Ký ức ngày giải phóng của một cựu chiến binh

Ngôi nhà của cựu chiến binh Phạm Văn Thiệp ở thôn Hòa Lạc, xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) nằm quay mặt ra dòng Ngòi Bo, dưới rặng tre rì rào, xung quanh là cây cối, vườn rau tươi mát. Từ trong nhà, một ông lão cao gầy, chòm râu bạc trắng thong thả bước ra đón khách. Anh Đỗ Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thống Nhất khoát tay, giọng tự hào: Đó là nhân chứng đã từng có mặt và tham gia chiến đấu giải phóng Lào Cai ngày 1/11/1950 của xã tôi đấy!

Kỷ niệm 71 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2021)

Cựu chiến binh Phạm Văn Thiệp (trái ảnh) kể về những năm tháng tham gia giải phóng Lào Cai.

Ông là Phạm Văn Thiệp, năm nay 91 tuổi, người gốc Nam Định, sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên, gắn bó với phong trào cách mạng của Lào Cai từ hơn nửa thế kỷ trước cho đến nay. Năm tháng đã phần nào phủ mờ ký ức, nhiều chi tiết không còn thật rõ ràng, nhưng tinh thần hào sảng của những ngày tháng ác liệt, chiến đấu bảo vệ Lào Cai thì vẫn vẹn nguyên, ông Thiệp chậm rãi kể…

Khi mới 17 - 18 tuổi, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tình nguyện làm liên lạc cho cán bộ hoạt động bí mật ở khu căn cứ Soi Giá, Soi Cờ. Ngày ngày tích cực lao động, sản xuất và nghe ngóng tình hình, khi có việc cần, ông lại băng rừng, vượt dốc, không quản ngày đêm, mưa nắng mang công văn, tin tức quan trọng phục vụ cách mạng. “Ngày ấy, khu vực Gia Phú nhiều rừng rậm, dân ở thưa thớt, nhiều thú rừng, đường giao thông chỉ là những con đường mòn luồn lách qua khe suối, tán cây. Vào một đêm muộn, độ khoảng canh 3, canh 4, tôi nhận được lệnh chuyển công văn từ căn cứ đến cho ông Quốc Bảo ở khu rừng thuộc thôn Hòa Lạc, xã Thống Nhất ngày nay để chuẩn bị lực lượng, kế hoạch đánh đồn Bến Đền. Khi nhận lệnh, tôi đi như chạy trong đêm tối, một mạch đến nơi. Sau đó ít ngày, ta mở đợt công đồn Bến Đền, làm tiêu hao một phần sinh lực địch”, ông Thiệp nhớ lại.

Những ngày tháng làm liên lạc tại khu căn cứ cách mạng Soi Cờ, Soi Giá, ông Thiệp không thể quên hình ảnh những người dân yêu nước bị thực dân Pháp giết hại. Khoảng giữa năm 1948, phong trào cách mạng trong vùng địch tạm chiếm lên cao, nhận thức rõ nguy cơ, địch ra sức đàn áp, khủng bố mạnh ở Soi Cờ, Soi Giá và thị xã Lào Cai. Cuối tháng 5/1948, quân Pháp mở một cuộc truy quét vào vùng này, bắn chết một người canh gác cảnh giới ở đầu ấp Soi Cờ và bắt 13 người dân yêu nước, phục vụ cách mạng. Chúng dụ dỗ và tra tấn họ nhưng vẫn không thể khai thác được thông tin gì về lực lượng kháng chiến của ta, cuối cùng đưa họ ra hành quyết ngay dưới gốc đa cổ thụ Soi Cờ và đốt 48 nhà dân quanh khu vực. Hành động dã man đó càng thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong Nhân dân, trong đó có ông Thiệp.

Sau khi căn cứ Soi Cờ, Soi Giá bị lộ, ông Thiệp theo bộ đội chủ lực rút về Lục Yên (Yên Bái) củng cố lực lượng. Riêng ông làm nhiệm vụ chuyển gạo, chuẩn bị cho chiến dịch Lê Hồng Phong. Chiến dịch nổ ra, ông Thiệp làm công tác cứu thương cùng bộ đội tham gia chiến đấu đánh đồn Phố Lu, rồi trực tiếp cầm súng theo bộ đội tiến vào đường Gốc Tủm, Gốc Sâm (khu vực xã Phong Niên, Phong Hải ngày nay), qua Bản Phiệt, Bản Lầu vòng ra đánh địch, giải phóng thị xã Lào Cai ngày 1/11/1950.

“Buổi chiều ngày 1/11/1950, chúng tôi tiến ra thị xã Lào Cai. Lúc này, cầu Cốc Lếu đã bị đánh sập, chúng tôi tìm nhiều cách qua sông Hồng để sang bên khu Cốc Lếu. Không khí những ngày Lào Cai giải phóng thật khó tả xiết, từ Bảo Yên, Bảo Thắng, lên Bản Phiệt, Bản Cầm, ra thị xã Lào Cai, đâu đâu cũng gặp cảnh người dân reo hò, phấn khởi, vậy là từ nay quê hương đã được giải phóng, người dân hoàn toàn được tự do”, ông Thiệp kể về cảm xúc của mình những ngày chiến thắng 71 năm trước.

Cầu Cốc Lếu qua sông Hồng trước năm 1945.

Cuộc kháng chiến giải phóng Lào Cai trong sử sách còn ghi: Ngày 12/9/1950, trước ngày quân ta nổ súng tiến công Đông Khê, lực lượng tham gia chiến dịch Lê Hồng Phong đợt 2 đã đồng loạt tấn công địch trên mặt trận Lào Cai. Mở màn, quân và dân ta tấn công địch ở Pa Kha; ngày 20/9 giải phóng Bắc Hà; ngày 22/9 giải phóng Lùng Phình; ngày 27/9 giải phóng Si Ma Cai; ngày 25/10 giải phóng Phố Mới; ngày 27/10 giải phóng Cam Đường; ngày 1/11/1950 giải phóng thị xã Lào Cai. Thừa thắng xông lên, quân ta tiếp tục truy kích địch, giải phóng Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bình Lư, Phong Thổ.

Chiến dịch Lê Hồng Phong đợt 2 hoàn toàn thắng lợi, Lào Cai được giải phóng, mở ra bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến của đồng bào các dân tộc trong tỉnh bước sang thời kỳ mới, mở thông đường biên giới, củng cố niềm tin của Nhân dân vào thắng lợi cuối cùng. Trong 2 đợt của chiến dịch Lê Hồng Phong, Lào Cai đã cung cấp 150 tấn gạo, 65 tấn thóc và ngô, 310 con trâu và hàng nghìn dê, lợn… Tỉnh đã huy động hơn 42.300 lượt dân công, 8.600 lượt ngựa thồ, làm gần 1.000 gian nhà, sửa chữa 70 km đường, làm mới 20 cống, cầu phục vụ bộ đội hành quân…

Sau ngày Lào Cai giải phóng, đến cuối năm 1951, ông Thiệp nhập ngũ vào đơn vị của Tỉnh đội Lào Cai và tham gia tiễu phỉ tại Bắc Hà, Bát Xát. Năm 1958, ông phục viên về công tác tại xã Gia Phú cho đến khi nghỉ hưu năm 1977. Ở tuổi 91, cựu chiến binh Phạm Văn Thiệp có 60 năm tuổi Đảng, ông tự hào vì đã góp công sức cùng quân dân các dân tộc trong tỉnh giải phóng Lào Cai 71 năm trước. Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo: Đó là những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng hào hùng, nếu có sự chọn lựa, tôi vẫn sẽ bước tiếp con đường theo Đảng, theo cách mạng như hơn 70 năm trước, cống hiến thật nhiều cho quê hương!

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348962-ky-uc-ngay-giai-phong-cua-mot-cuu-chien-binh