Kỳ vọng những quyết sách khơi dậy nội lực doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nhân đã trải qua một năm đầy khó khăn và tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức hơn nữa ở phía trước. Trao đổi với KTSG Online nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), kỳ vọng việc thực thi những chính sách mới sẽ khơi dậy nội lực, giúp doanh nghiệp có một năm tươi sáng hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA)

KTSG Online: Nhìn lại năm 2023, ông đánh giá thế nào về hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành viên HUBA nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp TPHCM nói chung?

Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Cũng như doanh nghiệp cả nước, cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã trải qua một năm hết sức gian nan và đã rất cố gắng xoay xở để tồn tại nhằm “giữ quân” và tìm cơ hội mới.

Có thể thấy, dù đầu năm 2023 thị trường có những tín hiệu khởi sắc và Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp doanh nghiệp khởi động trở lại sau bệnh nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế thế giới tiếp tục biến động, môi trường quốc tế kém thuận lợi.

Trong đó, nhu cầu của các nước nhập khẩu sụt giảm nhiều đã tác động trực tiếp đến sản xuất công nghiệp trong nước. Đơn hàng sản xuất của hầu hết doanh nghiệp từ các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy hải sản đến những sản phẩm công nghệ như điện thoại, điện tử… đều sụt giảm, hàng hóa tồn kho tăng.

Tuy vậy, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, nhất là xuất khẩu sản phẩm nông sản như gạo và loại trái cây Việt Nam tăng trưởng cao. Đặc biệt, việc giải ngân vốn đầu tư công tăng cao so với năm 2022 được xem là cứu cánh cho doanh nghiệp.

Ông nhìn nhận thế nào về những quyết sách và hành động của chính quyền TPHCM trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong năm qua? Tình hình doanh nghiệp hiện nay thế nào?

Trong năm vừa qua, TPHCM đã nỗ lực tập trung giải quyết các công việc tồn đọng theo thẩm quyền. Tuy nhiên, tiến độ một vài công việc còn chậm.

Cụ thể, tình hình giải ngân vốn đầu tư công dù cao hơn cùng kỳ năm 2022 về giá trị tuyệt đối nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng. Công tác cải cách hành chính được quan tâm triển khai đồng bộ và có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn chậm được tháo gỡ. Những khó khăn, tồn đọng trong hoàn thuế xuất khẩu, thủ tục đất đai, giá đất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thu nhập của người lao động giảm, nhiều người thậm chí bị thất nghiệp do ảnh hưởng từ khó khăn chung của doanh nghiệp. Tình hình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn nhiều khó khăn.

Một góc đô thị TPHCM. Ảnh: L. Hoàng

Với cộng đồng doanh nghiệp, thực tế cho thấy, tình hình thế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, một số thị trường chậm cải thiện. Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Đặc biệt, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn nhiều do những khó khăn kéo dài từ Covid-19 cùng với thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay.

Với doanh nghiệp, nguồn vốn là vấn đề cực kỳ quan trọng, vậy chính sách tín dụng trong thời gian qua có giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tìm vốn hay không?

Thời gian qua, Ngân hàng Trung ương đã có những chỉ đạo rất tích cực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân.Trong đó, có việc liên tục giảm lãi suất cho vay, tăng dòng vốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà với việc vay vốn.

Điều này chứng tỏ, vốn không thể hấp thu được, doanh nghiệp không có nhu cầu, không mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, tâm trạng hồ hởi, hăng hái bung ra để làm ăn là chưa có. Hầu hết doanh nghiệp phản ánh là chưa biết vay tiền để làm gì, mở rộng sản xuất như thế nào và chưa thấy gì sáng sủa.

Nhưng các báo cáo gần đây của một số tổ chức lại cho thấy đơn hàng xuất khẩu đang quay trở lại?

Qua khảo sát nhanh, nhiều doanh nghiệp cho biết đã có dấu hiệu khởi sắc về xuất khẩu. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này nằm chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, mặt hàng thiết yếu và các đơn hàng chỉ mang tính ngắn hạn cho các dịp lễ, tết và là hàng tiêu dùng thường xuyên. Với các hàng tiêu dùng dài hạn như đồ gỗ, nội thất… nhu cầu chưa trở lại như trước.

Sản xuất của một doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Ảnh minh họa: TL

Với thị trường nội địa, dù thì trường TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã có chuyển biến sau hàng loạt chính sách giảm thuế, kích cầu, khuyến mãi nhưng chưa bền vững, dễ khựng lại.

Tôi cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông, doanh nghiệp cần cải thiện điều gì để phát triển?

Tôi cho rằng, trong năm nay, những thị trường truyền thống xuất khẩu vẫn còn yếu. Do đó, doanh nghiệp cần mở rộng thêm ở các thị trường khác như thị trường ngách ở khu vực Nam Mỹ, Trung Đông hay thị trường đông dân Ấn Độ để bù đắp.

Với nông nghiệp, cần tiếp tục phát huy thế mạnh của những mặt hàng nông sản đã được “lên ngôi” của năm 2023. Doanh nghiệp không nên chủ quan mà cần phải đi vào chiều sâu như quy hoạch vùng trồng, phát triển bền vững và không phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn. Vấn đề sản xuất chế biến sâu của ngành cũng cần đặc biệt chú ý để nâng cao giá trị.

Doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội thị trường yếu lúc này để đầu tư máy móc và công nghệ với chi phí thấp nhằm chuyển dịch cơ cấu theo hướng “xanh hóa” vốn trở thành tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của một số thị trường nhập khẩu. Để làm được điều này, doanh nghiệp rất cần Nhà nước đưa ra các chính sách, chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đón đầu khi thị trường phục hồi.

Với thị trường bất động sản, nhà đầu tư nên chọn lọc lại phân khúc đầu tư, chú ý phát triển nhà ở thương mại cho tầng lớp trung lưu, đặc biệt là nhà ở xã hội với nhu cầu khá lớn. Với phân khúc đầu tư này, cần “chính sách kép” hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục đầu tư nhanh chóng và nguồn vốn. Người mua nhà phân khúc này cũng cần được vay với lãi suất mềm, thời gian góp vốn kéo dài.

Doanh nghiệp có đề xuất hay kỳ vọng khác về chính sách để phát triển?

Tôi cho rằng Nghị quyết 98/2023/QH15 (NQ98), được Quốc hội thông qua đã gỡ được những điểm nghẽn về thể chế cho TPHCM, giúp thúc đẩy thành phố phát triển bền vững, toàn diện và xứng tầm.

Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng NQ98 sớm đi vào cuộc sống. Chỉ cần thực thi và làm tốt theo NQ98 cũng như những chính sách đã đề ra đã tốt, không cần để xuất thêm các chính sách khác.

Xin cảm ơn ông!

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ky-vong-nhung-quyet-sach-khoi-day-noi-luc-doanh-nghiep/