Kỷ niệm với thanh xuân

Những cảm xúc đọng lại về một thanh xuân sôi nổi, nhiều trải nghiệm là điều có thể nhận thấy nơi tác phẩm du ký 'Thanh xuân không chỉ một thời' của tác giả Xuân Hiếu.

Tuổi trẻ của bất cứ ai, không ít thì nhiều, đều có những kỷ niệm tươi đẹp, sôi nổi tràn đầy sức sống. Với tác giả Xuân Hiếu cũng không phải ngoại lệ. Đọc những chia sẻ của cô trong bút ký du lịch Thanh xuân không chỉ một thời, độc giả sẽ bắt gặp ở đâu đó, một mảnh đời mình, thanh xuân của mình.

 Bút ký Thanh xuân không chỉ một thời của MC Xuân Hiếu. Ảnh: Q.M.

Bút ký Thanh xuân không chỉ một thời của MC Xuân Hiếu. Ảnh: Q.M.

Hành trình trải nghiệm thanh xuân

Được chia làm 5 chương cùng phần Phụ lục, Thanh xuân không chỉ một thời là hành trình trải nghiệm những vùng đất, con người từ Việt Nam bước ra thế giới của tác giả. Kèm theo đó là những cảm nhận, chia sẻ của Xuân Hiếu trong những chuyến đi "thanh xuân" của mình.

Mở đầu gây ấn tượng trước nhất với độc giả của Thanh xuân không chỉ một thời là điểm đến thiêng liêng của Tổ quốc - quần đảo Trường Sa - nơi ấy, không phải ai cũng có điều kiện đặt chân tới, đó là trải nghiệm "dấu ấn không quên".

Vượt qua những cơn say sóng, những trận gió biển dữ dội, trải nghiệm khi đến với nhà giàn DK1, với Song Tử Tây, Sơn Ca... là những ấn tượng không bao giờ phai mờ đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó có thể là ấn tượng về người thầy giáo dạy chữ duy nhất của trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, là cây bàng vuông có sức sống mãnh liệt tỏa bóng mát bình yên nơi biển đảo.

Trên bước đường đến với những chân trời rộng mở của các châu lục, từng cảm xúc khám phá, trải nghiệm và góc nhìn riêng cũng được tác giả ghi lại. Những chi tiết dẫu nhỏ lại rất hữu ích với những ai muốn tham khảo cho dự định du lịch nước ngoài.

Dưới chân tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng ngỡ như đã quen thuộc về thông tin liên quan dễ tìm thấy trên mạng, tác giả vẫn có những cảm nhận riêng về một vật chứng "trơ gan cùng tuế nguyệt" qua hai lần thế chiến dù bị tấn công, để rồi Big Ben như một biểu tượng chiến thắng của người Anh.

Cũng tại Anh quốc, tác giả đúc kết 10 điều "lượm lặt" hữu ích: Cần chủ động đổi tiền trước khi đi du lịch; lái xe ở Anh xe đi bên trái, tay lái bên phải nên tốt nhất không nên thuê xe tự lái; mang theo áo ấm nếu đến Anh vào dịp tháng 5, tháng 6 vì sáng se lạnh, trưa nắng nhưng chiều lại lạnh hoặc mưa... Bước chân của tác giả cũng chạm đến nhiều điểm ở Pháp, Hà Lan, Đan Mạch...

Đối với châu Á, ấn tượng của tác giả dành cho những vùng đất, con người cũng rất đa dạng khi tới Hong Kong, Singapore, Thái Lan...

Dẫu chỉ là "Một thoáng xứ sở Chùa Vàng" theo lời tác giả, rất nhiều điều đọng lại ở vương quốc Thái Lan. Nào thức ăn ngon với món ghẹ sốt cà ri ăn cùng bánh mì hoặc cơm. Thậm chí, chỉ là điều tưởng như bình dị mà ấm áp, đáng học hỏi khi văn hóa chào hỏi của người Thái tạo thiện cảm sâu đậm đối với du khách qua cái chắp tay, cúi đầu và câu chào "Xin cho điều tốt đẹp đối với bạn".

Xứ cảng thơm Hong Kong trong ghi chép của Xuân Hiếu, là nơi "đến một lần sẽ nhớ mãi". Bởi ở đây không chỉ có những tòa nhà chọc trời, những tháp cao tầng, mà sự cổ kính vẫn còn đó nơi làng Ngong Ping khi mọi người đều đi bộ, còn ngôi làng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của tượng Phật, cây ước nguyện... bên cạnh đô thị tấp nập, hiện đại.

Ấm áp bao nghĩa tình

Thanh xuân không chỉ một thời dành dung lượng lớn cho những hành trình, nhưng sách cũng lắng đọng lại trong chia sẻ về TP.HCM những ngày giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Nhiều xao động, lắng lòng được tác giả ghi lại ở dạng nhật ký theo thời gian giúp độc giả hồi tưởng biết bao kỷ niệm, biến cố đã qua.

Này đây ngày 31/5/2020, thành phố thực hiện lệnh giãn cách xã hội lần thứ hai, toàn thành phố vắng lặng như ngày Tết: "Sự im ắng cảm nhận rất rõ nét khi mọi sinh hoạt dường như chậm lại. Hàng quán đóng cửa, vài tiệm ăn chỉ bán để mang đi".

 Tác giả Xuân Hiếu. Ảnh NVCC.

Tác giả Xuân Hiếu. Ảnh NVCC.

Không chỉ là sự khốc liệt của dịch bệnh Covid-19 hoành hành, mà ở đó, còn là tình người. "Thật ấm lòng biết bao khi nhiều ngày qua, người dân khắp tỉnh, thành trong nước đã thương Sài Gòn bằng cái nghĩa đồng bào, bằng tình đoàn kết keo sơn của dân tộc Việt: bà con đã gom góp thực phẩm, rau, củ, quả... gửi tặng cho Sài Gòn với những tình cảm nồng ấm và chân thành nhất", Xuân Hiếu đã ghi những dòng xúc động ấy trong nhật ký ngày 15/7/2021.

Đồng cảm với tác giả, nhà thơ Lê Minh Quốc - người viết "Tựa" cho tác phẩm - chia sẻ: "Có thể hiểu, cảm xúc về danh lam thắng cảnh, vùng đất đã đi qua, trải theo năm tháng vẫn luôn còn lưu giữ thanh xuân trong trí nhớ. Không cằn cỗi theo năm tháng. Làm sao có thể quên vì nơi ấy nhắc nhớ lại năm tháng thanh xuân đã chiêm nghiệm và đã trải qua".

Trần B.A

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-niem-voi-thanh-xuan-post1348703.html