Ký ức Khe Sanh năm Mậu Thân

...Sau hơn 10 ngày điều trị sốt rét ác tính tại Trạm Y tế Cù Bai, tôi về đơn vị được một tuần thì Chiến dịch tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân nổ ra và tin vui thắng lợi liên tiếp bay về. Sau thất bại nặng nề, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson buộc phải tuyên bố 'Hạn chế hoạt động quân sự của Mỹ trên chiến trường miền Nam và ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra'. Tuyên bố này của Tổng thống Lyndon B.Johnson đã chính thức thừa nhận sự phá sản của chiến lược 'Chiến tranh cục bộ' của Mỹ ở miền Nam.

Bảo tàng Bản Đông, nơi lưu giữ những kỷ vật cuộc chiến Đường 9 Nam Lào - Ảnh: H.N.K

Hơn một tháng sau, ngày 13/5/1968, Mỹ buộc phải chấp nhận ngồi lại đàm phán với ta tại Hội nghị hai bên ở Paris để bàn về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Theo nhận định của ta thì Mỹ đã thua, nhưng muốn “thua trên danh dự”, vì vậy Hội nghị Paris là con đường đẹp nhất để Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Trong phiên họp này, Mỹ đã thỏa thuận chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận yêu cầu của ta là mở rộng thành phần tham gia Hội nghị Paris từ hai bên lên bốn bên, gồm: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính quyền Sài Gòn.

Nghe tin này, chúng tôi ai cũng mừng vui khôn xiết. Anh Trần Văn Dũng, cán bộ văn phòng Ban Tuyên huấn sướng quá lôi súng ra bắn “chỉ thiên” hết luôn một băng đạn và nói: “Không có pháo thì bắn súng thay pháo để ăn mừng”. Nói rồi anh lại thay băng đạn khác bắn tiếp thêm một băng, lại nói: “Bắn cho đã, kẻo bữa khác hòa bình, không có súng mà bắn”.

Nhưng có lẽ sướng nhất là từ nay đi ngủ không phải chui xuống hầm như mọi khi, mà có thể ngủ trên võng, hoặc ngồi chơi tú-lơ-khơ, nghe đài trên lán. Thi thoảng chạy ra ngoài nhìn những chiếc máy bay C.130 lầm lì xả đạn 12 ly xuống những nơi chúng nghi có xe vận tải của ta trên tuyến đường Trường Sơn.

Cũng có lúc chúng bắn trúng và xe bốc cháy, nhưng lạ thay, khi xe đã cháy thì không còn nghe thấy tiếng máy bay nữa. Sau này bộ đội ta mới ngộ ra rằng, loại máy bay C.130 “đi ăn đêm” được trang bị “tia hồng ngoại” nên bắn rất chính xác. Nhưng hễ ở mặt đất có ánh sáng, thì “tia hồng ngoại” sẽ bị vô hiệu hóa. Vậy là kế sách đối phó với C.130 đã có lời giải, đó là trên mỗi chiếc xe phải có vài cái lốp hỏng, một lọ xăng nhỏ để làm mồi, nếu nghe tiếng máy bay C.130, cứ việc hạ lốp xuống, tẩm tí xăng rồi đốt lửa lên và yên tâm nhấn ga thẳng tiến!

Di tích căn cứ Làng Vây - Ảnh: N.K

Mặc dù đã tuyên bố hạn chế hoạt động quân sự nhưng Mỹ vẫn ồ ạt tăng cường lực lượng và phương tiện chiến tranh vào chiến trường miền Nam, đặc biệt là chiến trường Bắc Quảng Trị. (ta gọi là mặt trận B.5). Chúng tập trung xây dựng cụm cứ điểm Khe Sanh thành một “Pháo đài bất khả kháng”.

Chúng yên tâm với cụm cứ điểm này chắc chắn ngăn chặn được sự chi viện của miền Bắc với miền Nam và chặn đường của quân chủ lực của ta từ Lào sang, đồng thời làm bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh. Cũng chính vì đặt cụm cứ điểm Khe Sanh là một vị trí chiến lược quyết định cho sự thắng, bại của Mỹ trên toàn chiến trường nên Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson đã yêu cầu Tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam phải ký giấy cam đoan là bằng mọi giá không được để mất Khe Sanh.

Thế nhưng “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, quân và dân ta với tinh thần dũng cảm, sáng tạo với sức mạnh “chiến tranh nhân dân”, đã từng bước đập nát mọi ảo tưởng của chúng trên mảnh đất này. Ngày 20/1/1968, tức là trước ngày Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 10 ngày, quân ta đã mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh nhằm mục đích kéo quân chủ lực của địch, chủ yếu là quân Mỹ ra Đường 9 để giam chân chúng tại đây, tạo thuận lợi cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta tại các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn và Huế.

Để thực hiện chủ trương này, Bộ Tổng Tư lệnh đã điều động cho Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh một lực lượng mạnh gồm đầy đủ mọi quân chủng, binh chủng cùng với lực lượng vũ trang địa phương của các huyện Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa...

Đầu tháng 6 năm 1968, chúng tôi lại được ra Vĩnh Linh để học tập, quán triệt Nghị quyết của Khu ủy Trị - Thiên về “Âm mưu của Mỹ ở miền Nam sau khi chấp nhận ngồi vào đàm phán với ta tại Hội nghị Paris và chủ trương, chính sách của ta đối với cuộc Cách mạng Dân tộc, Dân chủ, Nhân dân ở miền Nam”.

Vĩnh Linh sau những ngày Mỹ tuyên bố ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc phải nói là vui như trẩy hội, không còn cảnh phải đi lại dưới giao thông hào, các cửa hàng “mậu dịch quốc doanh” và “HTX mua bán” không còn cảnh mua bán dưới hầm và đã có thêm nhiều mặt hàng mới từ Hà Nội chuyển vào. Nhiều đoàn văn công của của trung ương, của các quân khu, binh chủng, các đội chiếu bóng cũng ưu tiên đến Vĩnh Linh phục vụ..

Hưởng niềm vui ở Vĩnh Linh chưa được một tuần, chúng tôi có lệnh phải vào lại chiến trường ngay, bởi lúc này quân ta đã bẻ gãy hai gọng kìm quan trọng trong tuyến phòng ngự chiến lược của địch đó là Làng Vây, Tà Cơn và đang tiếp tục vây hãm Khe Sanh - Cụm cứ điểm hùng mạnh nhất của Mỹ tại mặt trận đường 9- nơi chúng cho là “thỏi nam châm” để hút lực lượng cộng sản. Mà đúng là đã hút lực lượng của ta thật, bởi càng ngày quân ta tiến về Khe Sanh với lực lượng đông hơn, mạnh hơn với thế thượng phong.

Đến ngày 9/7/1968, quân ta đã giành chiến thắng vang dội tại mặt trận Khe Sanh, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa. Đây là huyện đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Ngay chiều hôm đó, anh Vũ Cường, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã viết bài: “Khe Sanh đã biến thành Khe tử”. Còn báo chí phương Tây, kể cả các báo ở Sài Gòn cũng đăng tin và bình luận: “Thất bại của Mỹ ở Khe Sanh, giống như thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ”, một thất bại thảm hại cả về chính trị, quân sự cũng như chiến lược và chiến thuật.

Mỹ tháo chạy khỏi Khe Sanh, các cơ quan của tỉnh chuyển về đóng tại xã Tà Rụt, nay thuộc huyện Đakrông. Đây là một “hậu cứ” vừa đẹp, vừa an toàn bởi có rừng già để làm lán trại, có bãi bồi rất rộng dọc sông Tà Rụt tiện cho việc tăng gia sản xuất và đi lại với vùng đồng bằng cũng thuận lợi.

Lúc này ở mặt trận B.5 khí thế của quân và dân ta lên rất cao, từ miền núi đến đồng bằng đâu đâu cũng sục sôi khí thế chiến thắng, nhiều làng, xã lực lượng cán bộ, du kích đã ra hoạt động công khai. Đặc biệt là nhiều nam thanh, nữ tú đã tình nguyện tham gia quân giải phóng, hoặc vào lực lượng dân quân tự vệ. Các đường làng, ngõ xóm đều treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và đi đến đâu cũng nghe câu hát: “Quê nhà ta nay đã đổi thay lớn lên từng ngày”.

Hồi ký: Phan Sáu

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/ky-uc-khe-sanh-nam-mau-than/178185.htm