Lạc bước trong sắc màu văn hóa mới lạ tại ngôi làng người Thái ở Trung Quốc

Những ngôi làng của người Thái ở phía Tây Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có những nét văn hóa, sinh hoạt và kiến trúc độc đáo, phản ánh những giá trị truyền thống trong hơn 1.000 năm lịch sử vẫn được bảo tồn cho tới ngày nay.

Làng dân tộc thiểu số của người Thái ở Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna), tỉnh Vân Nam có những nét văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc độc đáo. Tây Song Bản Nạp là châu tự trị dân tộc Thái ở phía Tây Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, giáp với Lào và Myanmar. Có khoảng 13 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở đây với dân tộc Thái chiếm số lượng nhiều nhất, khoảng 74%.

Dân tộc Thái là một trong những dân tộc cổ xưa tại Vân Nam. Các ngôi làng của dân tộc Thái thường phân bố trên những cánh đồng rộng lớn và dòng sông xanh trong, thuận tiện cho sản xuất, sinh hoạt và giặt giũ.

Một điệu nhảy truyền thống của dân tộc Thái chào mừng khách đến làng.

Một ngôi làng trung bình của người Thái thường gồm khoảng 40 hộ gia đình trong khi những ngôi làng lớn hơn gồm khoảng 100 hộ.

Một ngôi nhà của người Thái với những nét kiến trúc độc đáo.

Người Thái tận hưởng cuộc sống yên bình ở vùng đất phía Tây Nam Trung Quốc. Những ngôi đền chùa thờ Phật giáo nguyên thủy là một phần trong cuộc sống của họ

Người Thái có một nền văn hóa giàu có và nhiều màu sắc. Họ có lịch của riêng mình, bắt đầu vào năm 638 sau công nguyên. Họ yêu ca hát, nhảy múa bên những nhạc cụ truyền thống.

Người Thái tiếp nhận nước một cách tự nhiên, coi nước là linh vật được các vị thần ban tặng, là biểu tượng của hạnh phúc, sự thánh thiện và ánh sáng. Giếng thường có hình voi và công, những loài vật được người Thái tôn kính. Miệng giếng có 2 con rồng vàng cai quản, xung quanh miệng giếng được khảm những chiếc gương nhỏ. Trong ảnh là một giếng nước cổ với lịch sử hàng trăm năm

Truyền thuyết kể rằng, từ xa xưa, hầu hết giếng đều được đào nhờ những chú ngựa hỗ trợ vận chuyển đất đá. Để tưởng nhớ công lao của những chú ngựa, bên cạnh giếng thường xây dựng tượng ngựa,thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người Thái, đó là sự biết ơn. Một vọng lâu thường được dựng cạnh giếng để mọi người múc nước và nghỉ ngơi. Với người Thái, giếng nước, ngựa và vọng lâu luôn song hành và không thể thiếu nhau.

Do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới nên khu vực này trồng nhiều loài cây nhiệt đới như xoài, dừa, đu đủ, dứa, cam, mít...

Trong cấu trúc nhà của người Thái, hành lang trước có mái che, xung quanh được rào bởi những lan can, không khí lưu thông, thoáng đãng, ánh sáng tốt, là nơi chủ nhân dùng để tiếp khách, hóng mát và sinh hoạt. Bên ngoài có sân phơi ngoài trời, dùng để đặt lu nước và phơi quần áo.

Trong nhà là phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ, trong phòng sinh hoạt chung có bếp lửa, dùng để nấu cơm và pha trà, và là nơi cả gia đình đoàn tụ. Các gia đình người Thái gồm 3, 4 hoặc thậm chí 5 thế hệ cùng chung sống hòa thuận với nhau dưới một mái nhà.

Một góc nhà của người Thái.

Ngoài nông nghiệp, các ngôi làng của người Thái cũng được khuyến khích làm du lịch với một số địa điểm sản xuất các sản phẩm thủ công hoặc biểu diễn các điệu nhảy truyền thống cho du khách.

Người Thái đã truyền lại nghệ thuật khắc kinh Phật trên lá cọ trong hơn 1 thiên niên kỷ, tạo nền văn minh lá cọ độc đáo.

Người Thái rất tôn sùng những chiếc lá cọ.

Lá cọ được luộc lên, phơi trong nắng và đến khi khô, các nghệ nhân bắt đầu miệt mài ngồi khắc kinh trên lá cọ.

Những cuốn kinh lá cọ cổ được coi như những di vật quý giá chứa đựng lịch sử và văn hóa của họ.

Du khách đến làng của người Thái ngoài việc trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo thì còn có dịp thưởng thức những bài hát và điệu nhạc truyền thống được chính những người dân địa phương biểu diễn

Một người đàn ông thổi sáo và người còn lại đang cầm quạt hát.

Ở làng của người Thái còn có những cây xoài với tuổi đời hàng trăm cho tới cả nghìn năm tuổi.

Những khu rừng ở đây trở thành khu vực bảo vệ trọng điểm của Tây Song Bản Nạp.

Con đường rợp bóng cây trong ngôi làng bình yên của người Thái.

Kiều Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/lac-buoc-trong-sac-mau-van-hoa-moi-la-tai-ngoi-lang-nguoi-thai-o-trung-quoc-post1032679.vov