Ký ức thổ mộ

Xe ngựa còn có một cái tên đẹp: Xe thổ mộ. Với những người lớn tuổi, sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, không thể nào không hoài niệm về những chiếc xe ngựa đường Thành.

Xe ngựa ở Nha Trang giờ chỉ còn trong ký ức hoặc trong các tour phục vụ du lịch.

Xe ngựa ở Nha Trang giờ chỉ còn trong ký ức hoặc trong các tour phục vụ du lịch.

Trong sớm mai mây còn vương trên đỉnh núi, nắng vừa nhón chạm trên những hàng cây xanh lá, xe ngựa chạy qua, tiếng vó ngựa tạo ra một âm thanh quen. Con đường từ Nha Trang lên Diên Khánh vẫn được quen gọi là "Đường Thành", cũng như gọi đi Diên Khánh là đi Thành, ý chỉ ở Diên Khánh có thành cổ Diên Khánh. Cách đây hơn 40 năm, và xa hơn nữa, khi con đường còn là Quốc lộ 1A, chưa có Cải lộ tuyến băng qua Đồng Đế, chưa có xe buýt… Con đường ngày đó nhỏ, rất nhỏ chỉ vừa đủ cho hai chiếc ô-tô né nhau, hai bên lộ ruộng, chuyện đạp xe đạp từ Nha Trang lên Thành là bình thường. Và phương tiện chở hàng hóa khi ấy chính là chiếc xe ngựa. Con đường này mấy mươi năm trước vẫn còn là con đường quê. Bóng xoài, bóng cây ăn trái ngả tận ra trên con lộ nhỏ. Thậm chí con đường còn rất nhiều ngôi nhà xưa với hàng rào bằng hoa dâm bụt, hàng rào bằng cây chen đan với nhau. Người đón xe ngựa cũng như đón xe đò, đứng bên đường mà đợi, xe còn chỗ thì dừng lại, những gánh hàng móc lên xe treo đong đưa, khách ngồi bám thành xe…

Chiếc xe được gọi thành một từ khác rất đẹp là "xe thổ mộ". Chiếc xe ngựa đã gắn liền với đời sống người dân quê rất lâu, ngay cả khi chiếc xe lam trở thành phương tiện vận chuyển hàng hóa thì xe ngựa vẫn được coi trọng. Còn bây giờ chỉ còn hai chiếc chủ yếu phục vụ chở khách du lịch đi một đoạn ngắn trong tour du lịch Nhà cổ sông Cái. Xe ngựa du lịch được sơn phết cho đẹp.

Xe ngựa là chút ký ức một thời, là đi trên con lộ nhỏ, những cây xoài ở những ngôi nhà đong đưa, là con đường chỉ có cỏ cây, chiếc xe ngựa làm cuộc hành trình chở khách hay chở hàng hóa như rau cải, gà vịt của những người buôn bán xuống Chợ Đầm bỏ mối. Là các em học trò có khi đi bộ hoặc lên xe ngựa đến trường nếu không thích đi xe lam.

Chiếc xe ngựa rất đơn giản, là thùng xe có hai bệ ngồi, ở cuối xe có chỗ để khách leo lên. Mỗi xe chở khoảng 4 người, ráng lắm là năm người. Con ngựa che hai bên mắt để tránh cảnh vật hai bên gây hoảng loạn cho nó. Chân ngựa đóng móng, và ngày đó người đóng móng ngựa nổi tiếng là ông Ba Rèn ở Vĩnh Thạnh. Ông Ba Rèn đóng móng ngựa đẹp, con ngựa có thể mang móng không vướng. Ông Ba rèn có thể làm những chiếc bánh xe ngựa gỗ, nhưng giờ đây khi ông không còn làm thì những chiếc xe chuyển sang chạy bánh xe ô-tô cũ.

Xe ngựa là tài sản của chính người lái xe ngựa, hoặc cũng có thể chạy xe thuê cho chủ. Mỗi chiếc xe ngựa vào thời giá cách đây 25 năm là 15 triệu đồng, là số tiền lớn. Ngay tại Vĩnh Ngọc thời đó, qua chợ có một chiếc cầu, nơi này có con đường rẽ vào xóm xe ngựa. Tại đây tập trung những chiếc xe ngựa sau khi rong ruổi trên đường cả ngày. Ngựa được tháo ra khỏi xe, cột vào cột cho khỏi đi lạc, cho ăn chế độ cao.

Hồi đó, phía sau chợ Đầm, Nha Trang có bến xe ngựa. Đến năm 1990 bến xe ngựa vẫn còn. Xe ngựa chở nông sản đi từ đêm chở đến "Chợ âm phủ" ở chợ Đầm, sau đó ra bến đợi khách tan chợ, lại đưa khách về. Một người đã từng chạy xe ngựa nói: "Ngày xưa xe ngựa chạy đông khách lắm. Chúng tôi phải thức dậy từ sáng sớm đến Vĩnh Trung đón khách đi chợ. Trước giải phóng do mất an ninh nên phải đợi đến 5, 6 giờ sáng mới được chạy. Còn sau đó thì chạy suốt đêm để chở hàng".

Nhưng thời vàng son của xe ngựa đã ở lại sau lưng.

Khuê Việt Trường

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ky-uc-tho-mo-post281440.html