Kỳ vọng chấm dứt bế tắc, hướng tới hòa bình và thịnh vượng

Chiều 3.7, Hạ viện Thái Lan bắt đầu phiên khai mạc tại Bangkok dưới sự chủ trì của Nhà Vua Maha Vajiralongkorn, tròn 50 ngày sau khi kết quả bầu cử được công bố. Nhiều nhà phân tích từng lo ngại, sự chậm trễ trong việc thành lập Chính phủ có thể dẫn đến những tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với nền kinh tế đất nước. Sự thiếu chắc chắn của các thị trường tài chính khiến nhiều quỹ nước ngoài bán phá giá cổ phiếu lẫn trái phiếu kể từ tháng 5 và đầu tư nước ngoài vào Thái Lan giảm.

Bầu các nhân sự cấp cao

Theo kế hoạch, Hạ viện Thái Lan sẽ bầu ra Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch vào ngày 4.7. Chủ tịch mới sau đó sẽ ấn định thời điểm bỏ phiếu chọn Thủ tướng, dự kiến vào 13.7. Điều này được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc trong việc thành lập Chính phủ. Vì thế, mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào các sự kiện đang diễn ra tại Quốc hội, hy vọng về một con đường hòa bình và thịnh vượng phía trước.

Một góc tòa nhà Quốc hội Thái Lan tại Bangkok. Nguồn: Getty images

Một góc tòa nhà Quốc hội Thái Lan tại Bangkok. Nguồn: Getty images

Thực vậy, sự kiện quan trọng đầu tiên sau khi Quốc hội khai mạc là bầu Chủ tịch Hạ viện. Đây từng điểm gây tranh cãi giữa đảng Tiến bước và đảng Pheu Thai. Trước đó, Pheu Thai kêu gọi đảng Tiến bước chia sẻ quyền lực bằng cách cho phép họ nắm ghế Chủ tịch Hạ viện, trong khi đảng Tiến bước tuyên bố vị trí Thủ tướng. Chủ tịch Hạ viện, cùng với hai Phó Chủ tịch, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các ưu tiên lập pháp và duy trì trật tự trong các phiên họp. Ngoài ra, nhân vật cấp cao của cơ quan lập pháp này cũng chính là người kiểm soát số lần bỏ phiếu Thủ tướng có thể được lặp lại nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số trong vòng đầu tiên. Điều đó có tầm quan trọng thiết yếu đối với nhà lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat, người từng tốt nghiệp tại đại học Havard.

Sau khi bầu xong lãnh đạo Hạ viện, cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng sẽ được tiếp diễn. Mỗi đảng được phép đề cử các ứng cử viên từ danh sách đã nộp cho Ủy ban Bầu cử vào tháng Tư. Đảng Tiến bước chỉ đề cử ông Pita, trong khi đảng Pheu Thai chọn không đưa ra người thách thức ông Pita trong số ba ứng cử viên của mình là bà Paetongtarn Shinawatra - con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, ông trùm bất động sản Srettha Thavisin và cựu Tổng chưởng lý Chaikasem Nitisiri. Các đảng bảo thủ dự kiến sẽ đề cử Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul và Tướng Prawit Wongsuwan.

Trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 14.5, đảng Tiến bước giành tổng cộng 151 ghế, đảng Pheu Thai được 141 ghế. Hai đảng này đã cùng 6 đảng khác thành lập liên minh gồm 312 ghế. Liên minh trên cần thêm ít nhất 64 phiếu ủng hộ của thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ từ các đảng khác để thành lập Chính phủ mới tại Thái Lan, đồng thời đưa ông Pita Limjaroenrat trở thành Thủ tướng. Theo Mục 159 và 272 của Hiến pháp năm 2017, một ứng viên muốn trở thành Thủ tướng Thái Lan cần giành được hơn 50% phiếu bầu từ Quốc hội, gồm 500 thành viên Hạ viện, 250 thành viên Thượng viện. Nghĩa là, ông Pita cần giành ít nhất 376 phiếu ủng hộ để đắc cử vị trí Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.

Tuần trước, ông Pita phát biểu, bản thân tự tin sẽ giành được đủ ủng hộ cần thiết để trở thành lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi về triển vọng này, bởi hầu hết nghị sĩ bảo thủ đều do dự trong việc ủng hộ các chính sách đặc trưng đầy tham vọng gồm 23 điểm của ông, chẳng hạn như thay thế chế độ nghĩa vụ quân sự bằng tòng quân tự nguyện và sửa đổi luật khi quân. Thực tế, đảng Tiến bước phản đối Mục 112 của Bộ luật Hình sự Thái Lan, có nội dung trừng phạt những người chỉ trích Nhà Vua và các nhân vật Hoàng gia hàng đầu khác lên tới 15 năm tù, coi nó được sử dụng như công cụ chính trị chống lại những người đối lập với chính phủ hiện tại. Vì lẽ đó, rất nhiều thượng nghị sỹ thuộc phe bảo hoàng và ủng hộ quân đội - những người chiếm đa số trong Thượng viện Thái Lan, phản đối ra mặt.

Thậm chí, ngay trước khi Quốc hội nhóm họp, Chủ tịch đảng Pheu Thai Cholnan Srikaew còn cho biết, liên minh cầm quyền tiềm năng gồm 8 đảng cần chuẩn bị cho khả năng các đảng trong liên minh cầm quyền hiện nay tìm cách thành lập Chính phủ thiểu số sau bầu cử. Cảnh báo của ông Cholnan được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch đảng Tiến bước Pita - ứng cử viên Thủ tướng của liên minh cầm quyền tiềm năng, có thể sẽ không giành đủ số phiếu bầu cần thiết để trở thành Thủ tướng.

Kinh tế sẽ là ưu tiên quan trọng đối với Chính phủ mới

Chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 của đảng Tiến bước từng khiến các đảng bảo thủ và ủng hộ quân đội bị lung lay vì họ rõ ràng đã bị cử tri từ chối. Bất chấp nhiều nỗ lực khác nhau để phản đối kết quả bầu cử, chiến thắng của đảng Tiến bước đã được xác thực, để lại những lựa chọn hạn chế cho phe bảo thủ. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp diễn, có thể dẫn đến các cuộc biểu tình, vốn có thể làm trầm trọng thêm triển vọng kinh tế của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy thoái.

Chỉ số chứng khoán chuẩn của Thái Lan có thành tích tệ nhất ở châu Á trong năm nay với việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3,1 tỷ USD kể từ cuối năm 2022, nhiều nhất trong số các thị trường mới nổi của châu lục. Đồng baht là đồng tiền mất giá lớn thứ hai ở Đông Nam Á kể từ cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan diễn ra vào tháng 5. Tháng trước, ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết hầu hết các doanh nghiệp trong nước đã tạm thời đóng băng các quyết định đầu tư mới cho đến khi có hướng dẫn rõ ràng hơn từ Chính phủ mới và do xuất khẩu vẫn yếu.

Thái Lan, nổi tiếng là thị trường sôi động và có ngành du lịch phát triển, chủ yếu dựa vào môi trường chính trị ổn định để thu hút du khách lẫn kích thích tăng trưởng kinh tế. Do đó, quá trình thành lập Chính phủ và các quyết định tiếp theo được đưa ra sẽ định hình hướng đi trong tương lai của quốc gia và khả năng phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19. Thực tế, đất nước chùa vàng đang trên đà phục hồi ổn định sau nhiều năm ngừng hoạt động liên quan đến đại dịch. Theo Reuters, sự quay trở lại của khách du lịch, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã củng cố triển vọng ngành du lịch - huyết mạch của nền kinh tế. Lượng khách đến dự kiến sẽ đạt mức cao hơn dự kiến 28,5 triệu trong năm nay, bằng 84% so với mức trước đại dịch năm 2019.

Quốc gia Đông Nam Á này đang sẵn sàng cho mức tăng trưởng GDP 3,9% trong năm nay, thay vì mức dự đoán 3,6% trước đó, bước nhảy vọt so với mức tăng trưởng 2,6% của năm ngoái. Tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 3,6% vào năm 2024 và 3,4% vào năm 2025. Xứ sở chùa vàng cũng được bảo vệ khỏi áp lực lạm phát vẫn tồn tại ở Mỹ và châu Âu, với lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% trong năm nay.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/ky-vong-cham-dut-be-tac-huong-toi-hoa-binh-va-thinh-vuong-i334833/