Ký ức hào hùng không thể nào quên

70 năm trôi qua, ký ức của cựu chiến binh Hoàng Tam về những ngày tháng chiến đấu hào hùng, những hy sinh anh dũng của đồng đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn không phai mờ trong tâm trí của ông.

Giọng nữ

Giọng nữ

Giọng nam

Cựu chiến binh Hoàng Tam (ngồi giữa) kể lại những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với ông Hoàng Tam, tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn để nghe kể về những năm tháng của tuổi trẻ chiến đấu anh dũng. Bước sang tuổi 90, nhưng mỗi khi nhớ lại mốc son lịch sử 70 năm trước, đôi mắt ông Tam vẫn ánh lên niềm tự hào. Sinh năm 1934 tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1953, chàng thanh niên Hoàng Tam khi đó mới 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc xung phong nhập ngũ và được biên chế vào tiểu đội 4, trung đội 2, đại đội TNXP, có nhiệm vụ đảm bảo giao thông tuyến đường huyết mạch lên Điện Biên Phủ.

Ông Tam bồi hồi nhớ lại: Đảm bảo giao thông cho các lực lượng của ta tham gia chiến dịch, từ đầu năm 1953, lực lượng Thanh niên xung phong cùng bộ đội và dân công đã sửa chữa một số trục đường lên Tây Bắc. Các đội thanh niên xung phong không quản mưa gió và khí hậu giá lạnh của núi rừng Tây Bắc, khắc phục muôn vàn thiếu thốn, gian khổ, đêm ngày trụ vững địa bàn, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Đơn vị tôi khi đó được giao nhiệm vụ sửa chữa đường tại địa phận huyện Mộc Châu.

Sau 6 tháng ở đại đội TNXP, cuối năm 1953, ông Tam được biên chế sang tiểu đoàn 7, trung đoàn 165, sư đoàn 312 hành quân lên Điện Biên Phủ. Con đường hành quân phải băng rừng, vượt suối, lội đèo, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để hành quân. Đường đi khó khăn, nhưng toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật. Cứ thế đêm đi, ngày nghỉ. Đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2 giờ sáng. Đến bữa chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu cháo loãng, nhiều bữa chỉ có chút rau rừng làm canh.

Lên tới điểm tập kết, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đảm bảo mạch máu thông tin liên lạc cho chiến dịch, truyền đạt mệnh lệnh ý kiến chỉ đạo của Bộ Chỉ huy. Khu vực nào đường dây bị đứt là lính thông tin phải có mặt để nối lại, bảo đảm mọi thông tin, lệnh, chỉ thị của cấp trên được truyền đi nhanh chóng, kịp thời, giữ bí mật để phục vụ công tác triển khai chiến thuật, phương án tác chiến. Thời tiết, khí hậu Tây Bắc rất khắc nghiệt ảnh hưởng sức khỏe của chiến sĩ ta, nhiều đồng chí của ông đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, bản thân ông sau hơn 4 tháng phục vụ thông tin liên lạc đã bị sốt rét.

Giải phóng Điện Biên, năm 1955, đơn vị ông hành quân về Hà Nội, làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu tại sân bay Kép, Bắc Giang. Năm 1959, ông Tam cùng đơn vị tiếp tục hành quân lên Tây Bắc, xây dựng Nông trường Tô Hiệu, trụ sở tại xã Hát Lót, nay là thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Khi đó, nông trường có hơn 2.000 công nhân, được phân công về 22 đội.

Bước sang mặt trận kinh tế, ông Tam quyết tâm vừa học, vừa làm, nâng cao trình độ, vận dụng những kiến thức, kết hợp với những kinh nghiệm và hết lòng hết sức vì việc chung, nên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông được phân công vào đội công trình, có nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho các đội. Đến năm 1968, sau khi thành lập thị trấn Nông trường Tô Hiệu, ông được phân công giữ chức Trưởng phòng hành chính, rồi Chủ tịch thị trấn Nông trường Tô Hiệu. Từ tháng 11/1988, ông về nghỉ chế độ, trú tại tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Những kỷ niệm về một thời chiến đấu anh dũng của bản thân và đồng đội vẫn được ông Tam kể lại cho con cháu nghe, nhắc nhở con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2024-/ky-uc-hao-hung-khong-the-nao-quen-T6a0gZaSg.html