Kỳ thú Kinabalu

(TNTS) Kinabalu là thủ phủ của bang Sabah (lớn thứ 2 trong 13 bang của Malaysia), nằm trên đảo Borneo (đảo lớn thứ 3 thế giới, thuộc chủ quyền của 3 quốc gia: Brunei, Malaysia và Indonesia).

Theo tiếng Malaysia, Kota có nghĩa là thành phố. Kinabalu cũng là ngọn núi cao 4.101m (nhiều tư liệu ghi là 4.095m) là một trong những đỉnh cao nhất của ASEAN, có vườn quốc gia cùng tên là di sản thiên nhiên thế giới, những bãi biển cực đẹp. Được bao bọc bởi 1.400 km bờ biển, có 6 đảo nhỏ bao quanh. Mỗi đảo là một “vương quốc” về du lịch biển. Đảo Gaya có Gaya Na Eco resort 5 sao đặc sệt sinh thái biển. Các bungalow trên biển đều được làm bằng cây, từ cột, móng đến vách và cả đường đi. Hệ thống nước thải được khéo léo giấu dưới sàn và lối đi rồi đưa lên bờ xử lý. Quanh nhà, dưới nước là những đàn cá đủ màu, vô tư đùa giỡn, khách có thể nhảy xuống tắm chung với chúng. Resort có lưới bảo vệ đàn cá tự nhiên. Ở đây có cả trung tâm nghiên cứu về biển, có hồ nuôi và trưng bày sinh vật biển. Lần đầu tiên tôi thấy cá Bò Hòm và tận tay cầm ngắm nhiều loại hải sâm… Sau khi xem phim tư liệu, kêu gọi chung tay giữ gìn bảo vệ môi trường biển, du khách cùng các chuyên gia cấy những cành san hô chết vào các chậu dinh dưỡng, chờ hồi sinh rồi mang chúng xuống cấy dưới biển. Một việc làm thật có ý nghĩa và thiết thực để giáo dục cộng đồng. Bãi tắm ở đảo Manukan là một thủy cung khổng lồ, cơ man nào là cá. Chỉ cần một ít thức ăn là tha hồ đùa nghịch, tắm chung với cá cả ngày. Thi thoảng vài chú cá nghịch ngợm “ngoạm” nhẹ vào đùi hoặc tay như nhắc con người đừng quên chúng. Biển xanh trong ngọc bích, cát trắng mịn, nắng mạnh mẽ, gió nồng nàn luôn đem đến cho du khách sự sảng khoái giữa thiên nhiên hào phóng. Bạn có thể lái tàu ngầm mini - gọi là xe cũng được vì có 4 bánh nhỏ - xuống biển ngắm san hô, dạo chơi với các cư dân của thủy cung. Các resort nằm cạnh rừng ven biển đều có phong cách riêng, sang trọng, tinh tế mà thân thiện với môi trường. Tôi đã bắt gặp chú kỳ đà tổ chảng nhẩn nha cạnh đường mòn ngay phòng ở. Chim chóc vô tư ríu rít, còn sóc cứ thoải mái chuyền cành, coi bạn như người nhà của chúng. Cái khó nhất là Manukan vẫn giữ được nét hoang sơ mà lịch lãm, những tiện nghi hiện đại được sắp xếp hài hòa và ấn tượng, không chê vào đâu được. Kinabalu còn có đảo Rùa là một trong năm điểm lặn đẹp và lý thú nhất của thế giới. Các giá trị truyền thống cũng là nét độc đáo ở Kinabalu với những mô hình làng văn hóa bản địa đặc sắc. Tại làng Miri cuộc sống của các bộ tộc ít người được tái hiện sinh động. Từ nghi thức nhập làng, từ mái nhà bằng vỏ cây cho đến việc lấy lửa từ những cật tre già. Chỉ với con dao, cục đá và một ít nước, bằng biện pháp thủ công, người bản địa đã dệt vỏ cây rừng thành quần áo. Rồi từ việc nấu nướng chỉ dùng ống tre, cách làm đồ trang sức… cho đến những điệu nhảy sôi động, những câu hát ngọt ngào. Du khách không chỉ xem mà có thể nhập vai, tham gia hết mình với họ, chẳng còn phân biệt đâu là chủ, đâu là khách. Thánh đường Hồi giáo ở Kinabalu - Ảnh: Shutterstock Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia Kinabalu, là vườn Địa Đàng động thực vật của 4 vùng khí hậu: rừng đất thấp, rừng thông, thảo nguyên vùng núi, bụi cây còi vùng đỉnh núi. Vườn rộng 75.400 ha, nổi tiếng về nhiều loại cây, hoa lạ như hoa ăn thịt (Nepenthes Rafah); hoa nhà vệ sinh (Nepenthes Lowil - WC của chuột chù và sóc núi, phân của chúng là thức ăn nuôi hoa!); hoa khổng lồ (Rafflesia Precei), cánh hoa dài tới 1,5m, đài hoa nặng tới 12 kg! Tôi đã có dịp ghé vườn quốc gia Kinabalu - dưới chân ngọn núi cao nhất Đông Nam Á. Từ xa, núi Kinabalu sừng sững, thách thức và mời gọi, khoác trên mình chiếc áo dạ hội trắng xóa mây ngàn. Thông tin mà tôi có được từ các đồng nghiệp Malaysia cho biết: “Quãng đường lên tới đỉnh 4.095m dài hơn 21 km, phải đi trong 2 ngày. Muốn lên núi phải đăng ký giữ chỗ trước hàng tháng. Mỗi ngày chỉ cho phép tối đa 120 người leo núi và phải có hướng dẫn viên chuyên nghiệp phục vụ. Tuyệt đối không có kiểu đi đại, tới đâu hay đó. Dọc đường có các trạm dừng bắt buộc, các nhà ăn và cả phòng ngủ có lò sưởi tươm tất. Vì chuyên nghiệp nên không còn nhiều nét lãng mạn, hoang dại như Fansipan, nhưng bù lại sẽ an toàn hơn và môi trường cũng được bảo vệ tốt hơn…”. Cả đoàn tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm và hẹn sẽ trở lại trong chiến dịch Chinh phục nóc nhà Đông Nam Á sắp tới. Ở độ cao gần 2.000m, vườn quốc gia Kinabalu có hệ động thực vật gần giống Fansipan. Bạn hướng dẫn viên của Tổng cục Du lịch Sabah đưa cả đoàn vào vườn rồi giới thiệu cặn kẽ bằng cả lòng đam mê nghề nghiệp. Đây là loài phong lan nhỏ nhất thế giới, hoa bé hơn cả đầu kim gút. Này là loại cây động vật chỉ vùng này mới có. Kia là các loại rêu - một loại áo ấm của cây, mới nhìn cứ ngỡ giống nhau nhưng thật ra có nhiều loại. Rồi các loại cây đặc hữu. Vào vườn lan, khách như bị lóa mắt bởi nhiều chủng loại quí hiếm, mỗi loài một vẻ, cố khoe sắc và hương thơm hòa quyện với đất trời. Có loài thân quen nhưng nhiều loài tôi chưa từng gặp. Bộ sưu tập lan phong phú bổ sung cho khách nhiều thông tin kỳ thú về loài hoa độc đáo này. Vườn quốc gia Kinabalu còn có khu bảo tồn đười ươi Sepigok - loài vật tinh khôn chỉ xếp sau người. Chúng được mệnh danh là “những người đàn ông hoang dã của Borneo”. Với quần thể gần 200 con, khu bảo tồn là điểm nghiên cứu lý tưởng của thế giới về loài linh trưởng này. Kinabalu là điểm hẹn của các tour Outdoor Training mà phổ biến hơn cả là môn White Water Rafting trên sông Kiuri, phụ lưu của sông Kinabalu, con sông dài nhất xứ sở Hoàng Kim. Không êm ả như ở Tem Burong (Brunei), cũng không gập ghềnh như ở Chiang Mai (Thái Lan), sông Kiuri vừa đủ khó cho những người mới tập chơi Rafting. Có nhiều đoạn rất dễ tạo sự cố để người rớt khỏi thuyền. Dù không biết bơi cũng an tâm bởi đã có áo phao giúp bạn bồng bềnh trên nước. Thú nhất là thả ngửa trôi theo dòng suối mát lạnh, ngắm trời mây sông nước hữu tình. Hướng dẫn viên chăm chút cho khách từ việc nhỏ. Anh mang theo khăn tắm cho từng người sử dụng sau khi chơi Rafting. Kinabalu còn có suối nước nóng và nhiều thác đẹp. Vòng quanh 6 đảo ở Kinabalu lại nhớ về đảo ở VN. Mô hình du lịch kiểu Gaya Na Eco Resort hay ở Manukan đều có thể triển khai ở Côn Đảo và Nha Trang. Ở VN chưa có những chủ doanh nghiệp đam mê với biển, dám đột phá và có tầm nhìn chiến lược. Các dự án du lịch đa phần là xí đất, đầu tư vừa phải rồi chờ sang tên, bán lại kiếm lời. Vào làng Miri lại tiếc cho VN với 54 dân tộc anh em - chỗ nào cũng có thể gìn giữ và phát huy truyền thống theo mô hình tái hiện làng văn hóa để du khách cùng tham gia và cộng hưởng. Thật ra, VN cũng có vài điểm như vậy, nhưng chỉ làm nửa vời nên giả tạo và phản cảm. Thấy bạn làm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm giản đơn mà hiệu quả, càng tâm phục khẩu phục thành tựu “đứng đầu ngành công nghiệp không khói ASEAN” của Malaysia. Với diện tích bằng VN, dân số chỉ 27 triệu người mà mỗi năm xứ sở này đón trên 20 triệu lượt du khách nước ngoài, gấp 5 lần VN! Tự ái và xấu hổ! Biết bao giờ mình mới đuổi kịp người ta??. Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201042/20101013151002.aspx