Kỳ vọng bứt phá từ 'tam giác' kinh tế

Quảng Trị là cửa ngõ quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối các nước ASEAN thuộc khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng bằng các trục giao thông quan trọng thông qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Lợi thế trong giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước và quốc tế trên các hoạt động thương mại là rất rõ ràng nhưng lâu nay lợi thế này chưa phát huy hiệu quả. Làm thế nào để khai thác tiềm năng này? Câu trả lời có thể từ 'tam giác' kinh tế mà Quảng Trị đã vạch ra và đang nỗ lực để sớm trở thành hiện thực.

Tiềm năng phát triển logistics

EWEC được xác định là một trong những tuyến hành lang chính trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quảng Trị được coi là điểm đầu cầu về phía Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế này, và là giao điểm giao thông huyết mạch giữa 2 miền Bắc-Nam. Trong đó, có tuyến đường xuyên Á nối các nước Myanmar, Thái Lan, Lào đi qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các tỉnh miền Trung Việt Nam một cách thuận lợi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến (thứ 3, từ trái sang) cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành kiểm tra hiện trường tuyến Quốc lộ 15D - Ảnh: L.T

Ngoài ra, địa phương có nhiều tiềm năng khi nằm ở vị trí chiến lược trên hành lang kinh tế theo trục ngang Đông - Tây đi qua tuyến Quốc lộ 9 thông qua Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam), Salavan (Lào) và Ubon Ratchathani (Thái Lan) mang tên PARA EWEC có chiều dài hơn 420 km. Tuyến hành lang này kết nối ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Thêm nữa, qua địa phận Quảng Trị còn có các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, đường sắt Bắc-Nam, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và Tây, cao tốc Bắc-Nam, Quốc lộ 9 gắn với đường xuyên Á... giúp địa phương giao lưu kinh tế thuận lợi với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và cả nước; đường bờ biển dài 75 km với hạ tầng cảng Cửa Việt rộng gần 120 ha đang hoạt động với công suất 400.000 tấn hàng hóa/năm...

Trên thực tế, lâu nay phần lớn hàng hóa thông quan qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay của Quảng Trị đều được vận chuyển đến các cửa khẩu, cảng biển thuộc địa phương khác. Do đó, việc quy hoạch các trung tâm logistics và hệ thống kho bãi, cảng hàng trên địa bàn đã được tỉnh đưa vào quy hoạch KT-XH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Trị mở ra hướng hợp tác về vận tải hàng hóa quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trên 2 hành lang kinh tế chiến lược EWEC và PARA EWEC.

Đầu tư hạ tầng để kết nối “tam giác” kinh tế

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến, trong số các dự án trọng điểm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thì một “tam giác” kết nối giữa 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay và Khu bến cảng Mỹ Thủy mở ra kỳ vọng bứt phá cho kinh tế của tỉnh. Để hiện thực hóa, Quảng Trị sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa thông qua các dự án mang tính động lực, góp phần thúc đẩy và tạo bứt phá những ngành kinh tế mũi nhọn.

Một dự án được coi là “xương sống” trong “tam giác” kinh tế mà tỉnh vạch ra đang được địa phương tích cực đốc thúc triển khai, đó chính là dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy tại huyện Hải Lăng. Khi hoàn thành, dự án sẽ có các khu bến cảng chuyên dùng phục vụ chủ yếu cho các cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và các khu công nghiệp trên địa bàn, kết hợp lượng hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay theo tuyến EWEC và PARA EWEC về Việt Nam. Hiện nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) đang tích cực phối hợp địa phương thực hiện các thủ tục, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để chuẩn bị thi công.

Ngoài ra, đầu năm 2023, Dự án Khu cảng cạn VSICO Quảng Trị tại cụm cửa khẩu mở rộng thuộc Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Hàng hải VSICO. Theo lộ trình, quý I/2026 dự án đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, lưu kho bãi và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp liên quan đến vận tải, thông quan hàng hóa tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Cùng với đó, để từng bước hoàn thiện hạ tầng hướng tới mục tiêu kết nối 3 đầu cầu trong “tam giác” logistics, Quảng Trị đang nỗ lực xây dựng tuyến đường cao tốc từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về nội địa để rút ngắn khoảng cách; hoàn thiện hạ tầng ở Cửa khẩu quốc tế La Lay và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về phương án vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay bằng hệ thống băng tải nhằm tăng năng suất vận tải; đồng thời đốc thúc xây dựng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 15D nối với Khu bến cảng Mỹ Thủy.

Phối cảnh dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy - Ảnh: L.T

Với dự án Đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài gần 60 km, đến nay, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải hoàn thiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cao với các nội dung báo cáo của dự án và đồng ý thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc đồng hành với nhà đầu tư sớm triển khai các bước tiếp theo.

Riêng tuyến giao thông quan trọng Quốc lộ 15D, ngày 13/10/2023, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với đoạn tuyến chưa được đầu tư. Bởi lẽ, đây là tuyến giao thông quan trọng nối từ Cảng nước sâu Mỹ Thủy nằm trong dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay với chiều dài thực tế khoảng 92 km.

Tuy nhiên, chỉ gần 50 km là đã có đường cũ với 2 làn xe nhưng hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, còn khoảng hơn 42 km từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chưa được xây dựng. Nếu hoàn thiện, Quốc lộ 15D sẽ tạo tuyến kết nối giao thương ngắn nhất giữa Quảng Trị với các quốc gia trên PARA EWEC với quãng đường vận tải theo tuyến thẳng chỉ còn khoảng 60 km thay vì 250 km theo đường vòng từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về biển Mỹ Thủy như hiện nay.

Khi các dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác, hàng hóa từ các nước bạn qua những cảng hàng ở 2 cửa khẩu của Quảng Trị sẽ theo các tuyến giao thông trọng điểm này về cảng nước sâu thuộc Khu bến cảng Mỹ Thủy một cách thông suốt, tạo ra một “tam giác” kinh tế qua các cảng hàng.

“Một tín hiệu tích cực đó là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 29/12/2023. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương nỗ lực hơn nữa trên tiến trình hiện thực hóa kết nối “tam giác” logistics hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực.

Tỉnh đã tập trung các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường thiết lập quan hệ hợp tác với các tỉnh miền Trung nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan để các doanh nghiệp tăng cường giao lưu, trao đổi hợp tác, phát triển vận tải; đẩy nhanh việc triển khai Đề án phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh...

Bên cạnh đó, Quảng Trị rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, nhất là vấn đề xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ; nâng cao năng lực cán bộ địa phương về quản lý dịch vụ logistics... Có như vậy, “tam giác” kinh tế kết nối 2 cửa khẩu và Khu bến cảng Mỹ Thủy trên các hành lang kinh tế xuyên quốc gia mới góp phần giúp Quảng Trị chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế để phấn đấu đến năm 2030 cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ mạnh về kinh tế biển và cửa khẩu, đóng góp quan trọng vào cầu nối hội nhập khu vực và quốc tế”, ông Lê Đức Tiến khẳng định.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/ky-vong-but-pha-tu-tam-giac-kinh-te/183443.htm