Kỳ vọng đầu tư công là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giúp giải phóng nguồn lực, tạo tác động lan tỏa tới các ngành xây dựng, giao thông-vận tải...

Nhà thầu tham gia thi công đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, dự báo những tháng cuối năm 2023 tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều diễn biến khó lường.

Nhiều rủi ro và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong cả năm 2023 với mục tiêu GDP đạt mức 6,5% sẽ gặp nhiều thách thức; trong đó, đặc biệt là đầu tư đang được kỳ vọng lớn, giúp cải thiện tình hình và thúc đẩy tăng trưởng.

Đánh giá những yếu tố tích cực đối với tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giúp giải phóng nguồn lực, tạo tác động lan tỏa đến các ngành như xây dựng, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng...

Từ nay tới cuối năm, Chính phủ sẽ ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh chóng đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh tiến độ đầu tư công giúp tổng cầu của nền kinh tế tăng lên. Nhờ đó, kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn để sản xuất và nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu đầu tư; giải quyết các vấn đề cốt lõi về giải phóng mặt bằng, xác định mức bồi thường phù hợp với giá trị thực tế, xác định chính xác tổng mức đền bù của dự án và rà soát, quản lý việc sử dụng đất đai.

Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần thực hiện tốt hơn việc công khai danh mục đầu tư, thúc đẩy mạnh và hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư-thương mại, cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa và giảm các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, khuyến khích xã hội hóa.

Đồng thời, thực hiện chính sách giảm thuế, tăng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước, tiếp dục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa cả doanh nghiệp Nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm giải ngân ít nhất 95% trong tổng số 711.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm. Mục tiêu đó sẽ khả thi nếu xử lý rốt ráo nhưng rào cản cơ bản, như đồng bộ hóa các quy định pháp lý liên quan tới Luật Đầu tư Công và các luật khác, khắc phục tình trạng lúng túng, vướng mắc khi triển khai đối với các chủ đầu tư dự án, các cơ uan quản lý dự án đầu tư công cũng như các đơn vị quản lý tài chính dự án đầu tư công.

Đơn giản hóa các quy trình, thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin-cho, hợp thức hóa...mà chưa dành quyền chủ động cho nhà đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; cũng như cần phân định rách ròi quyền và trách nhiệm của cá nhân, của tập thể đối với từng công trình, dự án.

Vấn đề giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động mạnh cũng khiến cho nhiều nhà đầu đề nghỉ điều chỉnh giá so với giá đã trúng thầu, dẫn tới sự chậm trễ trong phê duyệt, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Cải thiện quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu hay rút gọn quy trình đấu thầu để tránh tình trạng dự án kéo dài, đội vốn tốn kém thời gian, tài chính khi triển khai.

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, có một số dự án đầu tư công chậm giải ngân vốn do chậm giải phóng mặt bằng, xây dựng dự toán không đúng quy định và thiếu căn cứ quy hoạch. Hay ý thức trách nhiệm, quyết tâm không cao ở một bộ phận cán bộ công chức có liên quan tại không ít địa phương. Từ đó, dẫn tới tình trạng né tránh, đùn đẩy, thậm chí đổ tội cho cấp dưới hay điều kiện khách quan.

Chuyên gia bày tỏ kỳ vọng với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của Chính phủ và sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức chắc chắn sẽ khắc phục được những hạn chế nêu trên và kế hoạch đầu tư công của năm 2023 chắc chắn sẽ đạt tiến độ đề ra.

Chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng FAST500, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho hay năm 2023 là một năm nhiều khó khăn nhưng cũng có những cơ hội đối với doanh nghiệp ngành xây dựng. Đầu tư công được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành xây dựng nói riêng.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng trưởng ở mức 20-25% so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị này đánh giá cao triển vọng phát triển hạ tầng trong những năm tới khi các vấn đề thiếu hụt về nguồn cung đá, cát, giá vật liệu xây dựng tăng cao hầu như đã được giải quyết và bình ổn trong năm nay

Thêm vào đó, 12 gói thầu đầu tiên tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn II đã chính thức được khởi công. Như vậy, có thể kỳ vọng vào tương lai tươi sáng hơn đối với nhóm xây dựng hạ tầng trong năm 2023 khi Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công trọng điểm để kéo cả nền kinh tế tăng trưởng.

Theo ông Vinh, trong những tháng cuối năm 2023, giá thép có thể có xu hướng ổn định do nguồn cung đã đuợc đáp ứng nhờ vào việc các nhà máy thép sẽ tăng năng lực sản xuất để có thể phục vụ nhu cầu sử dụng.

Các sàn chứng khoán cũng đang dự đoán rằng giá thép năm 2023-2024 sẽ giảm xuống mức 14,5 - 15,2 triệu đồng/tấn, giàm 8% so voi năm 2022. Giá vật liệu đi xuống kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Với những căn cứ đã được liệt kê, có thể cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai các dự án cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy nhanh và mạnh mẽ; đặc biệt trong những tháng cuối năm nay. Điều này, sẽ đưa nền kinh tế tiệm cận tới mục tiêu tăng trưởng và hỗ trợ to lớn để tạo đà cho nền kinh tế đất nước có bước tiến xa hơn trong năm tới./.

Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ky-vong-dau-tu-cong-la-yeu-to-thuc-day-tang-truong-kinh-te/903686.vnp