Kỹ sư người Quảng Trị trong 'Tầm nhìn 2030 của Ả Rập Xê Út'

Anh Hồ Thanh Phương (sinh năm 1992), quê quán ở làng An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cựu học sinh chuyên Vật lý, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, hiện đang công tác trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô điện tại Ả Rập Xê Út theo chính sách thu hút nhân tài của chính phủ nước này cho tầm nhìn 2030. Dù ở nơi đâu, anh luôn khát vọng học tập và cống hiến, vượt qua giới hạn khả năng của bản thân để luôn khám phá với cái mới, hiện đại hơn.

Hồ Thanh Phương trong một chuyến công tác - Ảnh: NVCC

1. Khi vừa tốt nghiệp ngành Cơ điện tử thuộc chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, anh Phương phân vân giữa tiếp tục theo đuổi con đường học vấn hay phát triển sự nghiệp trong môi trường công nghiệp. Cuối cùng, anh quyết định lập nghiệp vì muốn ứng dụng những kiến thức được học vào môi trường thực tế.

Có bằng cấp chất lượng, anh không gặp khó khăn khi đầu quân cho Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ ô tô của Bosch, tại TP. Hồ Chí Minh với vị trí kỹ sư phát triển sản phẩm. Trung tâm là chi nhánh của Tập đoàn Bosch, tập đoàn cung cấp công nghệ và dịch vụ hàng đầu thế giới, ra đời năm 1886.

Hoạt động của Bosch gồm các lĩnh vực kinh doanh giải pháp di chuyển, công nghệ trong công nghiệp, hàng tiêu dùng, công nghệ năng lượng và xây dựng. Là tập đoàn tiên phong về internet vạn vật, Bosch luôn cung cấp các giải pháp sáng tạo. Nói cách khác, Bosch xây dựng công nghệ sáng tạo vì cuộc sống.

Tại đây, nhóm của anh gồm 6 người, tập trung nghiên cứu về sự tương quan và độ ảnh hưởng của các thông số kỹ thuật của đai truyền động (dây curoa) đến hiệu suất làm việc và độ bền của nó. Từ đó đưa ra giải pháp để tối ưu hóa thiết kế sản phẩm. Công việc không chỉ giúp anh trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn phát triển khả năng tổng hợp thông tin, làm việc nhóm và hiểu được quy trình phát triển sản phẩm.

Sau hơn 2 năm, anh may mắn được tham gia vào dự án phát triển một sản phẩm mới, cụ thể là đai truyền lực thế hệ mới trong hộp số tự động biến thiên vô cấp, giúp tiết kiệm nhiên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xe ô tô điện và xe xăng lai điện. Làm ra sản phẩm mới uy tín, anh được công ty cử sang Hà Lan trao đổi chuyên môn để thúc đẩy, tăng cường hợp tác hơn nữa với công ty mẹ và mang về các dự án mới cho công ty Bosch ở Việt Nam.

2. Một bất ngờ thú vị xảy ra. Năm 2019, anh may mắn cùng lúc nhận được hai cơ hội mới để phát triển sự nghiệp. Đó là vị trí kỹ sư ở Công ty Technostar của Nhật Bản hoặc là kỹ sư kiểm thử cao cấp ở VinFast. Tại thời điểm đó, cả hai cơ hội mới đều mang đến nhiều thử thách thú vị nhưng đặt ra cho anh không ít băn khoăn trong việc lựa chọn điểm đến ý nghĩa nhất. Nếu ở lại thì công việc của anh tại Bosch vẫn rất tốt và có nhiều cơ hội để phát triển.

Với Technostar sẽ giúp anh được làm việc trực tiếp với các kỹ sư giỏi của Nhật Bản với yêu cầu chuyên môn cao, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc quốc tế. Trong khi đó, VinFast là công ty sản xuất ô tô và xe máy điện ở Việt Nam do tỉ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư với tham vọng giành thế tự chủ và chủ động về công nghệ ô tô. Thành công của VinFast sẽ kéo theo sự phát triển của nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vốn còn nhiều tiềm năng.

Sau một thời gian cân nhắc, anh quyết định thử thách công việc ở VinFast vì theo anh, sự thành công của VinFast cũng chính là sự thành công của đất nước Việt Nam; đồng thời đây cũng là cơ hội để anh có thể đóng góp sức mình vào sự phát triển xanh, bền vững cho quê hương. Anh Phương nhớ lại, ở một công ty khởi nghiệp như VinFast, công việc luôn đòi hỏi sự thích nghi nhanh cùng với khả năng làm việc áp lực cao để có thể hoàn thành một cách tốt nhất, nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất.

Mặc dù đã có được kiến thức chuyên môn nhất định trong lĩnh vực ô tô nhưng để làm tốt trong công việc, anh phải liên tục nâng cấp bản thân bằng cách cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng hiện đại của thế giới hằng ngày mới có thể đáp ứng được yêu cầu một cách tốt nhất. Công việc của anh khi đó là quản lý mức độ tiêu thụ năng lượng của xe, xây dựng kế hoạch thử nghiệm chi tiết, đánh giá kết quả, đưa ra giải pháp công nghệ tối ưu nhằm giảm mức độ tiêu thụ năng lượng của xe điện. Anh rất hạnh phúc vì sau gần 3 năm làm việc, anh luôn được công ty đánh giá cao.

Hồ Thanh Phương (thứ 2, từ phải qua) làm việc cùng đối tác Kistler của Đức về các thiết bị thử nghiệm xe ô tô điện - Ảnh: NVCC

3. Nhưng cuộc đời lại luôn chọn anh để thử thách mức độ cầu tiến của một kỹ sư Việt Nam cũng như khát vọng vượt qua giới hạn của bản thân. Đầu năm 2022, anh bất ngờ nhận được lời mời đến làm việc tại Ả Rập Xê Út Công ty Sản xuất xe ô tô điện CEER do chính phủ nước này đầu tư.

Hoạt động của CEER là một phần của “Tầm nhìn 2030 của đất nước Ả Rập Xê Út” nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường đa dạng hóa về kinh tế, xã hội, biến đất nước này trở thành trung tâm tài chính, kinh tế và là điểm kết nối của thế giới, đồng thời làm giảm sự phụ thuộc về kinh tế của Ả Rập Xê Út đối với dầu mỏ. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ của mục tiêu chung, công ty còn có sứ mệnh kích thích hệ sinh thái công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn này, Chính phủ Ả Rập Xê Út có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút những chuyên gia giỏi nước ngoài đến làm việc, như: mức lương cạnh tranh, hỗ trợ nhà cửa, bảo hiểm... Lần thứ hai trong đời Phương lại đứng trước những ngã rẽ không dễ lựa chọn. Sau nhiều lần suy nghĩ, “Tầm nhìn 2030 của đất nước Ả Rập Xê Út” đã thuyết phục được anh với sức trẻ và khát vọng chinh phục những thử thách mới, trải nghiệm mới nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng và tri thức khoa học.

Bây giờ, công việc chính anh đang đảm nhiệm là kỹ sư quản lý năng lượng xe điện. Mỗi một xe điện sẽ có mức độ tiêu thụ năng lượng pin nhất định, từ đó ảnh hưởng đến quãng đường xe đi được trong một lần sạc. Nhiệm vụ chính của anh là nghiên cứu và đề ra các giải pháp công nghệ để tối ưu quãng đường đi được trong một lần sạc, hiệu suất của xe và cảm giác lái. Một số giải pháp công nghệ anh nghiên cứu được áp dụng tại công ty là: Hệ thống phục hồi năng lượng; Hệ thống dự đoán điều khiển và điều khiển tổ hợp; Hệ thống tản nhiệt và quản lý nhiệt độ pin...

CEER hiện có khoảng 600 nhân viên, quy mô sẽ mở rộng gấp đôi trong năm 2024. Dòng sản phẩm chính là sản xuất xe điện SUV và Sedan thuộc phân khúc xe D và E (hạng trung lưu và cao cấp). Những chiếc xe này được thiết kế riêng để phù hợp với thời tiết, đặc trưng văn hóa và sở thích của người Ả Rập Xê Út.

Có hơn 20 kỹ sư người Việt Nam đang công tác tại các bộ phận khác nhau trong công ty. Hầu như tất cả các khâu từ nghiên cứu, sản xuất, chất lượng đều có sự đóng góp của các kỹ sư người Việt Nam và hiệu quả làm việc được đánh giá cao cả về chuyên môn cũng như thái độ. Đặc biệt, có nhiều người giữ vị trí quản lý cấp cao trong công ty.

Anh Phương chia sẻ, để phát triển xe ô tô điện, Chính phủ Ả Rập Xê Út không chỉ đầu tư vào công ty sản xuất xe điện, mà còn tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm như hệ thống trạm sạc, nhà máy và các đại lý. Ngoài ra, còn có những chính sách ưu đãi cho các công ty công nghiệp phụ trợ khi mở nhà máy ở đây nhằm mục đích biến Ả Rập Xê Út thành trung tâm công nghiệp ô tô của thế giới.

Làm việc ở Ả Rập Xê Út mang lại cho anh Phương thêm nhiều kinh nghiệm quốc tế, được học hỏi kiến thức hiện đại. Anh hy vọng cùng các kỹ sư người Việt Nam trước hết sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển bền vững của công ty, một phần “Tầm nhìn 2030 của đất nước Ả Rập Xê Út”.

Nếu có dịp anh sẽ cống hiến hết sức mình cho đất nước trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô điện, một xu hướng tất yếu và nhận được sự quan tâm lớn của các nước trên thế giới nhằm giúp giảm thiểu gánh nặng đối với nguồn tài nguyên năng lượng và mức độ ô nhiễm toàn cầu.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/ky-su-nguoi-quang-tri-trong-tam-nhin-2030-cua-a-rap-xe-ut/183381.htm