'Lá chắn' cho cán bộ

Hiếm cuộc làm việc nào mà cả Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo TPHCM đều đề cập đến thực trạng sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức như trong cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội vào cuối tuần qua.

Điều này cho thấy vấn đề tuy không mới nhưng đã trở nên nghiêm trọng và cần có ngay giải pháp.

Thực tế, tình trạng sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ xảy ra ở hầu hết địa phương trong cả nước, chứ không riêng ở TPHCM. Có người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai. Làm xong rồi cũng không biết có sai hay không; nếu có thì cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm.

Cán bộ yếu kém sợ trách nhiệm đã đành một lẽ, song những cán bộ có năng lực tốt mà cũng sợ, không “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” thì đây là điều hết sức đáng lo ngại. Nguyên nhân có nhiều song nguyên nhân lớn nhất là quy định của pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thời gian qua chúng ta đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị và đã xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây thiệt hại cho Nhà nước, các tổ chức và cá nhân. Nhưng bên cạnh đó, nếu nhìn vào các vụ án liên quan đến cán bộ đã bị đưa ra xét xử hay bị kỷ luật, không khó để nhận ra những chỗ còn gút mắc của luật pháp. Việc nhiều cán bộ bị truy tố với tội “cố ý làm trái…” và nay là “vi phạm quy định…” vẫn là mối đe dọa rất thực với những lãnh đạo có tư tưởng và hành động đột phá, bởi đổi mới và sáng tạo có nghĩa là làm khác với khuôn khổ đã được định sẵn và đó cũng là “vi phạm quy định…”.

Hay chuyện Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu trong năm 2022, TPHCM có 584 văn bản hỏi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản, và đáng nói là hầu hết các vấn đề thuộc thẩm quyền của TPHCM. Tình huống này một mặt cho thấy tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của cán bộ; nhưng mặt khác cũng không loại trừ khả năng hệ thống các văn bản quy định hiện hành chưa đủ tường minh hoặc rắc rối, chồng chéo… đã “làm khó” cán bộ, khiến họ không dám đưa ra quyết định.

Thực tiễn của hơn 35 năm đổi mới và hội nhập cho thấy, cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Gần 60 năm trước, nếu ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, không “cố ý làm trái” thì nền nông nghiệp của Việt Nam đã không được cởi trói sớm như vậy! Bởi vậy bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ và dám làm là việc phải làm.

Thể chế hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Dự thảo nghị định này gồm 15 điều, quy định rõ nguyên tắc, điều kiện, trình tự thực hiện và cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Theo đó, khuyến khích mọi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Cán bộ có ý tưởng, cách làm mới tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì được khuyến khích và bảo vệ nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.

Cũng theo dự thảo nghị định này, trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện nhưng không đạt, hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật nếu thuộc một trong bảy tình huống.

Đó là: (1) cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự; (2) cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất; (3) cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại; (4) cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất; (5) cán bộ thực hiện đề xuất chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền; (6) cán bộ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt; (7) cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.

Rõ ràng về mặt kỹ thuật lập pháp, luật hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị không phải việc dễ dàng. Quan trọng hơn, để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ và dám làm một cách thực chất, Nhà nước phải tháo bỏ những mối lo sợ luôn đè nặng trong tâm trí họ bằng sự tường minh và không thể diễn giải khác của các quy định pháp luật. Theo đó, phải kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định trong từng lĩnh vực để vừa bịt lỗ hổng quản lý, tạo điều kiện cho phát triển, vừa để người thực hiện nhiệm vụ an tâm và phục vụ nhân dân tốt hơn. Kết luận số 14 của Bộ Chính trị chính là nền tảng tư tưởng để tiến tới sửa đổi các quy định pháp luật và cách diễn giải luật của cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ các cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng thành trì luật pháp.

Quay trở lại với TPHCM. Tới đây, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH14. Bằng việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho phép TPHCM trên nhu cầu thực của mình tự quyết định việc thí điểm cơ chế, chính sách gì để tạo ra sự phát triển đột phá mà không nhất thiết phải xin phép Trung ương cho từng trường hợp cụ thể – đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời và là cách thiết thực nhất để thể chế hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/la-chan-cho-can-bo/