Kỳ vọng những cây cầu đậm bản sắc TP HCM

Cầu Thủ Thiêm 4, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn là 2 trong nhiều công trình không chỉ mang tính biểu tượng mà còn thể hiện tầm nhìn về phát triển du lịch, văn hóa... của TP HCM

Thông tin về 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn với kiến trúc độc đáo, mới mẻ đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.

Điểm nhấn cho TP HCM

Cầu Thủ Thiêm 4 là công trình nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu đô thị Nam thành phố. Sau thời gian nghiên cứu, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình Hội đồng Thẩm định TP HCM, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo đó, cầu Thủ Thiêm 4 dài 2,16 km, tổng mức đầu tư 6.030 tỉ đồng, dự kiến xây dựng từ năm 2025 đến 2028. Điểm độc đáo của công trình này là nhịp chính có thể nâng, hạ với độ tĩnh không thông thuyền lớn, chưa từng có tại Việt Nam.

Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, nhận định với phương án thiết kế độc đáo, cầu Thủ Thiêm 4 tương tự mô hình cầu Jacques Chaban-Delmas ở thành phố cảng Bordeaux - Pháp. Khi hoạt động bình thường, cầu có tĩnh không 15 m; lúc tàu lớn đi qua, nhịp chính sẽ nâng lên với tĩnh không đến 45 m nên tạo điều kiện cho các tàu cỡ lớn, tàu du lịch ra vào thuận tiện.

Cầu Thủ Thiêm 4 không chỉ tạo điểm nhấn đặc biệt cho sông Sài Gòn và khu trung tâm mà còn giúp phát triển du lịch, một thế mạnh của TP HCM, khi tàu lớn, tàu quốc tế có thể cập cảng Nhà Rồng. Song song đó, công trình còn làm gia tăng hiệu quả kinh tế và mang lại các tiện ích, phúc lợi cho cộng đồng xã hội, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đi dạo trên mặt sông thơ mộng

Cùng với cầu Thủ Thiêm 4, mới đây, TP HCM nhận tin vui khi Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood ký biên bản thỏa thuận với Sở GTVT tài trợ kinh phí 1.000 tỉ đồng để xây dựng công trình cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn.

Đây là công trình có ý nghĩa cộng đồng cao, khu vực xây cầu gắn với nhiều di tích lịch sử - văn hóa của TP HCM. Vị trí cầu này nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Ở phía quận 1, đầu cầu nằm tại Công viên Cảng Bạch Đằng, gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía Thủ Thiêm, chân cầu đặt tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía Nam quảng trường trung tâm của khu đô thị.

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn

Cầu đi bộ dài 500 m, thiết kế hình lá dừa nước, gân lá dừa làm bằng nhôm, màu xanh lá có độ đậm nhạt thay đổi từ chân đến ngọn lá. Thác nước tuần hoàn được bố trí trên cầu tạo sự mềm mại, mát mẻ. Ngoài ra, mảng xanh cùng các tiện ích như ghế ngồi, điểm dừng chân nghỉ mát để người dân đến vui chơi, giải trí cũng được tính toán. Ban đêm, cầu được chiếu sáng mỹ thuật, hứa hẹn là nơi vui chơi, giải trí, tổ chức lễ hội, sự kiện cho người dân thành phố.

Mời gọi du khách

Khi được hỏi về đề xuất xây dựng những cây cầu có thiết kế độc đáo bắc qua sông Sài Gòn, không ít người dân TP HCM đã bày tỏ niềm tự hào.

Ông Trần Văn Sanh (70 tuổi, ngụ quận 1), cho biết trung tâm TP HCM lâu nay là điểm đến thú vị của du khách trong và ngoài nước. Nơi đây không chỉ thân thiện, cởi mở mà còn có những công trình kiến trúc độc đáo như Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên bến Bạch Đằng...

"Hiếm có nơi nào mà trung tâm thành phố gắn liền với dòng sông đẹp và thơ mộng như TP HCM. Việc thành phố đề xuất xây những cây cầu có kiến trúc thú vị không chỉ tạo điểm nhấn, biểu tượng mới mà còn góp phần mời gọi du khách đến tham quan. Đây là ý tưởng mới lạ, thể hiện tính năng động, sáng tạo" - ông Sanh nhận xét.

Là doanh nghiệp tâm huyết với du lịch đường thủy, ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn, chia sẻ niềm vui khi thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng hạ với tĩnh không thông thuyền đến 45 m.

Theo ông, 90% khách du lịch khi đi Vũng Tàu đều đến TP HCM. Do đó, tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 lên tới 45 m sẽ tạo thuận lợi cho tàu lớn cập cảng, tạo điều kiện phát triển du lịch thủy, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.

Cho rằng các sở, ngành chuyên môn đã rất chuyên nghiệp, cầu thị khi tổ chức ý tưởng thiết kế các cây cầu Thủ Thiêm 4, cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, KTS Huỳnh Xuân Thụ gợi ý để các công trình này khi đưa vào xây dựng thực sự trở thành điểm nhấn kiến trúc, có bản sắc riêng, TP HCM nên tổ chức triển lãm phối cảnh, phương án thiết kế. Ngoài ra, cần có sự so sánh với các công trình tương tự trên thế giới để chuyên gia, người dân góp ý, bổ sung, hoàn thiện phương án thiết kế.

"Đây là những công trình có ý nghĩa rất lớn, do đó cần có bản sắc riêng" - KTS Huỳnh Xuân Thụ nhấn mạnh.

Hướng đến thế mạnh du lịch tàu biển

TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP HCM - nhận định cảng Sài Gòn từng là thương cảng quốc tế sầm uất thì nên chuyển thành một trung tâm dịch vụ tàu biển quốc tế.

Theo ông Trần Du Lịch, TP HCM cần tận dụng vị trí cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới.

Làm được như vậy, trong tương lai, TP HCM sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế với thế mạnh là du lịch tàu biển. Do đó, phương án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không thông thuyền cao rất quan trọng, nhằm góp phần phát triển cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-vong-nhung-cay-cau-dam-ban-sac-tp-hcm-196231214221245331.htm