Lá dong, ống giang, đào phai... đua nhau xuống núi

Lá dong, ống giang, đào phai… được xem là sản vật của rừng, hay còn gọi là 'lộc rừng' để đồng bào vùng cao thu hái vào dịp cuối năm. Những thứ này không thể thiếu trong mỗi gia đình, nên tiêu thụ mạnh vào những ngày cận Tết.

Lá dong, ống giang được chọn kỹ

Khi tiết Xuân ngập tràn đại ngàn cũng là thời điểm đồng bào vùng cao Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… hối hả ngược rừng tìm “lộc rừng”. Nào lá dong, ống giang, đào phai, tre mét làm cây nêu… được bà con tuyển chọn kỹ càng, theo dòng người về thị thành đón .

Các cơ sở thu mua lá dong luôn tất bật những ngày cận Tết. Ảnh: Q.An

Bà Vi Thị Huệ ở bản Chằn Nằn, xã Chi Khê (Con Cuông) xếp những bó lá dong lên chiếc bàn bằng gỗ, đặt bên lề đường để bán cho khách đi đường mua về . Bà Huệ bộc bạch, năm nào cũng vậy, tầm nửa tháng Chạp là gia đình vào rừng tìm kiếm những lá dong đẹp nhất, hái về bán cho khách hàng. Ngoài bán nhập cho thương lái, bà còn bố trí điểm ven Quốc lộ 7A để bán lẻ cho khách qua đường.

“Bán sỉ thì 300 đồng/lá, nhưng bán lẻ 500 đồng/lá. Mỗi bó 50 lá, đều đã được tuyển chọn kỹ càng, nên khách mua về chỉ cần rửa qua là gói bánh. Tính ra, mỗi dịp cuối năm, cả gia đình thu về khoảng 15 triệu đồng từ bán lá dong”, bà Huệ chia sẻ.

Dọc đường Quốc lộ 7 từ Kỳ Sơn xuống đến Con Cuông và Quốc lộ 48 từ Quế Phong xuống Quỳ Châu thỉnh thoảng bắt gặp điểm bán lẻ lá dong và một số cơ sở thu mua lá dong với số lượng lớn để vận chuyển về xuôi tiêu thụ bằng xe ô tô.

Theo bà con, cây lá dong thường mọc và phát triển ở những vùng rừng có độ ẩm cao, khu rừng càng sâu thì lá càng đẹp, còn giang mọc lưng chừng núi. Khách hàng ưa chuộng nhất là những lá dong rộng chừng 25 cm, dài khoảng 50 cm vì gói bánh chưng, bánh tét mới đẹp. Do đó, bà con phải cất công tìm cho được bụi dong có nhiều lá đẹp.

Lá dong được tuyển chọn kỹ trước khi vận chuyển về xuôi tiêu thụ trước Tết. Ảnh: Q.An

Hái lá dong, đòi hỏi dụng cụ cắt phải sắc, cuống lá cắt nhát một mới đẹp. Xếp, bó lá cũng cần có “kỹ năng” sẽ không bị rách lá. Vì người dân quan niệm “lộc rừng” đón Tết nên khi bó lá không được trộn lá rách, lá xấu vào trong để bán cho khách. “Bà con dân bản đã bao đời gắn bó với rừng, mỗi dịp Tết đến, một phần chi tiêu là trông nhờ vào “lộc rừng”, nên ai cũng hăm hở”, một người dân bộc bạch.

Đi cùng lá dong là ống giang dùng để chẻ lạt gói bánh Tết. Với ống giang thì chặt từ rừng về phải bán cho ngay, vì giang yêu cầu phải tươi nguyên thì mới dễ chẻ lạt được mỏng. Nhiều người dân ở Kỳ Sơn, Tương Dương còn tận dụng thời gian nhàn rỗi, chẻ lạt bán cho khách.

Bà Lương Thị Năm ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ cho hay, do nhu cầu của khách hàng cần lạt chẻ sẵn, nên chồng bà hàng ngày dùng dao sắc bén, chọn những ống giang dài, thẳng, chẻ những sợi lạt mỏng như tờ giấy, buộc từng bó nhỏ để bán cho khách. Mỗi bó thường 30 dây lạt, bán với giá 10.000 đồng. “Những năm gần đây nhu cầu khách mua lạt chẻ sẵn ngày càng nhiều. Lấy công làm lãi, mỗi ngày bà cũng kiếm được 200.000 đồng từ chẻ lạt gói bánh bán cho khách”, bà Năm chia sẻ.

Giang dùng để chẻ lạt gói bánh chưng được bà con vùng cao lấy từ trong rừng về bán cho thương lái. Ảnh: X.Hoàng

Đào rêu mốc ít hơn các năm

Ở Kỳ Sơn, Quế Phong, những cây đào địa phương do người dân trồng đã nhiều năm tuổi “rêu mốc” mập nụ, hoa đẹp, lộc biếc được bà con mang xuống phố núi bán cho thương lái. Theo những người đàn ông của đồng bào Mông ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn) cho biết, năm nay số lượng đào đá bán Tết giảm hơn các năm, do những gia đình có vườn đào đẹp, họ không chặt bán Tết mà giữ lại để làm du lịch.

Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Toàn xã có khoảng 10 ha đào được trồng ở các bản: Mường Lống 1, Mường Lống 2, Sa Lầy, Thăm Lực… và bản Trung Tâm. Trên cơ sở những vườn đào và mơ đẹp, đã thu hút khách du lịch tham quan, vì vậy, xã cũng đã tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc và bảo vệ vườn đào đẹp để phát triển du lịch. Do đó, dịp Tết năm nay nhiều hộ dân không chặt đào để bán.

Đào đá được bà con xã Mường Lống (Kỳ Sơn) thu hoạch, vận chuyển đi bán. Ảnh: Xuân Hoàng

Cuối năm, “lộc rừng” còn kể đến sản phẩm chuối dùng Tết. Ngày Tết trong mỗi gia đình không thể thiếu nải chuối đặt cùng mâm ngũ quả trên bàn thờ. Bởi vậy, dọc các trục đường lên miền ngược, thi thoảng bắt gặp những người dân gùi buồng chuối sau lưng từ trong rừng ra.

Theo bà con cho biết, chuối được bà con trồng trong vườn nhà, dọc bờ của nương rẫy. Chuối được thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là dịp cuối năm, ngày Tết. Ngày thường bà con bán 60.000 - 70.000 đồng/buồng, nhưng ngày Tết lên giá 120.000 đồng/buồng. Thu hoạch đến đâu, được thương lái đón mua ngay tại ven đường đến đó. Có những gia đình ở xã Lưu Kiền (Tương Dương) trồng hàng trăm bụi chuối, dịp Tết thu về hàng chục triệu đồng.

Bà con xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương thu hoạch chuối bán Tết. Ảnh: Q.An

Thẳng đòng thân mét làm cây nêu ngày Tết

Ngoài ra, người dân vùng cao còn vào rừng tuyển chọn những cây mét có kích thước vừa phải, thẳng đẹp, không bị gãy ngọn để chặt làm cây nêu bán cho thương lái từ miền xuôi lên thu mua. Ông Kha Văn Hiệp ở xã Tam Đình (Tương Dương) cho hay: Mét được bà con trồng trong khu rừng dày đặc, nên đa phần cây mọc thẳng đẹp. Tuy nhiên, để có được cây nêu ưng ý, phải chọn những cây thẳng đòn, có đường kính từ 5 - 6 cm, để nguyên cả phần ngọn và lá.

"Thương lái thu mua nhiều vô kể, họ đánh cả xe ô tô trọng tải lớn lên chở về, nên gia đình phải mượn thêm 3 người trong bản để chặt cây nêu cho khách. Năm nay, giá bán 40.000 - 45.000 đồng/cây, dự kiến gia đình có nguồn thu trên 20 triệu đồng từ bán cây nêu", ông Kha Văn Hiệp chia sẻ.

Cây nêu Tết được bà con vùng cao tập kết hai bên Quốc lộ 7A, đoạn qua huyện Con Cuông. Ảnh: X.Hoàng

“Lộc rừng” cho ta mùa Xuân thêm tươi, cho đồng bào vùng cao được đón Tết vui vầy. Do vậy, những người được hưởng sản vật ấy phải biết bảo vệ rừng, biết giữ gìn từng mầm cây. Đó là cần khai thác rừng hợp lý, để rừng sinh sôi nảy nở. Nếu không có ý thức khai thác các sản vật ấy thì đến một ngày nào đó “lộc rừng” sẽ cạn kiệt.

Cây nêu Tết được thương lái thu mua với số lượng nhiều. Ảnh: X.Hoàng

Không thể thống kê mỗi năm người dân vùng cao thu lợi được bao nhiêu tiền từ hái “lộc rừng”, nhưng sẽ có hàng trăm, hàng nghìn gia đình có được cái Tết sung túc hơn, là nhờ những sản vật của rừng. Vì thế, cuối năm, ngược lên vùng cao, chúng ta bắt gặp những chuyến xe chở đầy hàng kéo nhau về xuôi. Trên những chuyến xe ấy là lá dong xanh biếc, ống giang, cành đào, và những sản vật khác mà người dân miền xuôi gọi là “đặc sản” vùng cao, gợi cho ta cảm giác xốn xang khi mùa Xuân về./.

X.Hoàng - Q.An

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/la-dong-ong-giang-dao-phai-dua-nhau-xuong-nui-post284078.html