Ký ức tháng Mười

Tôi nhớ như in, khi gió se se lạnh thổi về là tháng Mười cũng chạm ngõ quê nhà. Từ mấy ngày hôm trước, mẹ tận dụng nắng lớn mang chăn màn ra phơi cho khô chuẩn bị mùa lạnh bắt đầu. Buổi tối trước khi đi ngủ tôi đã thấy một tấm chăn mỏng mẹ để sẵn dưới góc giường từ khi nào. Mẹ sợ khi lạnh anh em tôi còn có cái để đắp.

Sáng sớm thức giấc thấy bầu trời khác hẳn. Mây kéo đến dày hơn, cả không gian bao trùm một màu xám bàng bạc, tầm nhìn cũng bị hạn chế cho đến khi mặt trời lên ửng đỏ sau lũy tre làng. Lúc rửa mặt, chạm tay vào chậu nước tôi đã phải thụt tay lại một nhịp vì nước lạnh hơn thường ngày. Vậy là một mùa lạnh cũng sắp sửa bước tới.

Ăn sáng xong, bố mẹ ra đồng còn anh em tôi đi học. Hai bên đường đến trường dãy bạch đàn lá cũng bắt đầu rụng rơi lả tả. Lá bạch đàn không vàng đậm mà xam xám như bầu trời tháng Mười. Tôi để ý tiếng của lũ sẻ đồng ríu rít trên tàng lá, hình như chúng muốn nói với nhau điều gì đó mà con người không hiểu được. Dưới gốc bạch đàn là những bụi hoa xuyến chi bung nở, sáu cánh trắng muốt tinh khôi. Thêm nhụy vàng lấp lánh giữa bông hoa trông chúng thật kiêu hãnh biết bao nhiêu mặc dù chúng được mọi người xếp vào hàng hoa dại. Tháng Mười thời tiết không được ấm áp nhưng lại có nhiều loài hoa chọn thời điểm mà bung hoa, tỏa hương. Ngoài hoa xuyến chi còn có hoa mần trầu, hoa cỏ mực hay hoa cỏ may cũng khẽ khàng khoe sắc xanh, tím trộn lẫn rất đẹp. Mỗi loài góp cho đời một chút hương thoang thoảng, dịu nhẹ tạo nên hương thơm đồng quê dân dã mà lưu luyến.

Tháng Mười quê tôi bắt đầu lấy nước từ thượng nguồn về chuẩn bị cho vụ mùa mới. Cá, tôm, cua theo con nước từ thượng nguồn về ruộng rất nhiều. Trẻ con háo hức cầm xô, chậu, đơm, đó đi khắp dọc kênh mương bắt cá, cua. Nhiều nhất vẫn là cua đồng. Có khi chỉ một buổi chiều chúng tôi có thể bắt được cả một xô đầy. Canh cua đồng nấu với rau tập tàng vườn nhà thì ngon tuyệt. Thêm bát cà pháo muối chua nồi cơm hết sạch veo lúc nào không hay. Các hộ gia đình cũng tận dụng xác cua để nuôi ngan, vịt. Mùa lấy nước kéo dài chừng tuần lễ, lũ ngan vịt chỉ ăn xác cua thôi mà con nào con nấy lông mượt, béo ú nu.

Tháng Mười cũng là mùa hoa ngô nở. Phía bãi bồi lúc này bạt ngàn là ngô và ngô. Có thể với người khác ngô chỉ là một loài cây lương thực bình thường nhưng với làng tôi lúc đó ngô như một loài cây “cứu tinh”. Có thêm vụ ngô người dân không sợ đói. Thân cây ngô làm củi đốt trong mùa đông hoặc làm thức ăn cho gia súc rất tiện lợi. Mùa ngô về chúng tôi chơi trò rượt đuổi nhau, chơi trốn tìm trong bãi ngô để rồi khi bước chân ra khỏi ruộng hoa ngô bám đầy vai với mùi thơm thoang thoảng. Thời công nghệ hiện đại, smart phone chưa len lỏi niềm vui của những đứa trẻ con làng quê lúc nào cũng ăm ắp. Niềm vui giống như dòng sông quê lúc nào cũng đầy tràn bồi đắp phù sa ngày này qua tháng khác.

Bây giờ là tháng Mười, tôi ngồi nghĩ lại tháng Mười ngày xưa cũ mới hay rằng thời gian trôi nhanh khủng khiếp. Ðám trẻ lội ruộng ngày đó giờ đứa nào đứa nấy cũng đã là ông bố, bà mẹ của tụi con nít. Ðứng giữa không gian bao la tháng Mười nơi quê nhà, không có khói mà mắt tôi lại cay xè. Ký ức tháng Mười luôn là những thước phim tươi đẹp. Ở nơi đó mỗi khi phiền muộn tâm hồn tôi lại nương theo tìm về để an yên.

Ngọc Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/209802/ky-uc-thang-muoi