Ký ức về Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Hà Nội

Vùng Khuyến Lương bạt ngàn phù sa đất bãi sông Hồng, xưa có tên nôm là Kẻ Mui, thời Trần thuộc thái ấp của Tướng Trần Khát Chân. Từ bến đò, nhìn lên phía Bắc là bến Kim Lan; nhìn xuôi phía Nam là bến Mễ Sở, sông nước mênh mang… Rồi một ngày, bọn giặc trời gầm rít, ném bom, xé không gian thanh bình. Cầu phà Khuyến Lương trở thành đầu mối giao thông vô cùng quan trọng ở phía Nam thành phố để xe quân sự từ đường Quốc lộ số 5 qua phà rồi ra đường Quốc lộ số 1, vào Nam và ngược lại. 'Sông nước là chiến trường, cầu phà là vũ khí' là phương châm sống, chiến đấu của thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, kiên cường bám cầu phà cho xe ra tiền tuyến.

Ông Phạm Văn Cẩn, nguyên Trung đội trưởng Đại đội 1 - đơn vị N49 thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước

Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Hà Nội

Ngày 15-4-1966, Thành đoàn Hà Nội tổ chức Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của thành phố gồm 500 đoàn viên được chọn lựa từ 4 khu phố nội thành, 4 huyện ngoại thành và mang phiên hiệu N49. Đơn vị do đồng chí Đào Hồng Cẩm, Thường vụ Thành đoàn trực tiếp phụ trách, biên chế thành 4 đại đội gồm: Đại đội 1 (N491) có 195 người khu Đống Đa và huyện Từ Liêm, đóng ở Bác Cổ - Vân Đồn - Khuyến Lương. Đại đội 2 (N492) có 120 người của khu Ba Đình và huyện Gia Lâm, đóng ở Phù Đổng. Đại đội 3 (N493) có 90 người của khu Hai Bà Trưng và huyện Từ Liêm, đóng ở Đông Trù. Đại đội 4 (N494) có 80 người của khu Hoàn Kiếm và huyện Thanh Trì, đóng ở Chèm.

Để giữ vững “mạch máu” giao thông, mỗi chiến sĩ phải học kỹ những yếu lĩnh cơ bản: rà phá bom từ trường như công binh; sửa chữa, bảo dưỡng phao, lắp phao liên kết với nhau thành nhịp và lái máy để điều khiển tàu ca nô lai dắt phà như thợ kỹ thuật giao thông - vận tải. Ông Phạm Văn Cẩn, nguyên Trung đội trưởng thuộc Đại đội 1 của N49 (quê Thụy Lâm, Đông Anh), nay là Trưởng ban liên lạc thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, đơn vị N49, bắt đầu câu chuyện cổ tích của Đội bằng những sự kiện ông thuộc nằm lòng như vậy.

Sông nước là chiến trường, cầu phà là vũ khí

Năm 1967, Mỹ tăng cường thả bom từ trường xuống sông Hồng, sông Đuống hòng chặt đứt huyết mạch giao thông của Hà Nội. Ban chỉ đạo “Vượt sông, thông tuyến” của thành phố lập tức được thành lập. Nhớ lại những ngày ác liệt ấy, ông Phạm Văn Cẩn kể: Đơn vị giao cho thợ lái Nguyễn Trọng Phụng chuyên rà phá bom từ trường bằng tàu ca-nô Zin 60 mã lực. Sợi dây cáp 200m, một đầu luồn vào 10 thùng phi sắt, một đầu buộc vào tàu ca-nô. Tàu kéo 10 thùng chạy lướt mặt sông, bom sẽ nổ. Sau đợt này, đồng chí Phụng được phong là “Dũng sĩ giao thông”. Tôi kinh ngạc: “Người Mỹ sáng chế ra bom từ trường nhưng không thể hiểu được bom bị phá chỉ bằng cách thủ công như thế”.

Tinh thần cảm tử của những người chiến sĩ thanh niên xung phong thật anh dũng vô song. Bom từ trường đã phá hết là một thắng lợi lớn trên mặt trận giao thông - vận tải. Ngày 15-10-1967, Bộ trưởng Bộ giao thông - vận tải Phan Trọng Tuệ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng xuống tận nơi, phát lệnh thông xe. Đây là cầu có phao làm bằng gỗ và cũng là cầu phao lớn nhất miền Bắc thời đó, trọng tải 15 tấn, dài 750m. Từ ngày 16-10, chỉ huy N491 phân công: Một trung đội gác hai đầu cầu, làm việc suốt ngày đêm, điều hành xe lên xuống cầu như công an giao thông, cho xe đi an toàn. Còn trung đội cơ giới và kỹ thuật lắp ráp, buổi sáng tháo dỡ các nhịp cầu phao giữa sông (150m) sơ tán để các phương tiện đường thủy đi qua, chiều muộn nối lại các nhịp để xe quân sự và xe tải qua cầu an toàn. Ba ngày 25, 26 và 27-10-1967, Mỹ đánh bom dọc bến Kim Lan - Khuyến Lương rất ác liệt trong khi xe quân sự từ Hải Phòng lên đây, ngụy trang và xếp hàng dài chờ qua sông. Ban chỉ huy chiến dịch “Vượt sông, thông tuyến” lệnh cho Đại đội 1, bằng mọi giá, phải đưa đoàn xe qua sông sớm nhất, tránh bị tổn thất. Với tinh thần “Sông nước là chiến trường, cầu phà là vũ khí”, các chiến sĩ kiên cường bám trụ, đưa xe sang sông, xe đi ban đêm trên cầu phao không hết, phải tăng cường lái phà như con thoi, chở xe cả ban ngày dưới làn bom đạn địch. Đoàn xe đã sang sông gần hết thì 15h ngày 27-10, địch thả bom trúng cầu phao. Cột nước cao dựng đứng! Một nhịp cầu dài 50m và tàu ca-nô 180 mã lực chìm ngay tại chỗ. Sáu đồng chí bị thương đã được đồng đội và ngư dân đưa vào bờ cấp cứu kịp thời. Năm đồng chí hy sinh gồm: Tiểu đội trưởng - Liệt sĩ Lê Phúc Dược và các Liệt sĩ Nguyễn Văn Đễ, Lương Văn Chỉnh quê ở Ngô Văn Hợi, đều ở huyện Đông Anh, riêng Liệt sĩ Tạ Văn Minh, quê ở Hà Tây.

Ngay đêm 27-10, nhận được tin dữ, lãnh đạo thành phố lệnh “phải tìm bằng được anh em”. Tàu của đơn vị do hai thuyền trưởng Trần Văn Đồng và Vương Văn Thanh chạy hai bên bờ sông tìm kiếm, cuối cùng đã tìm thấy bốn đồng chí ở ngay bến Khuyến Lương. Lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ được cử hành trong nỗi đau thương khôn xiết của cán bộ, chiến sĩ N49, đơn vị bộ đội cao xạ, dân quân Khuyến Lương và các cụ trong thôn. (Ba năm sau, hài cốt bốn liệt sĩ đã được các gia đình đưa về quê hương; còn Liệt sĩ Tạ Văn Minh mãi mãi nằm lại đáy sông!).

Biến đau thương thành hành động, các chiến sĩ tăng tốc độ lái tàu, rút ngắn thời gian chở các xe còn lại sang sông an toàn. Ngày 30-10, N491 được lệnh chuyển lên phía Bắc, gấp rút lắp cầu phao Bác Cổ cho đoàn xe của Chính phủ sang Sân bay Gia Lâm. Chỉ trong ba ngày, cầu phao dài 1.000m đã được hoàn thành. Tàu “Ba đảm đang” do đồng chí Nguyễn Thị Nga làm thuyền trưởng đã nỗ lực vượt bậc trong dòng nước xiết của thủy thần; sau 30 phút phối hợp với tàu của thuyền trưởng Trần Văn Đồng, đã hàn khẩu xong nhịp giữa sông và thông xe. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các nữ chiến sĩ trên tàu “Ba đảm đang” được phong là “Dũng sĩ giao thông”, thuyền trưởng Nguyễn Thị Nga được nhận giấy khen của Bộ Giao thông.

Niềm tự hào tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ bám trụ cầu phà và làm cả nhiệm vụ chở người và xe thô sơ, bộ hành từ nội thành qua cầu phao Vân Đồn, sang Gia Lâm, đi sơ tán. Ban chỉ huy điều thêm 20 chiến sĩ của các Đại đội N49 về tăng cường cho N491. Hàng ngày các chiến sĩ làm việc như chiến sĩ Công an giao thông, giúp dân nhanh chóng qua cầu phao, tránh bom đạn địch có thể dội xuống bất cứ lúc nào. Bác Hồ đã gửi tặng lẵng hoa cho cán bộ, chiến sĩ N49 đúng Tết Mậu Thân năm 1968, thật vô cùng vinh dự và xúc động! Đại đội trưởng N491 Nguyễn Duy Lâm được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ báo cáo chiến công. Đó là những kỷ niệm sâu sắc của những tháng ngày gian khổ, hy sinh trên mặt trận giao thông - vận tải. “Địch đánh, ta cứ đi!”. Chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các trọng điểm cầu phà ở Bác Cổ, Vân Đồn, Khuyến Lương (1966-1970), cán bộ, chiến sĩ N49 không chỉ góp phần đảm bảo mạch máu giao thông của Thủ đô, mà năm 1968 còn cử cán bộ chiến sĩ giỏi, chi viện cho Đoàn 559, giữ Cầu Già và cầu Nghèn (Hà Tĩnh). Trong trận bom ác liệt ngày 3-7-1968, đồng chí Vũ Ngọc Khang đã hy sinh anh dũng tại cầu Già.

Chùa Khuyến Lương, nơi rước anh linh Liệt sĩ Tạ Văn Minh vào chùa năm 2017 (trước đây chùa thuộc xã Trần Phú huyện Thanh Trì, từ 2003 thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Sông Mẹ mãi hát ru các anh

Năm 2017, kỷ niệm 50 năm ngày các anh hy sinh (27-7-1967/ 27-10-2017), lễ tri ân, thả hoa đăng trên sông, rước anh linh Liệt sĩ Tạ Văn Minh đã nằm lại đáy sông về chùa Khuyến Lương; đồng thời khánh thành bia mộ và bia lưu niệm kháng chiến ngay tại nơi đơn vị N49 đã truy điệu các anh. Tháng

12-2022, trong chiều đông hun hút gió sông, ông Phạm Văn Cẩn thắp nén hương tưởng nhớ 55 năm đồng đội hy sinh. Đường xuống cầu phao năm xưa, nay thành cảng Khuyến Lương nhộn nhịp xe tải chở cát. Hàng năm, vào ngày thành lập đơn vị (15-4) và ngày thương binh - liệt sĩ 27-7, Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong N49 và Hội thanh niên xung phong phường Trần Phú, Yên Sở về đây, thắp hương tri ân, tưởng nhớ những liệt sĩ đã dâng hiến tuổi thanh xuân vì hòa bình, thống nhất non sông. Sông Mẹ ngàn năm thao thiết chảy giữa đôi bờ ra biển cả, đang hát ru các anh - những chiến sĩ hy sinh liệt oanh, cho đất nước muôn thuở thái bình.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-uc-ve-doi-thanh-nien-xung-phong-chong-my-cuu-nuoc-dau-tien-cua-ha-noi-post528541.antd