Ký ức về 'một thời hoa lửa'

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa 70 năm, song những ngày tháng 5 lịch sử, được nghe những nhân chứng lịch sử - họ là thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến trường chia sẻ tại buổi gặp mặt do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên và các tỉnh, thành phố tổ chức mới đây như tái hiện lại một Điện Biên hùng tráng năm nào.

Từ chuyện vinh dự được đánh trận mở màn…

Trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ở vị trí lính thông tin, ông Bùi Kim Điều (94 tuổi, ở tổ 9 phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ không giấu nổi xúc động, tự hào khi nhớ lại những khoảnh khắc của 70 năm trước. Tôi nhập ngũ tháng 2/1952, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ở C405 - E165 - Đại đoàn 312 với cương vị là Tiểu đội phó thông tin. Kỷ niệm đầu tiên đó là được tham gia trận chiến đấu mở màn, chúng tôi được quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, ai nấy đều háo hức, tự hào và xác định tư tưởng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, dù có phải hy sinh xương máu của mình cũng sẵn sàng. Đúng 17 giờ 05 phút chiều ngày 13/3/1954, sau mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, bộ đội ta xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh cứ điểm Him Lam kéo dài đến 23 giờ 30 phút đêm ngày 13/3/1954 thì kết thúc. Kết quả: Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 200 tên địch, bắt 370 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị...

7 giờ 30 phút ngày 14/3/1954, quân địch tổ chức lực lượng phản kích hòng chiếm lại Him Lam nhưng bị thất bại và tiếp tục bị thiệt hại nặng nề, phải từ bỏ hoàn toàn ý định chiếm lại cứ điểm Him Lam. Như vậy, trận đánh mở màn đã thành công ngoài mong đợi. Sau đó, đơn vị lại được giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập, lúc này do bom đạn phá hủy làm mất thông tin liên lạc, có một công văn khẩn của trung đoàn (kí hiệu là Nam Ninh) gửi cấp tốc xuống 3 tiểu đoàn kí hiệu: Nam Kế, Nam Tiến, Nam Thắng, lúc đó tôi cùng 2 đồng chí nhận nhiệm vụ làm giao liên đưa công văn.

Ông Bùi Kim Điều, nguyên Tiểu đội phó tiểu đội thông tin, thuộc Đại đoàn 312.

Từ trung đoàn xuống tiểu đoàn chỗ xa nhất 3km, chúng tôi phải chạy, luồn lách qua giao thông hào, lúc không có giao thông hào thì phải khom lưng chạy trong mịt mù của các quả đạn pháo binh. Lúc này có 2 đồng chí bị thương, còn lại một mình tôi, lúc đó tôi lo nhất là không mang kịp công văn đến các tiểu đoàn, trong đầu chỉ nghĩ phải nhanh chóng đưa kịp công văn hỏa tốc và tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chiến dịch giành thắng lợi, ngày 13/5 đơn vị chúng tôi được vinh dự mừng chiến thắng ở Mường Phăng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, được Đại tướng khen ngợi, biểu dương thành tích vì đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia đánh trận mở màn dành thắng lợi vang dội. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã trực tiếp cùng đơn vị bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Đơn vị có 5 anh hùng được tuyên dương, Đại đoàn được Bác Hồ ủy nhiệm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ quyết chiến, quyết thắng, Đại đoàn trưởng chúng tôi là Lê Trọng Tấn khi đó đã lên nhận lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Bác Hồ.

… Đến với quyết tâm thư “đánh chắc, thắng chắc”

Là người trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điên Biên Phủ, ông Dương Văn Mận (90 tuổi, quê ở Hà Nam, hiện ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) xúc động nhớ lại: Tôi vào bộ đội ở xã Hợp Thắng - Nông Cống (cũ), lúc đó tôi mới 19 tuổi. Đến tháng 11/1953, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đơn vị tôi được lệnh lên Điện Biên Phủ - lúc đó gọi là chiến dịch “Trần Đình”.

Nói về Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp xây dựng 49 cứ điểm có công sự vững chắc, có 2 sân bay, có pháo 155, có xe tăng và đủ loại vũ khí đều hơn hẳn vũ khí của quân ta. Và quân viễn chinh Pháp là đội quân thiện chiến. Ban đầu chúng thả dù xuống 16 tiểu đoàn dù, đến chiến dịch chúng chi viện lên tới 21 tiểu đoàn, do Thiếu tướng Đờ Cát chỉ huy. Tướng NAVA của Pháp cho rằng cứ điểm Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm, cho rằng Việt Minh không thể đánh nổi. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Pháp không đánh giá được khả năng, tiềm lực của nhân dân ta, sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Bác Hồ, đặc biệt không đánh giá được chiến lược, chiến thuật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lúc đầu ta đã chuẩn bị và đã bố trí lực lượng tiến công thực hiện phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh”, các đơn vị chỉ cần chờ hiệu lệnh để nổ súng, nhưng có lệnh của Tướng Giáp dừng lại, bắt đầu kéo pháo ra. Toàn quân tiếp tục học tập Thư của Bác Hồ, và mỗi cán bộ, chiến sĩ đều viết quyết tâm thư thực hiện phương châm “đánh chắc, thắng chắc”. Toàn quân quán triệt xây dựng trận địa và bảo vệ kho tàng bằng cách đào hầm, đào hào, đào đến đâu chiếm đến đấy không cho địch lấp. Thực hiện khắp chiến trường đều có hầm, có hào, đi đến đâu cũng thấy bộ đội dưới mặt đất bao vây từng cứ điểm khiến cho địch ngày càng lo sợ, hoang mang, giảm sút tinh thần chiến đấu. Một đơn vị đánh giải phóng Lai Châu, một đơn vị đánh Thượng Lào, cô lập Điện Biên Phủ.

Đến khoảng 3 giờ chiều ngày 13/3, bắt đầu đánh điểm Him Lam là đồn cửa ngõ của Điện Biên Phủ. Có Tiểu đoàn Lê Dương là quân thiện chiến nhất, chỉ trong một đêm địch đã thất bại, ngày hôm sau đồn Nà Kéo phải rút lui, ngay sau đó quân ta liên tục tiến công đánh từng đồn theo chiến thuật “bóc vỏ” của Tướng Giáp. Đồn chưa đánh thì quân ta bao vây, thành lập các tổ đi bắn “bia sống” - địch ra lấy dù thì ta bắn, bắn vào lỗ châu mai, chủ yếu làm cho địch căng thẳng cao độ. Đến 6/5/1954, quân ta tổng công kích, đúng 8 giờ tối, tấn bộc phá nổ làm hiệu lệnh tiến công các căn cứ còn lại, đến chiều mùng 7/5 địch phải đầu hàng.

Theo lời ông Mận, trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu giữa ta và địch, ta càng đánh càng thắng, địch càng đánh càng thua, đúng như Bác Hồ nói: Đánh thắng Điện Biên Phủ là làm thay đổi cả Đông Dương. Chúng tôi càng củng cố lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua chiến đấu ở Điện Biên Phủ chúng tôi được rèn luyện phẩm chất của người lính, hoàn thành nhiệm vụ người chiến binh dũng cảm, góp phần vào thắng lợi của chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Sau khi ra quân, về với đời thường, chúng tôi luôn tâm niệm: Mình là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ; thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong công tác”, người lính già chia sẻ.

Ông Mận cũng gửi gắm niềm tin tưởng và mong rằng: Thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Và ký ức trận tổng công kích cuối cùng

Bày tỏ niềm xúc động khi được chia sẻ cảm xúc tại chiến trường lịch sử năm xưa trong buổi gặp mặt tri ân tại Điện Biên, ông Dương Chí Kỳ (90 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, 55 năm tuổi quân, đang sinh sống tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) nhớ lại: Năm 1953, tôi cùng các thế hệ thanh niên thời ấy nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ xếp bút nghiên tình nguyện nhập ngũ. Tôi được trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, với nhiệm vụ là pháo thủ súng cối 82 của Pháp. Chúng tôi được tham gia vào trận tổng công kích cuối cùng, làm hầm, làm đường hào vào cứ điểm A1, đưa súng cối 82 ra trận địa từ tối ngày mùng 5/5. Quân ta đánh tới trưa ngày 7/5 thì quân Pháp đầu hàng, quân ta đại thắng. Đêm 7/5, chúng tôi thu quân về đơn vị, và sau đó áp giải tù binh Pháp về đồng bằng.

Đến năm 1978, đơn vị tôi được phân công trở lại chiến trường Điện Biên Phủ, để cùng tham gia xây dựng nông trường. Trong ký ức của tôi, vẫn còn vẹn nguyên về Gạo 8, cà phê Điện Biên... Đó cũng là cơ duyên đưa tôi đến với Trường Đại học Nông nghiệp sau này.

Người dân dùng xe đạp (dân công hỏa tuyến) chở lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường.

“Đã 70 năm qua, tôi rất nhớ và biết ơn các chiến sĩ thuộc lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ các tỉnh thành như Thanh Hóa, Phú Thọ và nhiều tỉnh thành khác. Các đồng chí rất dũng cảm, với đầu trần chân đất, áo mộc đã khiêng vác, gánh gồng đạn dược, đã sáng tạo biến xe đạp của Pháp thành xe thồ, chở được hơn 3 tạ vật tư, cơm gạo mỗi chuyến ra chiến trường, để chúng tôi có sức, có vũ khí, có thêm tinh thần để chiến đấu. Từ đó làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ông Kỳ xúc động bày tỏ.

Ông Kỳ cũng chia sẻ sự xúc động, khi 70 năm sau, đúng vào dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông có dịp được trở lại Điện Biên Phủ thăm chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang viếng các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ A1, thăm các bạn từng chiến đấu ở Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam. 70 năm, nay Điện Biên Phủ đã thay da đổi thịt, nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, ánh sáng xuống tận bản làng, đêm khuya điệu xòe vang vọng…

“Thế hệ những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, trong kháng chiến luôn giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” mà Bác Hồ đã gửi tặng và trong những năm tháng thời bình, chúng tôi vẫn luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Với tinh thần, khí thế của tuổi trẻ, chúng tôi đã sống, cống hiến và trưởng thành, rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống, đã để lại một phần cơ thể trong các cuộc chiến tranh, cho màu cờ và sự trường tồn của đất nước Việt Nam. Vì vậy, tôi mong muốn thế hệ trẻ thời đại mới, con cháu các dân tộc Tây Bắc nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung hãy nhớ về những bài học và giá trị lịch sử; học tập rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, noi gương các anh hùng liệt sĩ năm xưa; vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa quê hương, đất nước mình ngày càng khang trang và giàu đẹp hơn nữa”, ông Dương Chí Kỳ gửi gắm kỳ vọng.

Ngày 17/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại lễ gặp mặt, Thủ tướng khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”. Đồng thời, nhấn mạnh chúng ta không bao giờ quên những tấm gương anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm rạng danh truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta như Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Anh hùng Bế Văn Đàn, Anh hùng Phan Đình Giót… cùng hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ biển đảo đến đất liền, già, trẻ, gái, trai đều nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, giết giặc lập công; hay hình ảnh của “binh chủng xe đạp thồ” với hàng nghìn chiếc ngày đêm vận chuyển trên cung đường dài gần 1,5 nghìn km, góp sức người, sức của bảo đảm điều kiện tốt nhất cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang trên tiền tuyến.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-uc-ve-mot-thoi-hoa-lua-170211.html