Lai Châu: Chú trọng giữ gìn 'sắc màu' văn hóa dân tộc

Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu trong đời sống văn hóa dân tộc Thái ở Phong Thổ. Ảnh: Kim Anh

Đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống

Để Nghị quyết số 04-NQ/TU đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 24-KH/TU lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề, đề án, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; 100% đảng bộ trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị.

Toàn tỉnh Lai Châu đã tổ chức 3.120 hội nghị với 124.657 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan tư tưởng, văn hóa đẩy mạnh tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, nhân dân.

Phong Thổ là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng chí Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Trong thời gian qua, huyện đã mở được trên 290 hội nghị tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu với hàng nghìn lượt người trên địa bàn huyện tham gia. Cùng với đó, huyện đã ban hành kế hoạch số 1948/KH-UBND ngày 19/8/2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Từ công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao hơn về nhận thức, tầm quan trọng và vai trò của công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua đó đã góp phần động viên, khích lệ, khơi dậy sự sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và khuyến khích nhân dân các dân tộc nêu cao ý chí tự lực, tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Sắc màu” văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu, đã có 5/6 mục tiêu cụ thể được triển khai, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực. Từ đó, góp phần thực hiện tốt việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Phụ nữ dân tộc Giáy Lai Châu chơi môn thể thao dân tộc truyền thống. Ảnh: Kim Anh

Đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: Những kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm triển khai. Việc liên kết, hợp tác trong bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch; tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Một số sản phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc được khai thác, phục vụ đời sống nhân dân và phát triển du lịch. Huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 13/13 dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Khơ Mú, Mảng, Cống, Si La, Giáy, Lào, Lự, Kháng, La Hủ) cư trú thành cộng đồng được bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp; duy trì, tổ chức 34 lễ hội ở 8 huyện, thành phố; có bản Sin Suối Hồ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam năm 2019” và đoạt “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3” do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia; xây dựng 2 điểm trưng bày sản phẩm OCOP.

Các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu được bảo tồn như lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, kỹ thuật tạo hình trang phục, ẩm thực, sưu tầm hiện vật, xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể…

Công tác tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, sáng tạo, phổ biến văn hóa truyền thống trong cộng đồng, gia đình, trường học được quan tâm thực hiện. Phong trào văn hóa văn nghệ trong quần chúng nhân dân không ngừng phát triển, người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; toàn tỉnh có 975 đội văn nghệ thôn, bản (tăng 20 đội so với năm 2020), có 864 đội văn nghệ thôn, bản và 24 đội văn nghệ xã hoạt động thường xuyên, hiệu quả (tăng 30 đội so với năm 2020).

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp, đạt kết quả tích cực, vai trò của các quy ước, hương ước ngày càng được phát huy trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Nét đẹp duyên dáng của phụ nữ dân tộc Thái Lai Châu trong mùa cốm mới. Ảnh: Kim Anh

Cùng với đó, 100% các nhà trường duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong trường học, xây dựng được không gian văn hóa (hoặc góc trưng bày các sản phẩm văn hóa) các dân tộc tiêu biểu; 45 trường học (20% trường phổ thông toàn tỉnh) thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả, thiết thực các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc.

Đặc biệt, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, 3 tỉnh Bắc Lào; tăng cường hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và các vùng Trung - Nam Bộ; góp phần quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa, tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương với du khách trong và ngoài nước, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh và tăng nhanh lượng khách du lịch đến Lai Châu. Lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng được mở rộng và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Giai đoạn 2021-2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt gần 2 triệu lượt người, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 39,6%/năm.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhằm tiếp tục khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị, di sản văn hóa, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân. Huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại.

Kim Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lai-chau-chu-trong-giu-gin-sac-mau-van-hoa-dan-toc-post469386.html