Kỳ tích phá án nơi biên ải

Con đường tác nghiệp đầy khó khăn của các chiến sỹ bộ đội biên phòng Điện Biên. KTNT - Lâu nay, việc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy luôn là công việc phức tạp, nguy hiểm, vậy mà ở mảnh đất biên ải xa xôi, nghèo khó như Điện Biên, các chiến sỹ bộ đội biên phòng vẫn đấu tranh dũng cảm với bọn tội phạm. Những chiến công họ lập được xứng đáng được gọi là kỳ tích.

Con đường tác nghiệp đầy khó khăn của các chiến sỹ bộ đội biên phòng Điện Biên.

KTNT - Lâu nay, việc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy luôn là công việc phức tạp, nguy hiểm, vậy mà ở mảnh đất biên ải xa xôi, nghèo khó như Điện Biên, các chiến sỹ bộ đội biên phòng vẫn đấu tranh dũng cảm với bọn tội phạm. Những chiến công họ lập được xứng đáng được gọi là kỳ tích.

Bài 1: Theo chân đội đặc nhiệm

Nhìn trên bản đồ, đoạn đường từ TP. Điện Biên Phủ vào huyện Mường Nhé chẳng khác nào sợi chỉ nhỏ chạy ngoằn ngoèo xuyên qua các ngọn núi, cánh rừng. Dù được đi với một tay lái điêu luyện đã có 20 năm kinh nghiệm trên tuyến đường này, song chúng tôi vẫn không khỏi nín thở...

Băng rừng

Được giao đi thực tế tại Mường Nhé cùng các chiến sỹ bộ đội biên phòng, chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để vượt qua quãng đường dài gần 800km lên với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Đồng chí Lê Quang Đán, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) cho biết, vì có đường biên giới dài 360km, địa hình chia cắt, rừng núi phức tạp nên Điện Biên là điểm "nóng" về tội phạm ma túy. Chỉ tính riêng trên tuyến biên giới Việt - Lào đã có tới 1.709 đối tượng nghiện hút.

Lợi dụng đường biên giới trải dài và chia cắt, bọn tội phạm ma túy thường đóng giả là người đi làm nương sang Lào, hoặc người Lào mang hàng hóa vào Việt Nam buôn bán để đưa ma túy qua biên giới, hoặc thuê phụ nữ là người dân tộc thiểu số vận chuyển ma túy. Thậm chí, bọn tội phạm còn hướng dẫn chị em cho ma túy vào bao cao su rồi nhét vào chỗ kín, khiến việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Hôm ấy, chúng tôi cùng chiến sỹ Cà Văn Xuyên và Trung úy Nguyễn Sỹ Bính, trinh sát viên trèo đèo lội suối vào Leng Su Sìn, xã đặc biệt khó khăn của Mường Nhé, nằm ở khu vực ngã ba biên giới Lào - Việt - Trung. Chiếc Toyota của đội đặc nhiệm luồn lách qua những con đường gấp khúc quanh co và hẹp, rồi lại leo ì ạch lên những con dốc thẳng đứng. Lái xe Trường, người có 20 năm cầm lái đường rừng, phải xắn quần cao tới đùi lội xuống suối dò đường, ấy thế mà lúc xe lần mò lội qua con suối chảy xiết, chúng tôi vẫn gai người.

Thấy mấy phóng viên nhắm tịt mắt lại vì sợ, Trung úy Bính cười nói: "So với những con đường "chuột đi" ở Mường Nhé, thì bấy nhiêu thôi chưa là gì. Có thôn bản xa xôi tới mức, đường đi chỉ là những lối mòn xuyên rừng, vừa rậm rạp, vừa nhiều dốc cao thẳng đứng, đến nỗi người đi sau chỉ thấy gót chân người đi trước. Mấy năm trước, từ thành phố vào đây chúng tôi thường phải dùng ngựa, mang theo nước uống, lương thực để cắt núi, xuyên rừng, vài ngày trời mới tới nơi. Bây giờ, có đường ô tô vào Leng Su Sìn đã là tốt lắm rồi...".

Theo Trung úy Bính, hiện Mường Nhé còn xã Na Cô Xa, nơi duy nhất trong tổng số 112 xã của tỉnh chưa có đường ô tô vào đến trung tâm. Những ngày mưa, nếu tài xế nào không quen đường thì chỉ có cách ngủ nhờ nhà dân, chờ đường khô ráo mới dám đi tiếp. Ở đây, người dân địa phương vẫn thường quấn xích vào lốp xe để bám đường ra trung tâm xã hoặc xuống huyện.

Những khó khăn trong chuyện đi lại ở Mường Nhé có lẽ ai cũng thấu hiểu. Thế nhưng ít người biết, trong công tác phòng chống tội phạm ma túy, các chiến sỹ bộ đội biên phòng Điện Biên đã phải nỗ lực như thế nào để chiến thắng sự gian khổ ấy.

Mai phục

Trung úy Bính, sinh năm 1980, quê ở Thái Thụy (Thái Bình), lên Điện Biên làm trinh sát viên từ năm 2005, kể: "Trong quá trình phá án, nhiều hôm bộ đội biên phòng phải thức trắng hết đêm này qua đêm khác, rồi có những lần bị sốt rét rừng, bụng đói, trời mưa, đành để quần áo ướt ngủ qua đêm trong rừng. Để mai phục tội phạm, chúng tôi thường phải đi bộ xuyên rừng hàng trăm cây số, mệt đến rã rời, nhưng không lúc nào được chủ quan vì bọn tội phạm bây giờ ngày càng tinh vi, nham hiểm".

Không ít lần Trung úy Bính thực hiện trinh sát đơn tuyến. Trong hành trình đơn độc ấy, khi phải đối mặt với những hiểm nguy khó lường, Bính đã có lúc nhụt chí. Trong số các đồng nghiệp của Bính, cũng đã có người bỏ việc. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, Bính đã chiến thắng được nỗi sợ hãi của bản thân, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bính nói: "Đường dài, lắm đèo lắm suối nên hay mệt mỏi, nhưng chúng tôi luôn nhắc mình không được phép ngồi nghỉ, vì mỗi lần dừng lại là mỗi lần làm con người ta chùn bước. Cứ bền bỉ đi đều chân, vừa đi vừa luyện tập, lúc khỏe không đi quá nhanh, dễ mất sức, khi mệt thì đi chậm lại. Dù có nóng, khát cháy họng cũng không được uống nhiều nước mà chỉ uống từng ngụm nhỏ".

Để đảm bảo thông tin một cách tuyệt đối bí mật trong quá trình mai phục, phá án, Bính và đồng đội không bao giờ dùng tên thật, chỉ được phép thông tin qua ám hiệu, ánh mắt. Nếu đi phá án bằng ô tô, thì cứ 30km phải thay xe hoặc thay biển số. Ngay cả việc ăn mặc cũng phải nghiên cứu làm sao cho phù hợp để dễ dàng tiếp cận đối tượng, không bị lộ khi "đánh" án. Lúc Bính là trai Mông, khi lại cải trang thành người Dao, Hà Nhì, cũng có khi chỉ là anh nông dân làm thuê ngờ nghệch...

Vì sự bình yên nơi biên cương của Tổ quốc, Bính và đồng đội trở thành những diễn viên không chuyên từ lúc nào không hay...

Trung úy Bính cho biết, để bảo mật thông tin, những chiến sỹ tham gia đánh án thường không thể biết trước được mình sẽ đánh vụ án nào, ở khu vực nào. Khi có mệnh lệnh của cấp trên, các chiến sỹ sẽ dùng hệ thống điện thoại vệ tinh. Lúc vào "chiến trận", họ sẽ chia làm vòng ngoài và vòng trong. Vòng trong thường là các trinh sát nội tuyến, làm nhiệm vụ trực tiếp bắt giữ đối tượng; vòng ngoài thường làm nhiệm vụ hỗ trợ vòng trong, hoặc khi vòng trong đã bắt được đối tượng thì vòng ngoài áp giải ra xe chuyên dụng để đưa về trại giam. Trên cung đường áp giải phạm nhân, cũng tùy từng trường hợp mà thay xe hoặc thay biển số để tránh bị tội phạm tổ chức cướp phạm nhân giữa đường.

Bài 2: Phá án

Minh Đức

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/phongsukysu/2011/11/31016.html