Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2023): Tri ân biết mấy cho vừa...

(BGĐT)- Dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4 năm nay, tôi được một đồng nghiệp lớn tuổi ở TP Hồ Chí Minh mời vào tham dự một sự kiện đặc biệt của gia đình. Đó là lễ đón nhận những hồ sơ, kỷ vật… của người cha đã quá cố do Cục văn thư và lưu trữ Quốc gia trao trả. Cha anh là cán bộ miền Nam tập kết. Ngày ông lên tàu ra Bắc, anh chưa kịp chào đời. Ngày ông trở lại miền Nam chiến đấu và hy sinh, mẹ con anh đang bị kìm kẹp trong ấp chiến lược của địch. Giờ đây, được nhận lại cuốn sổ tay đã ố vàng mục mủn, chiếc đồng hồ hoen gỉ có khắc tên mẹ con anh ở mặt sau, đặc biệt là tấm ảnh của ông chụp ở miền Bắc trước ngày “đi Bê”… khiến anh rưng rưng không nói nên lời. Lần đầu tiên anh được “gặp” người cha thương yêu…

Đoàn viên, thanh niên TP Bắc Giang thăm thương binh, bệnh binh xã Tân Tiến. Ảnh: NGỌC ANH.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với hàng vạn bộ đội và thanh niên xung phong hăng hái “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, còn có hàng nghìn cán bộ miền Bắc và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, cũng được “đi Bê” trực tiếp tham gia sự nghiệp thống nhất đất nước. Toàn bộ hồ sơ, vật dụng, tài sản… của họ được gửi lại ở Ủy ban Thống nhất, về sau lại được chuyển về Cục văn thư lưu trữ Quốc gia. Cơ quan này lại trải qua nhiều lần thay đổi tổ chức, biên chế... nên việc sưu tra và hoàn trả số hồ sơ, kỷ vật và tài sản cho chủ nhân hoặc người thân của họ rất khó khăn.

Khi được nhận lại những tài liệu, hiện vật sau bao năm tìm kiếm và ngóng trông, các cán bộ và thân nhân của họ ai cũng bồi hồi cảm động và vô cùng phấn khởi; mặc dù sau hàng chục năm, nhiều tài liệu và hiện vật đã bị hư hỏng, thất lạc. Nhiều vật dụng quý giá thời ấy như đồng hồ, ra-đi-ô… giờ chỉ là một cục sắt gỉ. Nhiều cuốn sổ tiết kiệm hồi ấy tương đương hàng chục cây vàng nhưng giờ chỉ còn là một món tiền tượng trưng… Đặc biệt, có những hồ sơ cá nhân liên quan đến sinh mạng chính trị, hoặc bảo đảm sự nghiệp của cả một đời người, nhưng nay đã muộn…

Trên đây chỉ là câu chuyện về những sự hy sinh trong muôn vàn sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc nhưng đến nay vẫn còn bị khuất lấp do hoàn cảnh thời chiến, do thời gian đã xa và rất nhiều lý do khách quan, chủ quan khác. Những năm gần đây, vào dịp trung tuần tháng 7 là hàng ngàn cựu chiến binh cùng thân nhân khắp cả nước lại hành hương lên Vị Xuyên - Hà Giang tham dự Ngày giỗ trận 12/7.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1979 đến 1989, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đã ngã xuống. Chỉ riêng trong trận chiến đấu khốc liệt ngày 12/7/1984 tại mặt trận Vị Xuyên, đã có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang hy sinh, trong đó Sư đoàn 356 có gần 600 liệt sĩ, 800 thương binh. Vậy mà đến nay vẫn còn hàng trăm liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, Nghĩa trang liệt sĩ ở Vị Xuyên vẫn bạt ngàn những bia mộ chưa rõ danh tính…

Điều kiện, hoàn cảnh, khoảng cách thời gian… của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (và biên giới Tây Nam nữa) khác hẳn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây, vậy mà việc quy tập và xác định danh tính liệt sĩ còn “đáy bể mò kim” như thế, thì công việc giải quyết các tồn đọng chiến tranh từ thời chống Pháp, chống Mỹ còn khó khăn, thiếu sót và tồn đọng biết nhường nào!

Bất kể ở đâu và vì lý do gì thì chiến tranh vẫn là điều hết sức tồi tệ và để lại những hậu quả nặng nề, dai dẳng. Dân tộc nào cũng có truyền thống tri ân những người có công với dân, với nước. Đất nước Việt Nam của chúng ta sau hơn 30 năm kháng chiến cứu nước cùng hơn 40 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đã được bồi đắp và nâng lên thành một nét Văn hóa Tri ân của dân tộc Việt Nam trong thời đại hội nhập và phát triển.

Trong hệ thống lễ hội hằng năm của dân tộc, hơn 70 năm nay đã có thêm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7) với rất nhiều hoạt động thiết thực đầy tình nghĩa, nhằm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ấy là ngày lễ thể hiện truyền thống nhân nghĩa, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh cống hiến.

Cựu chiến binh Sư đoàn 338 hỗ trợ đồng đội Bế Xuân Nghìn, xã Vô Tranh (Lục Nam) xây dựng nhà ở. Ảnh: HỮU TRÌNH.

Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, với nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả thiết thực. Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947- 2022), bên cạnh các hoạt động truyền thống như tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi và tặng quà các đối tượng chính sách và người có công… tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, huy động các nguồn lực tiếp tục hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn cải thiện về đời sống, đặc biệt là nhà ở.

Theo đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch hỗ trợ xóa 44 hộ nghèo và 96 hộ cận nghèo có đối tượng là người có công trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức thành công Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu. Đồng thời phối hợp tổ chức cuộc thi viết về chủ đề Đền ơn đáp nghĩa, phát động từ sau Tết Nguyên đán và tổng kết trao giải đúng dịp 27/7… Những hoạt động linh hoạt, sinh động, hiệu quả trên đây đã tạo nên hiệu ứng xã hội rất tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện chính sách Thương binh - Liệt sĩ và người có công của tỉnh tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Năm tháng sẽ dần trôi qua, những người có công với đất nước, các đối tượng chính sách… sẽ ngày càng thưa vắng. Đất nước đang ngày càng phát triển tiến tới mạnh giàu. Hoạt động tôn vinh, đền ơn đáp nghĩa ngày càng được quan tâm và tiến hành thường xuyên, thiết thực, hiệu quả, với nhiều hình thức sôi nổi và phong phú không chỉ riêng một Ngày Thương binh - Liệt sĩ, không chỉ riêng một tháng Bảy là Tháng tri ân. Tổ quốc độc lập - tự do và hòa bình - thống nhất hôm nay là nhờ sự hy sinh to lớn của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước trong sự nghiệp cách mạng lâu dài và anh dũng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên có lúc, có nơi vì những lý do khách quan hoặc chủ quan nên hoạt động đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” vẫn còn những trường hợp cụ thể chưa được giải quyết kịp thời và chu đáo.

Thời gian gần đây, các địa phương và đoàn thể chính trị-xã hội đã và đang có nhiều biện pháp năng động, thiết thực đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng chính sách và người có công với nước. Với lớp lớp đồng bào, đồng chí đã góp phần làm nên thành quả Độc lập - Tự do - Hòa bình - Thống nhất của đất nước hôm nay, sự tri ân không bao giờ đủ!.

Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/408680/ky-niem-76-nam-ngay-thuong-binh-liet-si-27-7-1947-2023-tri-an-biet-may-cho-vua-.html