Kỳ vọng về sự phát triển trong năm mới 2024

Trước thềm năm mới 2024, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn Đồng Nai gửi gắm kỳ vọng cho một năm mới vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, tạo được đột phá trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số. Đồng thời, công tác an sinh xã hội vẫn được quan tâm và đảm bảo; thị trường lao động sôi động trở lại, có nhiều việc làm hơn cho người lao động…

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bùi Thị Bích Thủy (thứ 5 từ phải sang) tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở H.Trảng Bom. Ảnh: N.Hòa

Giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ THU HIỀN:

Bảo đảm an sinh xã hội và ổn định thị trường lao động

Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi tình hình suy giảm của kinh tế thế giới nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ngưng hoặc tạm dừng sản xuất, dẫn đến không ít người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống và có nhu cầu tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Do đó, trong năm 2024, Sở LĐ-TBXH sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả; đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho người lao động mất việc. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động: tư vấn, dạy nghề chuyển đổi việc làm, giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, tay nghề; tham gia giải quyết các tranh chấp lao động; tiếp tục hỗ trợ lao động mất việc.

Hy vọng trong năm 2024, thị trường lao động sẽ khởi sắc hơn và nhiều người lao động có việc làm, ổn định cuộc sống.

Riêng hoạt động an sinh xã hội, chăm sóc người có công, gia đình chính sách, đối tượng người nghèo, người dễ bị tổn thương, đối tượng bảo trợ xã hội… cũng sẽ được ngành tiếp tục quan tâm thực hiện theo đúng quy định.

Phó giám đốc Sở TT-TT VÕ HOÀNG KHAI:

Đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai trở thành đô thị thông minh và nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đến nay Đồng Nai đã cơ bản hoàn chỉnh môi trường pháp lý, chính sách trong việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bản tỉnh, cũng như hoàn thiện các định hướng về phát triển dữ liệu của tỉnh; củng cố nguồn nhân lực triển khai chuyển đổi số; hoàn thiện cơ bản các hệ thống dùng chung phục vụ nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử…

Trong đó, tỉnh tập trung hoàn thiện và ban hành các chính sách về chuyển đổi số như: Định mức đơn giá về lĩnh vực ngành; chính sách hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng, cán bộ chuyên trách làm công tác chuyển đổi, an toàn thông tin của tỉnh; chính sách phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh… Tập trung hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, cổng dữ liệu mở tích hợp vào nền tảng phân tích, tổng hợp dữ liệu nhằm phục vụ thử nghiệm chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương trên môi trường số.

Hy vọng năm 2024, công tác chuyển đổi số tiếp tục hoàn thiện các hạng mục để phục vụ người dân, phục vụ xã hội hiệu quả nhất.

Phó giám đốc Sở GT-VT NGUYỄN BÔN:

Tăng cường kết nối giao thông với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Đồng Nai xác định dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) đóng vai trò trung tâm trong kết nối, giao thương nên vấn đề kết nối giao thông cho người dân ra - vào sây bay cũng như các khu công nghiệp được thuận lợi luôn được cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm.

Vừa qua, tỉnh đã quy hoạch, xây dựng một số tuyến đường kết nối từ đường 25C vào sân bay Long Thành qua H.Long Thành và H.Nhơn Trạch. Sắp tới, nếu cầu Cát Lái được hình thành, trong tương lai sẽ càng làm tăng sự kết nối giữa TP.HCM vào sân bay Long Thành cũng như góp phần giảm tải lưu lượng cho tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hiện nay, Đồng Nai cùng TP.HCM và tỉnh Bình Dương đang triển khai dự án Đường vành đai 3 kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với nhau. Khi tuyến đường này hoàn thành, việc đi lại giữa 3 tỉnh, thành trọng điểm phía Nam sẽ thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Ông VÕ THÀNH PHONG, nông dân xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất):

Quan tâm đến đầu ra cho nông sản

Tìm đầu ra cho nông sản để tránh tình trạng được mùa, mất giá đối với sản phẩm nông nghiệp luôn là nỗi lo của người nông dân. Ở Đồng Nai năm qua, nhìn chung tình hình thời tiết thuận lợi nên sản lượng cây trồng tại địa phương khá cao, nhất là các loại cây ăn trái đang được trồng nhiều như: bưởi, chôm chôm, sầu riêng… Thế nhưng, giá bán các loại trái cây vẫn không cao.

Mới nhất là vụ thu hoạch bưởi, nhiều nông dân ở H.Thống Nhất phải bán lỗ vốn, thương lái vào mua với giá 5 ngàn đồng/kg, chỉ bằng ½ chi phí đầu tư. Trước đó, giá thanh long cũng chạm đáy, giá bán không đủ trả tiền công thu hoạch, chi phí đầu tư coi như mất trắng.

Nhìn ra ngoài tỉnh, các chủ vườn cam ở miền Tây Nam bộ cũng lao đao vì cam không có đầu ra… Trong khi sản phẩm nông nghiệp đầu ra còn bấp bênh mà giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu nhích lên từng ngày nên ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.

Chỉ mong trong năm mới, người nông dân sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ cơ quan chức năng và các cấp chính quyền về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cũng như có những chính sách phù hợp với đặc thù của từng vùng miền để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. Bên cạnh các biện pháp kéo giảm giá thành vật tư sản xuất nông nghiệp để nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, Nhà nước cần có chính sách ổn định thị trường giá cả, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường để tránh tình trạng sản phẩm nông nghiệp bị ùn ứ, giá cả không ổn định…

Chị HỒNG THỊ THẮNG (dân tộc Chơro, ở xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu):

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Thời cha ông tôi trước đây thì nghèo, chỉ lên rừng hái rau củ, nuôi con heo, con gà, làm lúa nên đời sống khó khăn. Sau này, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc như: chuyên canh trồng lúa, bắp, hồ tiêu, cà phê; chăn nuôi gà, dê, bò, heo mọi... giá trị kinh tế cao. Trong đó có tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, Nhà nước cũng đầu tư làm đường, xây trường học, trạm y tế; đầu tư hệ thống điện thắp sáng, nước sạch… nên người dân được chăm sóc sức khỏe, con em đồng bào được học lên đại học, làm việc ở các công ty, thu nhập tốt. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho phụ nữ và giúp các gia đình nghèo phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nhằm tăng thêm thu nhập, giảm và thoát nghèo. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và mong tiếp tục có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đầu tư, phát triển kinh tế gia đình.

Phương Liễu - Đăng Tùng - Kim Liễu (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/ky-vong-ve-su-phat-trien-trong-nam-moi-2024-fd14db4/