Kỳ vọng kinh tế Thủ đô bứt phá trong những tháng cuối năm

Trong 9 tháng năm 2023, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng khá, với xu hướng cải thiện qua từng quý với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội ước tăng 6,08%. Đó là bước đệm quan trọng để Thành phố hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Kinh tế Thủ đô tăng trưởng 6,08% trong 9 tháng

Số liệu từ Cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn về đầu ra, thị trường xuất khẩu bị hạn chế nhưng kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng khá, với xu hướng cải thiện qua từng quý.

Thực tế trên cho thấy, diễn biến kinh tế đang từng bước phục hồi rõ nét hơn, chuyển biến theo đà tăng tiến sau mỗi quý và thể hiện sức vươn của Thành phố.

Tính trong 9 tháng của năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,93%; quý III tăng 6,49%). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra, thị trường xuất khẩu, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên với xu hướng cải thiện qua từng quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Trong 9 tháng năm 2023, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên với xu hướng cải thiện qua từng quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Trong 9 tháng năm 2023, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên với xu hướng cải thiện qua từng quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Trong 9 tháng năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 15%. Cộng dồn 9 tháng năm 2023, Hà Nội có 22,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 226,9 nghìn tỷ đồng…

Về đầu tư phát triển, trong quý III/2023, Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm. Tính chung 9 tháng năm nay, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 4,6%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 2,5 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính chung 9 tháng năm 2023, toàn Thành phố thu hút 2.526 triệu USD vốn FDI. Trong đó, đăng ký cấp mới 305 dự án với số vốn đạt 270 triệu USD; 130 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 215 triệu USD; 252 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.041 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).

Sang quý III/2023, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, Thành phố tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Năm 2023, Thành phố Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông với 96 dự án, chiếm 53,1% kế hoạch vốn. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố đang nỗ lực tập trung thi công khẩn trương, đảm bảo hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đặt ra như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với tổng mức đầu tư 8.113 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình (tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng)...

Điểm đáng chú ý đó là trong tháng 9, du lịch Thủ đô đã đón được 1,65 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 7,76 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng, ngành du lịch Thủ đô đã đón được 18,9 triệu lượt du khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách du lịch nội địa ước đạt 15,7 triệu lượt, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.

Về giải pháp thu hút khách du lịch từ nay đến cuối năm khi Hà Nội vào mùa cao điểm đón khách quốc tế, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đang triển khai kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội gắn với sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực tại khu vực Hoàn Kiếm. Tháng 10 và tháng 11, Sở Du lịch sẽ tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023, Festival Áo dài du lịch Hà Nội 2023; chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí Hà Nội và chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch sinh thái Hà Nội.

Bên cạnh hoạt động quảng bá, Sở Du lịch đang phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm như: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm, khu vực Ba Vì… Đồng thời cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng nội khu, hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng dịch vụ tại các bến cảng đường thủy phục vụ phát triển các tuyến du lịch đường thủy gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, nông nghiệp, du lịch trải nghiệm.

Tạo đà bứt phá

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 9 tháng qua kinh tế Thành phố cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như tốc độ tăng trưởng chậm so với kế hoạch; sản xuất công nghiệp, xây dựng chững lại; xuất, nhập khẩu giảm so cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư đạt thấp; tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng.

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo phía trước còn vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng với nền tảng là truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng cách mạng được hun đúc qua nhiều thế hệ, Hà Nội đã chủ động nắm bắt thời cơ, khơi dậy mọi nguồn lực để hiện thực hóa ý chí và khát vọng vươn lên.

Thành phố Hà Nội quán triệt, thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”. Để xây dựng, hoàn thành cơ chế, chính sách định hướng phát triển Thủ đô, Thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô; Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.

Những tháng cuối năm, Thành phố sẽ huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.

Quan tâm thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp; dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích lịch sử. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đó là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo của Thủ đô.

Một nhiệm vụ rất quan trọng đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công. Tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2023 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND- UBND Thành phố với lãnh đạo quận, huyện, thị xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã đề nghị các cấp, các ngành của Thành phố tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 2023 của cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như xem xét, đánh giá người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan có những khuyết điểm, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Có thể nói, nhiệm vụ những tháng cuối năm rất nặng nề. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ, căn cơ và với quyết tâm rất cao của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, người dân, kỳ vọng rằng Hà Nội sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-vong-kinh-te-thu-do-but-pha-trong-nhung-thang-cuoi-nam-160950.html