Ký ức trên đường tiến về Sài Gòn

Tháng 4, khi cả nước hướng về ngày non sông liền một dải, chúng tôi tìm gặp CCB Tạ Duy Sản (trú tại phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình). Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, song ký ức về những ngày tháng tiến về Sài Gòn, góp phần vào phút giây 'Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay...' chưa khi nào phai nhạt trong CCB Tạ Duy Sản.

CCB Tạ Duy Sản nâng niu những kỷ vật trên hành trình Nam tiến.

Đầu năm 1966, anh thanh niên Tạ Duy Sản làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị pháo cao xạ c1 d14 e210 bảo vệ khu gang thép Thái Nguyên. Sau quá trình huấn luyện, tham gia bảo vệ khu gang thép Thái Nguyên, anh lính pháo binh Tạ Duy Sản cùng đồng đội được giao nhiệm vụ bảo vệ sân bay Kép (Bắc Giang), cầu Thị Cầu (Bắc Ninh) sân bay Bạch Mai (Hà Nội). Sau đó, anh cùng đồng đội lên đường vào Nam chiến đấu.

Ngày ấy, hành trình vào Nam không phải là trên những chuyến tàu tốc hành mà bằng chính đôi chân những người lính. Bắt đầu từ Thanh Hóa, ngày đi, đêm nghỉ, sau hơn 10 ngày hành quân, anh lính pháo binh Tạ Duy Sản cùng đồng đội đến vùng đất Nghi Lộc (Nghệ An). "Trong 15 ngày dừng chân ở Nghi Lộc, lần đầu tiên tôi trực tiếp tham gia chiến đấu với máy bay Mỹ khi chúng đến đánh phá Cửa Lò. Trong trận đánh này, tiểu đoàn chúng tôi đã bắn rơi 1 máy bay A4D”, CCB Tạ Duy Sản bồi hồi nhớ lại.

Tháng 11/1966, c1 d14 e210 của anh Tạ Duy Sản được đổi tên thành c5 d75. Trong thời gian này, đơn vị đã dũng cảm chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay F4H và máy bay vận tải C123 ở tây cứ điểm Cồn Tiên (Quảng Trị). Tiếp đó, đến tháng 7/1967, trong trận đánh này và cứ điểm Cồn Tiên, đơn vị của Tạ Duy sản đã bắn rơi 1 máy bay cường kích OV10. Tổng kết chiến dịch, anh lính Tạ Duy Sản được bầu là chiến sỹ thi đua và được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Đến đầu 1968, do yêu cầu của mặt trận, đơn vị của Tạ Duy Sản đã giao quân cho Sư đoàn 324 để vào Huế, còn anh cùng cán bộ khung ra Quảng Bình nhận quân mới. Sau 1 tháng huấn luyện, anh lại tiếp tục cùng đơn vị vào Nam chiến đấu. Khi đang chuẩn bị hành quân vượt đường 9 - Khe Sanh thì địch cho pháo binh và máy bay dọn bãi ở cao điểm 710. Do có phương án từ trước nên đơn vị đã triển khai chiến đấu ngay. Trong 3 ngày 15 - 17/7/1968, đơn vị liên tục bắn rơi 7 máy bay CH47. Trong đó, Tạ Duy Sản đã trực tiếp bắn rơi tại chỗ 1 chiếc. Sau trận đánh này, anh lính Tạ Duy Sản đã vinh dự được phong tặng danh hiệu "Dũng sỹ bắn máy bay”…

CCB Tạ Duy Sản tự hào: "Tôi đã tham gia chiến đấu và góp công sức nhỏ bé vào việc cùng với đồng chí, đồng đội bắn rơi hơn 80 máy bay các loại. Trong đó, bản thân tôi đã trực tiếp bắn rơi 2 chiếc để góp vào thành tích chung của đơn vị".

Trong số 2 chiếc máy bay anh lính Tạ Duy Sản bắn hạ thì có 1 chiếc bị bắn hạ bằng súng... tiểu liên AK. Sau trận đánh đó, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và phong tặng danh hiệu "Dũng sỹ bắn máy bay” lần 2. Cứ thế, đi tiếp trên con đường chiến thắng của cả dân tộc, anh lính Tạ Duy Sản đã lập thêm được nhiều chiến công. Đến cuối con đường đã được hưởng trọn vẹn niềm vui trong ngày đại thắng khi ông đã cùng đồng đội tiến về giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.

Minh Vũ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/176911/ky-uc-tren-duong-tien-ve-sai-gon.htm