Kỷ niệm

Có câu dân ca mà hồi xưa tôi vẫn thường hay nghe mạ tôi hò ru mấy đứa em: 'Mẹ già ham việc tiếc công - Cầm duyên con lại thu đông mãn mùa'. Lời ru nghe buồn làm sao và có lẽ đó là lời người mẹ đang tự trách mình ham công, tiếc việc quá mà quên mất con gái mình đã lớn, đã đến tuổi dựng vợ gả chồng...

Không biết “mãn mùa” ở đây có phải là “mãn mùa” lúa khi vụ hè thu đã kết thúc bước vào kỳ nông nhàn kéo dài từ thu sang đông hay không nữa?

Tiết thu đông mãn mùa là lúc những cánh đồng được nghỉ ngơi sau hai vụ mùa nối tiếp với bao nhọc nhằn của người làm nông để gặt được những hạt lúa vàng từ đồng về nhà. Ruộng đồng thảnh thơi cũng là lúc mùa thu về mang theo những cơn mưa dài. Mưa dài làm cho những con nước tràn qua sông mang theo phù sa từ đầu nguồn, mang theo tôm cá từ sông suối bơi về cánh đồng... Cánh đồng mãn mùa vắng lặng chỉ còn nước biếc và cỏ vàng sắc thu, thỉnh thoảng xuất hiện vài cánh chim sải cánh bay lẻ ngang trời. “Đời sao im vắng như đồng lúa gặt xong...”. Câu hát của Trịnh thật đúng làm sao trong không gian và thời gian của cánh đồng lúc này...

Có những chiều thu sau mưa lũ, nắng thật trong và quá đỗi dịu hiền, tôi chạy xe ra khỏi thành phố ồn ào náo nhiệt để tìm một góc yên tĩnh của mùa thu. Hầu như đến bất cứ cánh đồng làng quê nào ở xứ Huế cũng có thể cảm nhận sắc màu mùa thu đang nhuốm trên màu cỏ vàng, làn nước trong và cả những áng mây trời trắng bềnh bồng soi bóng nước. Bao kỷ niệm của những mùa thu năm cũ ùa về...

Nhớ những năm sinh viên, mỗi kỳ nghỉ hè về làng, tôi cùng anh Đặng Thành, anh Quốc Thanh thường tụ tập hàng đêm đàn và hát cho nhau nghe. Anh Thành là giáo viên Sử cấp 3, anh Thanh là sinh viên Y khoa, tôi là sinh viên Văn Tổng hợp. Mỗi người mỗi tính cách khác nhau nhưng đều thích văn nghệ...

Anh Thanh chơi đàn guitar giỏi, anh Thành hát hay lại thuộc rất nhiều bài hát đủ thể loại, còn tôi thì cũng hát bập bõm đôi ba bài, dăm ba câu hát rứa mà đêm mô cũng ngồi chơi tới khuya, khi thì ở trên độn cát phía sau làng, khi thì ven bãi biển ì ầm sóng vỗ, khi thì dưới lũy tre già trăng chênh chếch bóng sau nhà anh Thành...

Rồi có khi mấy anh em nói chuyện văn chương. Tôi nhớ nhất một buổi tối đầu thu, trăng thanh gió mát, anh Thành nói thật say sưa về những áng văn của nhà văn Thạch Lam và đọc thuộc luôn một đoạn văn trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn tiền chiến nổi tiếng này: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời...”.

Đọc xong anh còn giải thích cho chúng tôi nghe về nghĩa của từ “thu không”. Thực tình “tiếng trống thu không” đó chỉ còn nghe trong tâm tưởng từ áng văn xưa của nhà văn Thạch Lam nhưng có những buổi chiều chợt nghe được tiếng trống đâu đó vang lên là tôi lại ngỡ như một cổng thành xưa vừa khép lại và nhớ cả đêm mùa thu ba anh em chúng tôi ngồi với nhau để ngày mai chia tay lên phố tiếp tục con đường đèn sách...

Năm tháng cứ trôi đi mê mải. Rồi đến khi tôi với anh Thanh không còn là sinh viên, anh Thành thì cũng bận bịu gia đình, công việc... Những bài hát lâu ngày không hát mà quên lời. Những cuộc vui đi qua tuổi thanh xuân quê nhà...

Có lần về quê, ngồi cà-phê với anh Thanh, hai anh em ôn lại những buổi tối hát hò năm cũ và nói với nhau sẽ hẹn thêm anh Thành để ba anh em gặp lại nhau một đêm nào đó mà đàn và hát thật say mê như đã từng hát rất nhiều đêm ở làng những năm xưa. Rứa mà lời hẹn đó ngót đã 20 năm rồi không thực hiện được...

Mà tôi cũng không chắc nếu có gặp lại, thì cả ba anh em có còn sôi nổi ngồi để nghêu ngao đàn hát tới nửa khuya không nữa... Chiều nay, chạy xe ra khỏi thành phố để về làng, ngang qua phá Tam Giang mây trắng mùa thu trôi bềnh bồng in bóng trên mặt nước mênh mông, ruộng đồng im vắng, bỗng dưng nhớ câu ca mạ ru ngày xưa: “Mẹ già ham việc tiếc công - Cầm duyên con lại thu đông mãn mùa” và nhớ cả “tiếng trống thu không” và giọng đọc của anh Đặng Thành chi lạ...

Phi Tân/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ky-niem-post68865.html