụ thể là tại dự án thủy điện Mường Kim, Thiên Nam 1,2,3; thủy điện Nậm Mở.

Tại dự án thủy điện Thiên Nam 1,2,3 tỉnh Lai Châu đã thu hồi của Công ty CPĐT và phát triển Thiên Nam giao cho Công ty CP Tập đoàn Thăng Long (văn bản số 1991/UBND-CN ngày 29/12/2015). Được biết, Công ty Thiên Nam đã bỏ ra trên 15 tỷ đồng để thuê tư vấn khảo sát lập dự án.

Tại thủy điện Mường Kim 2, tỉnh Lai Châu thu hồi của Công ty CP Cơ khí thiết bị điện Hà Nội và giao lại cho Công ty CP Cơ khí thiết bị điện Lai Châu (văn bản số 1995/UBND-CN ngày 29/12/2015). Tại dự án này Công ty thiết bị điện Hà Nội đã bỏ ra trên 65 tỷ đồng để thuê tư vấn khảo sát lập dự án, đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống dẫn dòng...

Tuy nhiên, tại văn bản số 1995 tỉnh Lai Châu lại để 2 doanh nghiệp “thương thảo” về vấn đề thanh lý tài sản, trong khi lại cho phép doanh nghiệp khác vào khảo sát, lập dự án đầu tư.

Cụ thể văn bản này có nêu: Công ty CP Thiết bị điện Lai Châu có trách nhiệm thương thảo với Công ty CP Cơ khí thiết bị điện Hà Nội giải quyết các vấn đề liên quan về tài sản đầu tư tại dự án thủy điện Mường Kim II theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản.

Luật Đầu tư, Nghị định 118/2015/NĐ-CP đều nêu rõ các bước khi thực hiện thanh lý dự án tuy nhiên các quyết định 1991/UBND-CN; 1995/UBND-CN được ban hành ngày 29/12/2015 đều do Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ông Nguyễn Ngọc An ký lại khiến các doanh nghiệp chưa "tâm phục khẩu phục". Vậy, các quyết sách của người đứng đầu UBND tỉnh Lai Châu là đúng hay sai?

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Chử Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: Ở đây nó có nói 2 cái chuyện cấp lại, cấp lại đúng là về mặt thủ tục hành chính là nó có cái chưa chuẩn xác.

Nếu vẫn giao lại cho đơn vị ấy làm chỉ là cái gia hạn không phải là cấp lại, nhưng đây anh em chuyên môn lại tham mưu là cấp lại, cái này của Sở kế hoạch đầu tư; Sở Công thương. Nếu bây giờ cấp lại thì thủ tục lại bắt đầu từ khi được cấp phép đầu tư.

Về mặt pháp lý và nguyên tắc thì nó không có vấn đề gì vì nó vẫn để lại cho đơn vị ấy làm, thế như mà nếu anh chỉ cần loại ra khỏi danh sách thu hồi và anh cấp cái gia hạn là xong không ảnh hưởng gì".

"Chính vì vậy nên Tỉnh ủy mới yêu cầu dừng lại, lập đoàn đi kiểm tra, và bây giờ đã có có báo cáo về rồi”,ông Nguyễn Khắc Chử cho biết thêm.

Trao đổi với PV Phapluatplus.vn, ông Hoàng Kiều Anh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu cho hay: "Đối với 11 dự án dự án thu hồi đều có quy hoạch đấu nối (đường gom điện), quy hoạch đã có rồi nhưng triển khai xây dựng thì trước đây, ở trong mạn Mường Tè mới tính toán quy hoạch đường dây 110KV. Nhưng khi giao các dự án thủy điện cho các nhà đầu tư khảo sát thì đa số các công trình công suất đều tăng nên đã phải tính toán đến xây dựng đường dây trạm biến áp 220KV vào truyền tải các nhà máy trong mạn Mường Tè.

Trách nhiệm đầu tư các đường dây phục vụ truyền tải là trách nhiệm của ngành điện, đấu nối từ nhà máy đến vị trí đấu nối là trách nhiệm của chủ đầu tư các thủy điện".

Ở diễn biến khác, ngày 11/4/2016 UBND tỉnh Lai Châu bất ngờ ban hành văn bản số 636/UBND-CN về việc dừng thực hiện khảo sát, lập quy hoạch đối với các dự án thủy điện được UBND tỉnh chấp thuận ngày 15/12/2015.

Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Thanh Thắng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/lai-chau-nhung-bi-an-xung-quanh-viec-rut-giay-phep-dau-tu-11-thuy-dien-d27365.html