Kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương:20 năm ấy biết bao nhiêu tình!

* Bài 1: Đêm trước chia tách

(Cadn.com.vn) - Cách đây 20 năm, một ngày đầu tháng 2-1997, tại tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương (TP Đà Nẵng) diễn ra cuộc chia tay “vĩ đại” và vô cùng xúc động: ngày tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) trở thành hai đơn vị hành chính và thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (T.Ư). Những ca từ trong bài Về với Quảng Nam của Đoàn Ngọc Bính: “...Chia tay câu ca xưa lên nguồn xuống biển/Về với Quảng Nam như không hề có cuộc chia ly...” làm bồi hồi, xao xuyến bao bước chân kẻ ở, người đi.

Trước khi chia tách tỉnh QN-ĐN năm 1997, có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra bàn luận. Nhưng sau khi cân nhắc mọi lẽ, số đông thấy rằng thời cơ đã đến, việc chia tách tỉnh là cần thiết để tạo điều kiện cho cả Đà Nẵng và Quảng Nam cùng phát triển.

Ý tưởng xây cầu bắc qua sông Hàn đã có từ lâu song phải tới khi Đà Nẵng chia tách
trở thành TP thuộc T.Ư thì ý tưởng mới thành hiện thực.

Thôi thúc “thay áo”

Trước khi đi đến quyết định chia tách tỉnh QN-ĐN, với lãnh đạo và người dân địa phương là cả “đêm dài” nhiều trăn trở. Có ý kiến muốn giữ để ổn định, có ý kiến phân vân về thời điểm chia tách, lại có quan điểm “vẫn phải vừa chạy vừa xếp hàng”. Rồi chia thì chia thế nào để hài hòa, tạo điều kiện cho cả hai cùng phát triển, không lấy hết phần thuận lợi về Đà Nẵng cũng không đẩy hết phần khó khăn cho Quảng Nam... Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh QN-ĐN cho rằng, sau ngày giải phóng, vấn đề địa giới phải phân định khoa học, hợp lý mới đảm bảo sự phát triển. Thực tế chúng ta cũng đã phải trả giá cho việc hình thành hệ thống địa giới chưa khoa học nên mới có chuyện nhập vào tách ra. Có lần một lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) nói với ông, đi hết tỉnh đứt hơi, gian khổ hơn cả sang Lào. Nói vậy để thấy việc phân địa giới lúc đó nhiều người nghĩ là hợp lý song không phải vậy.

Thực tế, câu chuyện tách tỉnh không phải chuyện của riêng QN-ĐN. Lúc ấy cả nước mới chỉ có 3 thành phố trực thuộc T.Ư, Đà Nẵng là thành phố thuộc tỉnh, tương đương cấp huyện nên không tạo được điều kiện cho sự phát triển. Nhiều lãnh đạo tỉnh QN-ĐN lúc bấy giờ hay dùng hình ảnh “võ sĩ múa gậy dưới gầm giường” để nói về Đà Nẵng “cấp huyện”. Ông An nói, năm 1997, cả nước đã trải qua hơn 10 năm đổi mới, làm sao phải cải cách để tạo nguồn lực phát triển là đòi hỏi bức bách. Đà Nẵng lúc đó dù là thành phố lớn thứ hai miền Nam, “cơ thể” đã phát triển song lại bị trói buộc trong “chiếc áo” quá chật. Sự “trói buộc” ấy bởi hai vòng cơ chế, gồm cơ chế quan liêu bao cấp và cơ chế của một thành phố “cấp huyện”. Thực tế này thì lãnh đạo tỉnh QN-ĐN và T.Ư cũng đã thấy, nhưng cũng phải 10 năm sau đổi mới, những bức thiết đòi hỏi phải chia tách tỉnh mới được đặt ra.

Lý giải sự bức bách buộc phải “thay áo” cho Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng- Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng nêu 2 lý do cơ bản. Thứ nhất, với một đơn vị hành chính cấp tỉnh địa bàn rất rộng như QN-ĐN thì nguồn lực phải chia sẻ, buộc lòng phải tập trung vào những nơi xung yếu, khó khăn như miền núi, vùng nông thôn nên đầu tư phát triển ở trung tâm khó hơn. Một khi chia tách ra thì trung tâm cũng có nguồn lực lo mà vùng núi, nông thôn cũng có nguồn lực lo. Mặt khác cũng phải thấy rằng, từ sau giải phóng, QN-ĐN trì trệ, chậm phát triển, một phần cũng vì năng lực quản lý của một số lãnh đạo tỉnh dù có thành tích trong chiến tranh nhưng lúng túng, bỡ ngỡ trong lãnh đạo, quản lý khi xây dựng, phát triển thời hòa bình. Rõ ràng sau 20 năm hợp nhất tỉnh QN-ĐN (từ 1976 – 1996), Đà Nẵng với tư cách một đơn vị hành chính “cấp huyện” đã xuất hiện một nhu cầu bức bách cần phải chia tách để thoát khỏi “cái áo chật”, trì trệ.

Sau chia tách tỉnh, Đà Nẵng bứt phá mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc T.Ư
(Trong ảnh: Lễ công bố Quyết định Đà Nẵng là đô thị loại I). Ảnh: Hiền Minh

Thời cơ đã đến

Mặc dù nhu cầu chia tách tỉnh là bức bách, song không phải từ nhận thức đến hiện thực diễn ra suôn sẻ. Ông Tiếng kể, năm 1994, T.Ư điều động đồng chí Mai Thúc Lân về làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trương Quang Được về làm Chủ tịch UBND tỉnh nhằm giúp đỡ tỉnh vượt qua khó khăn, sức ì trong phát triển. Như vậy, tỉnh vừa mới đại hội XVI xong, cần có sự ổn định để phát triển thì chuyện tách tỉnh được đưa ra nên cũng có ý kiến phân vân về thời điểm. Song song đó cũng có quan điểm cho rằng cứ phải vừa chạy vừa xếp hàng. Tuy vậy, mất thời gian có thể làm việc gấp đôi để bù lại thời gian đã mất, nhưng mất thời cơ thì rất khó bù đắp. Và số đông thì nghĩ rằng thời cơ đã đến. Theo ông Tiếng, việc chia tách tỉnh là đòi hỏi của thực tế lịch sử. Bởi chỉ chia tách thì cả Đà Nẵng và Quảng Nam mới phát triển được. Riêng với Đà Nẵng, cái được đầu tiên khi tách tỉnh là được nâng cấp từ thành phố thuộc tỉnh lên thuộc T.Ư. Mà được nâng cấp thì nguồn lực đầu tư cũng thuận lợi hơn. Khi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi tách tỉnh ra thì có gì khác biệt, đồng chí Nguyễn Bá Thanh lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trả lời, đơn cử như ngân sách dành cho Đà Nẵng chỉ bằng ngân sách đầu tư cho Công ty vệ sinh của TP Hải Phòng. Để thấy rằng, “cái áo” cho Đà Nẵng đã quá chật. Ông Tiếng dẫn một ví dụ cụ thể để thấy sự thay đổi tích cực ngay khi chia tách tỉnh. Đơn cử như con đường Đông Tây (nay là Nguyễn Văn Linh) khi làm rất chật vật vì không đủ nguồn lực, nhưng khi TP thuộc T.Ư thì giải quyết nhanh chóng. Không những vậy mà hàng loạt con đường khác hoặc ý tưởng xây cầu qua sông Hàn dù ấp ủ, thai nghén từ rất lâu, nhưng phải khi TP thuộc T.Ư thì mới làm được. Theo ông Tiếng, rất khó để biết ai là người đầu tiên khởi xướng ý tưởng tách tỉnh, nhưng chắc chắn người có tác động tích cực, mạnh mẽ nhất đến T.Ư, Chính phủ là ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh cũng là người có nhiều ý tưởng ấp ủ về phát triển hạ tầng, làm tiền đề cho Đà Nẵng bứt phá về sau này từ trước khi tách tỉnh, nhưng phải mãi tới thời điểm sau khi tách tỉnh, những ý tưởng ấp ủ ấy mới dần biến thành hiện thực.

Hải Hậu
(còn nữa)

“Thực ra Quảng Nam với Đà Nẵng là một, ngoài vấn đề địa giới thì còn vấn đề văn hóa, có cùng một văn hóa. Chính vì vậy, cái địa giới trong mỗi người Quảng chỉ để phân biệt với Quảng Ngãi phía Nam và Thừa Thiên-Huế phía Bắc. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trong nội bộ của đất Quảng không có cái đòi hỏi, nhu cầu về vấn đề chia tách cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn lịch sử”- Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_157692_20-nam-a-y-bie-t-bao-nhieu-ti-nh-.aspx