Ký ức những ngày tháng 4 lịch sử

Hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ký ức về những ngày tháng 4 lịch sử vẫn in sâu trong tâm trí của Roy Rowan-phóng viên của Tạp chí Time thường trú tại Sài Gòn khi đó.

46 năm trước, Roy Rowan bất ngờ nghe thấy âm thanh của bài “Giáng sinh trắng” trên sóng radio tại Sài Gòn. Là phóng viên của Tạp chí Time chịu trách nhiệm đưa tin về chiến tranh ở Việt Nam, Roy Rowan hiểu rõ chiến tranh sắp kết thúc tại đất nước hình chữ S này. Nhưng cho đến thời điểm nghe thấy bài hát "Giáng sinh trắng" vào tháng 4, Rowan vẫn chưa thể lường được rằng sự kết thúc ấy đến sớm như thế nào.

Rowan nhớ lại: “Cái kết thật sự bất ngờ và chấn động như mọi người đều biết. Tín hiệu di tản là bài "Giáng sinh trắng". Tôi nhớ mình thức dậy lúc 3 giờ sáng và nghe thấy "Giáng sinh trắng" rồi tôi tự hỏi, không biết sẽ như thế nào khi cố gắng bước ra khỏi nơi này”.

 Phóng viên Roy Rowan. Ảnh: fcchk.org

Phóng viên Roy Rowan. Ảnh: fcchk.org

Ở những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Rowan vẫn nhớ như in những ký ức về tháng 4 lịch sử năm 1975: Tiếng pháo kích, nỗi sợ hãi, cảnh sân bay Tân Sơn Nhất khuất xa dần khi ông và đồng nghiệp rời Sài Gòn. Cuộc chiến kéo dài nhiều năm đã kết thúc một cách nhanh chóng như thế. Ngày 28-4, sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ rung chuyển bởi những đợt ném bom của lực lượng cách mạng. Tổng thống Mỹ khi đó là Gerald Ford buộc phải đưa ra quyết định khởi động Chiến dịch Gió lốc-chiến dịch di tản khẩn cấp tất cả người Mỹ và những người Việt Nam cộng tác với Mỹ ra khỏi Sài Gòn.

Trong vài tuần trước hồi cáo chung của chính quyền ngụy, Tạp chí Time đã nỗ lực di tản các nhân viên của mình khỏi Sài Gòn. Rowan cùng phóng viên Bill Stewart và các nhiếp ảnh gia Dirck Halstead, Mark Godfrey nằm trong những người rời đi vào ngày cuối cùng. Nghe thấy tín hiệu sơ tán, họ nhanh chóng rời khách sạn Continental Palace và đến điểm tập kết gần đó. Họ được đưa tới sân bay, dưới sự bảo vệ của thủy quân lục chiến Mỹ, chờ đợi di tản bằng trực thăng.

Ngay khi nhóm 50 người của Rowan chuẩn bị rời đi, một lính thủy quân lục chiến Mỹ hét lên: "Không được mang hành lý!". Các vali và túi xách bị xé toạc khi những người di tản vội vã lấy hộ chiếu, giấy tờ và các vật dụng có giá trị khác của họ, vứt lại những vật dụng không quá cần thiết để nhường chỗ cho nhiều người hơn.

Rowan đã phải chào tạm biệt chiếc máy đánh chữ Olivetti trung thành của mình, cầm lấy máy ghi âm và máy ảnh, sẵn sàng chạy như bay. Cánh cửa mở ra. Bên ngoài, Rowan có thể thấy những lính Mỹ đội mũ bảo hiểm, mặc áo khoác, tay lăm lăm súng M16, súng phóng lựu M-79 và súng cối.

Rowan quan sát khu vực xung quanh, phát hiện có một con đường dẫn đến một bãi đậu xe và bên trái là một sân tennis đã được biến thành bãi đáp trực thăng. Hai chiếc Sikorsky CH-53 Sea Stallion đang đỗ ở đó. Rowan chạy nhanh đến phía trực thăng. Lính thủy đánh bộ Mỹ nằm sấp, dàn hàng ngang trong khu vực, nhưng rất khó quan sát thấy họ vì màu quân phục ngụy trang hòa quyện với màu cây. Rowan gần như giẫm phải một nòng súng trường thò ra từ dưới một bụi cây khi anh tiến đến phía trực thăng.

Chiếc Sea Stallion vẫn cách đó vài chục mét. Thang lên của nó hạ xuống và các cánh quạt quay một cách thiếu kiên nhẫn. 50 người cùng một số thiết bị nặng vẫn được mang theo bất chấp lệnh bỏ hết hành lý. Người, hành lý cứ chất chồng lên nhau trong chiếc trực thăng. Khi thang lên được thu vào, hai xạ thủ nắm chặt khẩu M16, trong khi các hành khách đứng như những kẻ lạc đường trên tàu điện ngầm, chiếc trực thăng mới bắt đầu cất cánh.

Sự hỗn loạn của cuộc chiến tan biến, để lại một sự thật không thể chối cãi: Người Mỹ đã không còn hiện diện ở Việt Nam. Sáng ngày 30-4-1975, chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ cất cánh. Chương trình phát thanh trưa của Đài phát thanh Sài Gòn hôm đó phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của tổng thống ngụy quyền. Miền Nam Việt Nam đã được giải phóng hoàn toàn. Cái tên Sài Gòn không còn nữa. Nơi đây được đổi tên là TP Hồ Chí Minh và hoàn toàn thuộc về người dân Việt Nam.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ky-uc-nhung-ngay-thang-4-lich-su-658266