Ký ức không phai của chiến sĩ Điện Biên Phủ

'Mấy ngày nay, ông ấy tỉ mẩn ngồi đính những huân huy chương được tặng lên chiếc áo trắng mới nhất rồi treo ngay ngắn trong phòng. Những bài hát, vần thơ những ngày 'khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt' ở chiến dịch Điện Biên Phủ được ông ngân nga suốt ngày. Cả nhà như sống lại những tháng ngày hào hùng của dân tộc' – vợ cựu binh Võ Nguộc (chiến sĩ Điện Biên Phủ) tâm sự.

Dù đã hơn 90 tuổi nhưng cựu binh Võ Nguộc (trú xóm 6, xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn nhớ như in những ngày "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cựu binh Võ Nguộc hào hứng kể lại những tháng ngày chiến đầu ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông hào hứng kể ngay khi chúng tôi hỏi về chiến dịch "chấn động địa cầu". Ông kể, tháng 1/1952, lúc ông tròn 22 tuổi, lên đường nhập ngũ tại D32, Quân khu 4, tham gia chiến dịch Thượng Lào. Sau đó, đơn vị ông được chuyển sang Sư đoàn 36, ông được ở lại Đại đội 925 - D5,Trung đoàn 174, Sư đoàn 36 và bắt đầu tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhiện vụ của đơn vị của ông là đào hầm, xây dựng trận địa pháo. Thời điểm đó, để tránh hỏa lực mạnh của dịch, các chiến sĩ đào hầm, đào giao thông hào vào ban đêm. Hơn nữa, một giao thông hào chỉ chứa được 3 người. Mỗi tiểu đội bộ binh phải đào 3 cái hào. Khi đào đến hầm tướng Christian de Castries, cách 100m thì đặt khối bộc phá. Vừa đào hầm, các chiến sĩ phải ngụy trang thật khéo để tránh địch phát hiện.

Không chỉ đào hầm hào, đơn vị ông còn di chuyển pháo vào vị trí chiến đấu, đường kéo pháo được bộ đội luồn dưới các cánh rừng rậm, đoạn nào cây thưa thì gác giàn, phủ lá ngụy trang để tránh máy bay địch phát hiện. Pháo được kéo vào ban đêm, vượt qua hàng chục đèo cao, dốc đứng trước sự bắn phá của máy bay và pháo binh địch.

Những huân, huy chương được ông Võ Nguộc đính ngay ngắn trên chiếc áo trắng mới tính.

Đến ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Sư đoàn của cựu chiến binh Võ Nguộc nhận nhiệm vụ đánh vào Đồi Him Lam, Đồi Độc Lập. Thời điểm này, ông được giao nhiệm vụ làm tiểu đội Trưởng, nhiệm vụ lúc này là canh gác lính đào hầm, đào giao thông hào.

Trong lúc canh giữ lính đào hầm thì bị thực dân Pháp bắn phá, áp sát. Nhanh trí, ông lấy 2 quả lựu đạn ném và tiêu diệt nhiều tên địch. Đây là chiến công đầu tiên của ông khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại trận đánh đồi A1, thực dân Pháp xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố. Dù đã chọn những chiến sĩ khỏe mạnh nhất, nhưng do đất đồi A1 rất cứng, nên việc đào đường hầm dự tính trong 7 ngày phải kéo dài hơn dự kiến.

"Các chiến sĩ ta phải mất 12 ngày mới đào được khoảng 33m đến chỗ nghi là hầm ngầm của địch thì mới dừng lại. Sau đó, chúng tôi vận chuyển thuốc nổ vào vị trí, trong một đêm, chúng tôi đã chuyển 960kg đến cuối đường hầm. Để hoàn thành nhiệm vụ này, tại đây, các đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh rất nhiều" - ông Võ Nguộc nghẹn lời nhớ lại.

Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên phủ. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch tặng các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên phủ tung bay rực rỡ trên nóc hầm chỉ huy của địch: Ảnh tư liệu

Đêm 6/5, sau khi nhận lệnh từ cấp trên, chiến sĩ Phạm Văn Bạch đã kích nổ khối bộc phá làm rung chuyển cả quả đồi, là hiệu lệnh cho bộ binh xung lên đánh chiếm các lô cốt trên đồi này cũng như tất cả các cứ điểm của địch ở trung tâm Mường Thanh. Cả lòng chảo chìm trong biển lửa.

"Trận thắng đồi A1 có một ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra cho toàn mặt trận nhanh chóng chuyển sang tổng công kích và đã giành toàn thắng chỉ sau đó 13 giờ. Ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Christian de Castries báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến thắng của quân ta trên đồi A1 đã trở thành một trong những chiến công huyền thoại đi vào lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam" – ông Nguộc hào hùng nói.

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sĩ Võ Nguộc tiếp tục tham gia các chiến dịch khác như: Chiến dịch Mậu Thân 1968; Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Xuân- Hè 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Sau năm 1975, ông trở về Tổng cục Hải quân công tác.

Năm 1982, ông về hưu với cấp bậc Trung tá. Dù đã 70 năm trôi qua, trong ký ức người lính già năm xưa vẫn vẹn nguyên hình ảnh hào hùng của đồng đội, những ký ức về những ngày tháng chiến đấu khốc liệt, những hy sinh anh dũng của đồng đội vẫn không phai mờ trong tâm trí của ông.

N. Hạnh - V. Đồng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ky-uc-khong-phai-cua-chien-si-dien-bien-phu-172240506115552904.htm