Ký ức về người Anh hùng Đinh Ngọc Cân

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) - Trung tá Đinh Ngọc Cân gắn liền với chiều dài lịch sử hình thành, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Trinh sát An ninh vũ trang Quảng Nam (nay là BĐBP Quảng Nam). Trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, ông đã cùng đồng chí, đồng đội mưu trí, dũng cảm vượt qua bao gian nan, thử thách bảo vệ an toàn tuyệt đối khu căn cứ, các cơ quan đầu não của cách mạng và các cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước; trực tiếp chỉ huy các hoạt động diệt ác, trừ gian, tấn công phá tan các trụ sở hội đồng xã, các đồn bốt của Mỹ - ngụy và chính quyền tay sai. Nhiều bản án tử hình do chính tay ông thực hiện được đặt lên xác những tên ác ôn khét tiếng khiến cho bọn tề ngụy và đồng bọn hoang mang, khiếp đảm.

AHLLVTND - Trung tá Đinh Ngọc Cân. Ảnh: Hoàng Anh

Tôi rất vinh dự và tự hào khi được gặp AHLLVTND - Trung tá Đinh Ngọc Cân ngay những ngày đầu tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính vào năm 1997. Với khí chất hào sảng của một người dân xứ Quảng, ông kể lại những câu chuyện về một thời gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của ông và các đồng chí, đồng đội thân yêu.

AHLLVTND Đinh Ngọc Cân sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng thuộc xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Hàng ngày, nhìn thấy cảnh bọn thực dân, đế quốc tàn sát dân lành nên chàng thanh niên Đinh Ngọc Cân đã nung nấu trong mình quyết tâm “trả nợ nước, báo thù nhà”.

Năm 1949, khi vừa mới tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, chàng trai Đinh Ngọc Cân thoát ly đi bộ đội tại Trung đoàn 108. Ngay từ đầu nhập ngũ, ông đã thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ, tích cực tham gia công tác và chấp hành nghiêm mọi chỉ huấn của cấp trên. Và người thanh niên ưu tú ấy đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ sau 4 tháng quân ngũ. Từ năm 1953, ông được chuyển sang công tác tại Ty Cảnh vệ thuộc Ty Công an Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau 2 năm công tác, ông được cấp trên cử ra Bắc để học tập, bồi dưỡng tại trường An ninh vũ trang thuộc Bộ Công an tại Hà Nội để được làm hạt giống cho cách mạng sau này.

Đầu năm 1959, ngay sau khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) được thành lập, ông được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ lên đường vào miền Nam công tác và chiến đấu ngay tại chính mảnh đất Quảng Nam quê hương ông. Trước lúc lên đường nhận nhiệm vụ, ông được Thiếu tướng Phạm Kiệt, Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang gọi ông lên và căn dặn: “Các đồng chí là những hạt giống tốt để gieo mầm trong cách mạng miền Nam, nên các đồng chí phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. Thay mặt anh em trong đoàn công tác, đồng chí Đinh Ngọc Cân đã nêu rõ quyết tâm “Xin hứa với Tư lệnh, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ, dù có phải hy sinh tính mạng”. Sau hơn 3 tháng trời ròng rã vượt núi trèo đèo dọc dãy Trường Sơn, tổ công tác mới về đến mảnh đất quê hương.

Tháng 3 năm 1961, Tỉnh ủy Khu V quyết định thành lập Ban Bảo vệ an ninh tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ cán bộ, bảo vệ căn cứ và các cơ quan của Khu ủy, Tỉnh ủy, chuyên trách công tác an ninh trong đô thị và những vùng nông thôn bị địch chiếm đóng kiểm soát, kết hợp chặt chẽ chiến đấu tiêu diệt địch với bảo vệ các lực lượng cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, đấu tranh chống gián điệp.

Đến tháng 5/1961, chấp hành ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng chí Trưởng ban Bảo vệ an ninh đã trực tiếp đề xuất kế hoạch xây dựng lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam-Đà Nẵng (lúc đầu gọi là tổ cảnh vệ). Sau khi được Tỉnh ủy phê duyệt, ngày 19/5/1961, lễ ra mắt đơn vị tiền thân của An ninh vũ trang Quảng Nam-Đà Nẵng đã được tổ chức tại xã Blô Hiền, huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang), tỉnh Quảng Nam. Quân số tổ cảnh vệ lúc mới thành lập có 7 đồng chí, trong đó, đồng chí Đinh Ngọc Cân được giao làm Tổ trưởng.

Vào đầu tháng 11/1961, đồng chí Đinh Ngọc Cân đã chỉ huy 2 tổ An ninh vũ trang của 2 huyện Tiên Phước và Nam Tam Kỳ tham gia cùng bộ đội chủ lực và địa phương đánh vào quận lỵ Trà My, giải phóng 2 xã Phương Đông và Dương Yên. Riêng lực lượng An ninh vũ trang đã diệt 13 tên tề ngụy và bắt sống 7 tên. Trong đó, đồng chí Đinh Ngọc Cân đã trực tiếp bắt sống tên Nguyễn Phô, đại diện xã Phương Đông, Bí thư đảng Cần lao nhân vị xã và tên Đỗ Kim Quang, tình báo viên do bọn cảnh sát ngụy cài cắm ở cơ sở.

Cuối năm 1964, đầu năm 1965, Quảng Nam là địa bàn bị địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Việc chủ động phát hiện âm mưu, ý đồ của địch để kịp thời có kế hoạch đối phó hiệu quả với chúng trở thành yêu cầu hết sức cấp bách. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy và Ban An ninh tỉnh quyết định thành lập Đội Trinh sát vũ trang (còn gọi là Đội Trinh sát diệt ác). Để hỗ trợ và hạn chế bớt khó khăn, lúng túng trong hoạt động của Đội, Tiểu ban điệp báo An ninh đô thị phân công đồng chí Đinh Ngọc Cân trực tiếp theo dõi giúp đỡ Đội Trinh sát vũ trang.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoàng Anh

Tháng 5/1965, với chủ trương củng cố tổ chức, phát triển lực lượng an ninh, đáp ứng yêu cầu mở rộng địa bàn làm chủ, giành dân, quản lý các vùng mới mở thêm, Tỉnh ủy Quảng Nam cho thành lập thêm Đại đội An ninh vũ trang Quảng Nam (mang phiên hiệu K57) và đồng chí Đinh Ngọc Cân được cấp trên chỉ định làm Chính trị viên. Ngoài việc quản lý và bảo vệ vùng giải phóng, vùng mở rộng, không cho địch “xúc” dân vào các khu dồn, K57 còn có nhiệm vụ bảo vệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh, bảo vệ canh giữ trại giam, bảo vệ an toàn các hành lang, trụ sở các cơ quan trọng yếu của tỉnh, sẵn sàng chiến đấu phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu diệt địch.

Từ mùa thu năm 1967, theo chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy Khu V, lực lượng An ninh vũ trang phối hợp hiệp đồng chặt chẽ hơn với các lực lượng chuẩn bị cuộc tổng công kích, tổng tiến công Mậu Thân 1968. Đồng chí Đinh Ngọc Cân chỉ huy đơn vị phối hợp với các lực lượng khác tiến đánh địch trên khắp các mặt trận, góp phần lớn làm suy yếu sinh lực địch, làm thay đổi cục diện chiến trường.

Sau chiến thắng Mậu Thân 1968, Ban An ninh đặc khu Quảng Đà và Ban An ninh tỉnh Quảng Nam được kiện toàn thành Ban An ninh vũ trang - phiên hiệu là Ban 8. Ở Quảng Nam, Ban 8 do đồng chí Đinh Ngọc Cân phụ trách. Ngay sau ngày kiện toàn, Ban 8 liên tục được phát triển cả về con người và trang bị. Với sức mạnh được tăng cường, các đơn vị An ninh vũ trang, trinh sát vũ trang đã cùng lực lượng của ngành an ninh tỉnh Quảng Nam tiếp tục vươn lên lập nhiều chiến công mới.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Đinh Ngọc Cân, lực lượng an ninh, trinh sát vũ trang Quảng Nam đã dũng cảm tiến công địch và ghi nhiều chiến công oanh liệt, là lực lượng chính tham gia giải phóng thành công thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào ngày 24/3/1975.

Ghi nhận những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc của đồng chí Đinh Ngọc Cân, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến sĩ giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác cho đồng chí. Đặc biệt, ngày 23/2/2010, Trung tá Đinh Ngọc Cân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Trần Hoàng Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-uc-ve-nguoi-anh-hung-dinh-ngoc-can-post458953.html