Kỷ niệm không quên khi tác nghiệp tuyên truyền di dân TĐC thủy điện Sơn La

Năm 2007, khi tỉnh ta bắt đầu bước vào cao điểm cuộc di dân tái định cư giải phóng lòng hồ phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, tôi được Ban Biên tập phân công thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về công tác di dân TĐC tại huyện Quỳnh Nhai. Suốt gần 5 năm, tôi đã gắn bó với huyện Quỳnh Nhai, đã đi hết 11 khu, 77 điểm TĐC để ghi hình, viết bài tuyên truyền. Ký ức về cuộc “đại di dân” đó vẫn đong đầy trong tôi.

Có thể nói, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi Quỳnh Nhai là địa phương có số hộ phải di chuyển rất lớn, với 8.435 hộ trong tổ số hơn 12.800 của toàn tỉnh. Hơn nữa, vùng di dân đa số là đồng bào dân tộc đã gắn bó nhiều đời với con sông Đà, nơi chôn rau, cắt rốn, phong tục tập quán miền sông nước, nên khi phải di chuyển đến nơi ở mới, bà con rất băn khoăn.

Nhận nhiệm vụ, ngày đầu tiên lên đường vào trung tâm huyện ở xã Mường Chiên, xuất phát từ sáng, nhưng đến gần trưa tôi với vào được đến bến phà Pá Uôn. Con sông Đà khi đó nước cuộn chảy, đục ngầu, chiếc phà duy nhất chạy hết công suất đưa từng đoàn xe tải lớn chất đầy khung nhà, đồ đạc và cả gia súc, gia cầm của các hộ di chuyển về các điểm TĐC trong tỉnh, xe nào hai bên thành cũng treo khẩu hiệu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Phía thượng nguồn, cây cầu Pá Uôn mới đang đổ móng trụ. Đến trung tâm huyện, cũng là lúc xế chiều, tôi được Trưởng ban tuyên giáo Nguyễn Tuấn Anh nhờ Văn phòng Huyện ủy bố trí cho một phòng ở nhà công vụ và giao hẳn cho một chiếc chìa khóa khi nào hoàn thành nhiệm vụ thì trả lại.

Đoàn xe phục vụ di dân vận chuyển nhà cửa của nhân dân tái định cư thủy điện Sơn La huyện Quỳnh Nhai đến nơi ở mới.

Vậy là suốt gần 5 năm tôi đã gắn bó với huyện Quỳnh Nhai, mỗi tháng ít nhất nằm ở huyện chục ngày, tôi đã đi hết 11 khu, 77 điểm TĐC và các bản phải di chuyển, từ Ít Ta Bót, Co Líu - Lọng Mức, Phiêng Mựt... đến các bản của xã Cà Nàng, Chiềng Bằng, Mường Sại... để ghi hình, viết bài tuyên truyền. Đồng thời, thường xuyên phải tháp tùng đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra, động viên bà con và các lực lượng tham gia công tác di dân. 5 năm đó, đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc, nhiều lần được ăn, ngủ lán tạm với bà con, bởi khi đó ở các bản phải di chuyển bà con đã dỡ nhà chuẩn bị để chờ xe vào chở về điểm TĐC.

Tôi còn nhớ mãi trong một chuyến vào một số bản của xã Mường Sại, khi đó xã nằm dọc theo hạ nguồn của con suối trước khi đổ vào sông Đà. Đường xuống từ tỉnh lộ 107 (nay là quốc lộ 6B) dốc quanh co, rất khó đi, do máy ủi phải mở rộng và san gạt để xe tải vào chuyển nhà cho bà con, vừa đi, vừa lựa mà chiếc xe Dream cứ nhảy lên chồm chồm, vài cây số lại phải dừng tìm chỗ tránh cho xe tải đi qua.

Bến phà Pá Uôn những năm cao điểm di dân TĐC thủy điện Sơn La.

Đến chiều khi quay về, còn cách trung tâm xã hơn 3 km thì xe bị thủng xăm, lúc này trời nhá nhem tối, nhìn trước, nhìn sau không một bóng người, đang hoang mang không biết xử lý thế nào, thì may có một người đàn ông cũng đã lớn tuổi đi xe máy tới, tôi liền vẫy lại giới thiệu là nhà báo, nhờ về trung tâm xã gọi thợ sửa xe đến giúp, nhưng ông bảo ở trung tâm xã không còn ai sửa xe máy nữa. Nói rồi ông ấy bảo tôi ở đây chờ và quay lại bản, khoảng gần một tiếng sau quay lại với túi đồ giúp tôi vá xe, xong rồi từ chối nhận tiền, tôi cảm ơn và thật trân trọng tình cảm của bà con.

Tiếp đến, trong lần công tác tôi đang ở trong trung tâm huyện thì đồng chí Tổng Biên tập thông tin sáng sớm hôm sau có Phó Thủ tướng kiểm tra tiến độ dự án cầu Pá Uôn, mặc dù đã khuya, trời lại bắt đầu mưa, nhưng tôi vẫn quyết định quay ra Pá Uôn. Khi đến bến phà, đã hơn 11 giờ, phà đã nghỉ, mà tôi phải sang bên kia sông để vào Ban quản lý dự án nắm thông tin và ngủ lại ở đó. Bên bến lúc này mưa rất to, dòng sông cuộn chảy, mà chỉ còn một chiếc thuyền máy, anh lái thuyền bảo tôi cứ cho xe máy lên, bất đắc dĩ tôi phải làm theo. Ngồi trên xe máy, hai chân chống vào hai mạn thuyền, gió to hất tung chiếc áo mưa, vừa lo giữ máy ảnh không bị ướt, vừa lo giữ cho xe máy cân bằng, chiếc thuyền chòng chành rời bến, rất may là chúng tôi sang đến bờ bên kia an toàn.

Năm 2012, khi huyện Quỳnh Nhai hoàn thành công tác di dân ra khỏi dùng ngập, Nhà máy thủy điện Sơn La đóng đập tích nước. Nhưng ngay sau sau đó thì có một bài báo trung ương viết “Dân tháo chạy vì thủy điện Sơn La tích nước vượt quy định”. Đây là một thông tin hết sức nghiêm trọng, vì công tác di dân TĐC của tỉnh đã cơ bản hoàn thành, công trình thủy điện Sơn La đã tích nước ở cos 215 m.

Bến phá Pá Uôn những năm cao điểm di dân TĐC thủy điện Sơn La.

Nhận được thông tin, Tổng Biên tập khi đó là đồng chí Nguyễn Đắc Tĩnh đã giao nhiệm vụ cho tôi ngay lập tức lên đường vào xã Mường Chiên tìm hiểu sự việc. Từ cầu Pá Uôn, tôi đi thuyền máy ngược lên xã Mường Chiên, lúc này khung cảnh hết sức mới lạ, nước ngập mênh mông, không nhận còn ra những nơi mình đã từng đến, trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ đã nằm sâu dưới gần 100m nước. Sau hơn 1 giờ tôi đến bản Hé 1 và Hé 2 của xã Mường Chiên, là 2 bản TĐC thuộc diện di chuyển nội xã mà bài báo đã nêu. Nhưng khi vào đến nơi, một khung cảnh yên bình hiện ra trước mắt, giữa biển nước mênh mông, mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt của 29 hộ vẫn bình thường. Khẩn trương chụp ảnh, phỏng vấn bà con và ngay sau đó tôi đã viết bài “Không có chuyện tháo chạy vì thủy điện Sơn La tích nước vượt quy định” để kịp thời thông tin chính xác cũng như phản bác lại bài báo kia.

Suốt gần 5 thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền công tác di dân TĐC của huyện Quỳnh Nhai, với hàng trăm chuyến đi, khó khăn, vất vả, nhưng đã thực sự giúp tôi có những trải nghiệm sâu sắc về tinh thần đoàn kết, vượt lên khó khăn, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của đồng bào các dân tộc, vì dòng điện của Tổ quốc.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/bao-son-la-60-nam-xay-dung-va-phat-trien/ky-niem-khong-quen-khi-tac-nghiep-tuyen-truyen-di-dan-tdc-thuy-dien-son-la-gecX9MFSg.html