Kỷ niệm những ngày giữ chốt và lần 'cãi cấp trên'

Sau khi chiến dịch 74B giải phóng bản Na (Lào) kết thúc, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (nay thuộc Quân đoàn 1) chúng tôi hành quân về phía sau.

Thế nhưng, khi đơn vị vừa rút khỏi thì lợi dụng mưa lũ, lực lượng đặc biệt Vàng Pao và quân đánh thuê Thái Lan tràn ra đánh chiếm Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Trung đoàn 165 nhận được lệnh quay trở lại tổ chức chiến đấu, chốt giữ, ngăn cản không cho địch tiến tiếp. Và ở đây, tôi đã có những ngày tham gia giữ chốt và kỷ niệm "cãi cấp trên" đáng nhớ.

Cho đến tháng 7-1971, địch theo hướng Đường 7A tiến lên phía Bắc Cánh Đồng Chum và đã chiếm lại Phu Tâng, Bản Tôn. Tiếp đó, nhiều khu vực xung quanh thị xã Xiêng Khoảng cũng bị địch tái chiếm. Thời gian này, mùa mưa trên nước bạn cũng đã đến nên cuộc chiến đấu mới của chúng tôi càng gặp nhiều khó khăn hơn. Trong quá trình chiến đấu, có điểm cao 1316 và 1505 ta cần phải chốt giữ. Đây là hai điểm cao nằm ở vị trí quan trọng, phía sau là các cơ quan của Mặt trận Quân Giải phóng nhân dân Lào và trục Đường 7A nối từ biên giới Việt Nam sang Lào đến Cánh Đồng Chum. Nhiệm vụ chốt giữ Ban chỉ huy Trung đoàn 165 giao cho Tiểu đoàn 4 chúng tôi, còn các đơn vị khác của trung đoàn thì thực hiện nhiệm vụ cơ động.

Đồng chí Nguyễn Đức Sơn ngày mới nhập ngũ.

Lúc này tôi đang là Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 4. Đại đội 2 của tôi được tiểu đoàn giao chốt giữ ở điểm cao 1316, ở độ cao nhỉnh hơn 1505 khoảng 300m, phía xung quanh là những cây lúp xúp chứ không chọc trơn như những khu vực thường thấy ở Lào. Đây là vị trí trọng yếu và cũng phải đối mặt với nhiều gian khổ nên ngay từ đầu trung đoàn và tiểu đoàn quyết định giao cho đại đội chúng tôi. Vì trước đó, Đại đội 2 đã có nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chốt giữ, là đơn vị có tiếng là “gan lỳ” của tiểu đoàn.

Ở trên điểm cao, chúng tôi cho bộ đội làm hầm công sự. Nhưng đúng vào mùa mưa, nên việc dựng rồi giữ hầm của anh em khá vất vả. Hầm phải kỹ và dày để không chỉ tránh được bom đạn của địch mà còn có thể che chắn những cơn mưa rừng liên miên. Các lực lượng của đại đội tôi luân phiên nhau trực chốt ngày đêm. Ngoài ra còn phải tranh thủ thời gian ở phía dưới tìm thật nhiều cành cây, que và những vật liệu có thể ngụy trang để đêm đến mang lên chốt gia cố công sự. Phải khẳng định, những ngày chốt giữ đây rất ác liệt. Máy bay, pháo binh địch đánh phá dày đặc. Ban ngày bộ đội trực chốt sẵn sàng chiến đấu với địch, ban đêm lại củng cố công sự. Ai đến phiên đổi chốt đổi phiên cũng mang vật liệu, cành cây... lên để củng cố, sửa hầm.

Do ngày nào địch cũng bắn phá nên hệ thống hầm hào, công sự phải được gia cố thường xuyên. Tuy nhiên với cách làm ban đầu, hiệu quả không cao mà rất tốn công sức của bộ đội. Sau một thời gian, qua quan sát tôi phát hiện, cứ đến khoảng 5 giờ chiều không thấy địch bắn phá. Theo dõi liên tục nhiều ngày, tôi trao đổi với ban chỉ huy đại đội về điều này và thống nhất chủ trương: Cho bộ đội đi lấy que, cành cây và bắt đầu đưa lên chốt từ lúc 5 giờ chiều thay vì phải chờ đến đêm như trước đó. Kết quả đúng như dự báo, bộ đội di chuyển nhanh hơn và hiệu quả công việc cũng tăng gấp đôi so với đi vào ban đêm. Từ đó, Đại đội 2 chúng tôi duy trì biện pháp này, công sự thường xuyên được gia cố, bộ đội không vất vả nhiều mà yên tâm có chỗ tránh mưa và đạn pháo địch kiên cố.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (bên trái) trong một lần trở lại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Một ngày cuối tháng 7-1971, đoàn công tác của trung đoàn do đồng chí H.K-Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 làm trưởng đoàn. Đi tháp tùng là Chính trị viên Tiểu đoàn 4 Lê Viết Viên. Đoàn tới đúng lúc một bộ phận của Đại đội 2 đang đi vác đồ lên chốt. Đồng chí H.K lập tức ra lệnh dừng lại và yêu cầu cán bộ đơn vị báo cáo. Hướng về cán bộ trung đoàn tôi định báo cáo thì đồng chí H.K chỉ sang phía chính trị viên tiểu đoàn. Tôi nói: "Báo cáo đồng chí, tôi đang cho bộ đội đi lấy cây, que và đưa lên chốt để xây giữ, gia cố công sự". Cán bộ tiểu đoàn chưa kịp cất lời, đồng chí Trung đoàn phó đã nói ngay:

- Tại sao các anh lại cho bộ đội đi ra nhiều và đông thế này. Pháo bắn, bộ đội thương vong thì ai chịu trách nhiệm. Cho về ngay!".

Tôi báo cáo:

- Chúng tôi đã quan sát kỹ, giờ này địch không bắn, cho bộ đội ra làm việc hiệu quả hơn…

Không chờ tôi nói tiếp, đồng chí Phó trung đoàn trưởng lớn tiếng: “Không làm gì cả nữa, cho bộ đội dừng lại ngay!”, rồi tức tối dẫn đoàn đi luôn.

Đoàn rời đi rồi, tôi không suy nghĩ nhiều mà vẫn cho bộ đội tiếp tục công việc. Hôm sau, tôi thấy anh Võ Tợ, từng là chính trị viên đại đội cũ của tôi, nay là trợ lý tổ chức của trung đoàn điện xuống, nói: “Sơn ơi, sao mày cãi cấp trên thế. Anh H.K đã báo cáo mày cãi lại anh ấy và tác phong không đúng trong giao ban của trung đoàn đấy”.

Qua anh Võ Tợ tôi được biết, Trung đoàn phó H.K phê bình tôi là cán bộ đại đội còn trẻ tuổi, khi báo cáo với chỉ huy lại chắp tay ra đằng sau và “cãi lại”. Tại cuộc giao ban, Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông đã giao cho cơ quan tìm hiểu rồi báo cáo, nếu đúng thì phải kỷ luật.

Lúc này tôi mới nghĩ ra, hôm đó quả là khi báo cáo tôi không để ý tác phong của mình mà vô tình đưa hai tay chắp đằng sau thật. Sau khi được báo tình hình sự việc, tôi cũng trong tâm thế sẵn sàng chờ đợi. Qua đồng đội, tôi được biết thêm là chỉ huy trung đoàn đã giao cho Chính trị viên tiểu đoàn Lê Viết Viên nắm lại cụ thể sự việc để báo cáo. Hôm đoàn kiểm tra đến, tôi cũng chưa có trao đổi gì với đồng chí chính trị viên thì đoàn đã rời đi. Lâu nay, anh Viên vẫn nổi tiếng là người khắt khe, nghiêm khắc ở Tiểu đoàn 4 chúng tôi và được anh em đặt biệt danh là “dì Viên” cũng vì lẽ đó.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (bên phải) hiện đang là Phó trưởng ban liên lạc toàn quốc cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào.

Nhiều anh em trong đơn vị biết chuyện, lo lắng cho tôi và tìm gặp hỏi thăm, động viên. Trong thâm tâm tôi cũng xác định, bản thân mình không có gì sai nếu được hỏi sẽ báo cáo rõ. Vậy mà, tôi chờ mãi vẫn không thấy ai đến gặp gỡ làm công tác tư tưởng hay có thông báo kỷ luật gì xuống đơn vị. Mấy ngày sau, qua đồng chí Đông-chiến sĩ thông tin của đơn vị, tôi được anh cho biết Chính trị viên Viên đã gặp anh và hỏi “thấy thằng Sơn thế nào?”. Anh Đông nói với tôi: “Tao đã bảo “dì Viên” là phải nhắc nhở mày, thằng đấy suốt ngày đi ra ngoài làm việc, dễ chết lắm”. Lời của anh Đông nghe có vẻ là chê trách, thực ra là anh đang khen tôi là người trẻ tuổi nhưng xông xáo, không ngại hy sinh.

Chờ mãi, cuối cùng tôi quyết định gọi anh Võ Tợ, chưa kịp hỏi thì anh đã bảo luôn: “Mày thoát tội rồi. Ông Viên đã báo cáo với trung đoàn mày là cán bộ trẻ năng nổ, được lòng đồng đội và anh em rất tin tưởng. Sự việc vừa rồi chỉ là một hiểu lầm thôi…”.Sau này tôi mới biết, người nổi tiếng khắt khe như “dì Viên” dù ít nói nhưng cách làm việc rất nghiêm túc, thấu tình. Về sự việc của tôi, anh đã đi tham khảo, hỏi ý kiến nhiều người (không riêng anh Đông như tôi nói ở trên) về con người, tác phong công tác của tôi. Chính trị viên Viên đã trực tiếp lên gặp cán bộ trung đoàn để báo cáo rõ sự tình. Tiểu đoàn và trung đoàn sau đó đều không có ý kiến gì, tôi cũng yên tâm tiếp tục công tác. Đại đội 2 của tôi những ngày sau đó vẫn thực hiện công việc như vậy. Chốt giữ điểm cao 1316 an toàn, bộ đội thương vong ít. Cho đến cuối tháng 9-1971, sau hai tháng chốt giữ, chúng tôi bàn giao lại cho đơn vị khác để tiếp tục đi chiến đấu. Vì thành tích giữ vững điểm cao 1316 mà sau này Đại đội 2 của tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Cán bộ tiểu đoàn và trung đoàn cũng giới thiệu và đề nghị tặng tôi danh hiệu chiến sĩ thi đua nhưng tôi từ chối để dành cho các đồng chí khác xứng đáng hơn…

SONG THANH-BẢO LINH (ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/ky-niem-nhung-ngay-giu-chot-va-lan-cai-cap-tren-733693